Con gái đầu lòng được 5 tuổi, cách đây vài ngày tôi đã chính thức trở thành mẹ bỉm 2 con trong niềm hạnh phúc vỡ oà của cả gia đình.
Khi có con thứ hai, tôi đã cố gắng cân bằng thời gian để chăm sóc cho con gái lớn. Nhưng những tháng cuối thai kỳ đi lại khó khăn, tôi không làm được nhiều thứ như trước nên đành gửi con gái về quê cho ông bà ngoại chăm sóc.
Khi em bé sơ sinh chào đời, tôi muốn tạo bất ngờ và kết nối tình cảm giữa hai chị em nên đã nhờ mọi người đưa con gái đến bệnh viện để gặp em trai mình. Khoảng thời gian trước đó, tôi cũng đã sớm chia sẻ với đứa trẻ lớn nhiều lần về sự hiện diện của em trai nhỏ sắp tới trong gia đình.
Chính vì được chuẩn bị sẵn sàng về mặt tinh thần và tư tưởng nên con gái tôi không mang tâm lý tủi thân, mà ngược lại còn khiến con bé vui mừng và rất mong chờ ngày được gặp em trai.
Ảnh minh hoạ
Mặc dù lần đầu gặp em trai, tôi quan sát thất con gái lớn có chút xấu hổ, nhưng với sự giáo dục của mẹ, tôi chắc chắn tình cảm giữa hai chị em sẽ ngày càng bền chặt hơn. Tuy nhiên một lát sau đó, tôi bỗng phát hiện ra con gái nhìn em trai chằm chằm. Nghĩ con có điều gì tò mò nên tôi đã lên tiếng hỏi:
- Khoai Tây ơi! Con có điều gì muốn nói với em à! Sao mẹ thấy con ngắm em kỹ thế!
- Không mẹ ạ! Con chỉ thắc mắc sao nhìn em xấu quá! Con giống mẹ thì em cũng phải giống bố chứ ạ! Con không thấy em giống bố chút nào!
Tôi ngớ cả người trước lời nhận xét của con gái về cậu em trai. Chồng tôi lúc này cũng đang có mặt ở đây. Chưa kịp để tôi phản ứng, chồng liền suông theo lời con gái:
- Bố cũng thấy thế con ạ! Hay để anh xét nghiệm ADN vợ nhé!
Ảnh minh hoạ
Chồng nhìn tôi nháy mắt cười nói. Tôi biết anh chỉ đùa vui, nhưng đùa kiểu này có mà gia đình tan nát. Đúng lúc đó mẹ chồng đi vào, nghe được toàn bộ cuộc đối thoại của con gái và chồng tôi, bà liền mắng anh xối xả vì tội "nói bậy", "đùa không có hài hước hay duyên dáng chút nào".
Thấy bố bị bà mắng, con gái tôi sợ xanh mặt, im thin thít. Tôi mới mổ xong nên vẫn còn rất đau, nhưng thấy cảnh này cũng "không nhịn được cười". Để lý giải cho thắc mắc của con gái, tôi đã nhẹ nhàng giải thích ngắn gọn và dễ hiểu cho con. Tôi bảo con đừng lo, sau này em lớn lên chút nữa thì sẽ đẹp giống y như chị gái.
Nghe mẹ nói vậy, con bé gục đầu đồng ý, và sau đó vui vẻ chơi với em trai. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà sẽ có nhiều bà mẹ cũng "dở khóc dở cười" khi rơi vào tình huống này. Dẫu vậy thì vì con còn nhỏ chưa biết gì nên trước những thắc mắc của con, các phụ huynh đừng vội la mắng hay phớt lờ mà hãy kiên nhẫn giải thích cho bé hiểu. Điều này không chỉ giúp cho bản thân trẻ, mà còn cho mối quan hệ khắng khít giữa các con với nhau trong gia đình.
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Vậy nguyên do vì sao những đứa trẻ sơ sinh thường trông xấu xí lúc chào đời?
- Mắt sẽ bị sưng do nước ối cơ thể mẹ
Hầu hết mắt của trẻ sơ sinh sẽ bị sưng lên, đây là hiện tượng bình thường, mắt trẻ bị sưng chủ yếu là do áp lực trong ống sinh gây ra, các mẹ yên tâm, đôi mắt của bé sẽ "xẹp" và "to" lên từng ngày. Ngoài ra cũng có thể phù nề là do nhiễm khuẩn, nguyên nhân là do nước ối khi mới sinh lọt vào mắt bé gây nhiễm khuẩn, cha mẹ không nên quá lo lắng trước tình trạng này mà hãy gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đồng thời vệ sinh mỗi ngày cho bé.
- Đầu bé bị biến dạng do sống trong bụng mẹ chật hẹp
Nhiều trẻ sơ sinh khi sinh ra sẽ có đầu nhọn bất thường, thậm chí không bằng phẳng, nguyên nhân là do hộp sọ của trẻ sơ sinh rất mềm, khi bị ống sinh chèn ép, hình dạng đầu của trẻ có thể bị biến dạng. Hiện tượng này hồi phục chậm trong vòng 1-2 tuần sau sinh, đó là hiện tượng bình thường, mẹ đừng quá lo lắng.
- Da nhăn nheo vì nước ối nhưng một thời gian sau nước da sẽ thay đổi
10 tháng mẹ mang thai là 10 tháng em bé ở trong bụng mẹ, ngâm mình trong nước ối cũng 10 tháng, ngay cả bàn tay người lớn ngâm nước lâu cũng bị nhăn nheo, huống chi em bé ngâm trong nước lâu như vậy. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các bà mẹ cho rằng em bé xấu xí. Tình trạng này thường kéo dài khoảng 1-2 tháng mới trở lại bình thường.
Mặc dù em bé mới chào đời không được xinh như kỳ vọng, nhưng mẹ bỉm không nên trì hoãn chuyện cho con được gặp mặt người thân sớm nhất, đặc biệt là được gặp các anh chị lớn vì nó đem lại nhiều lợi ích:
- Xây dựng tình yêu và sự quan tâm giữa hai con
Khi con lớn được tiếp xúc với em bé mới chào đời, bé có cơ hội trải nghiệm tình yêu và sự quan tâm đối với một thành viên mới trong gia đình. Việc chứng kiến sự non nớt, đáng yêu của một em bé mới sinh có thể khơi dậy lòng trắc ẩn và lòng yêu thương trong con lớn, giúp bé phát triển khả năng quan tâm em nhiều hơn và sự thông cảm cho em bé, từ đó sẽ không quá tranh giành mẹ với em.
- Hình thành trách nhiệm và tình yêu
Khi con lớn tham gia vào việc giúp đỡ mẹ chăm sóc em bé mới chào đời, bé học cách đảm nhận trách nhiệm và phát triển tình yêu giữa anh chị em trong nhà với nhau. Việc giúp đỡ em bé có thể bao gồm việc bế bé, thay tã, hát ru hoặc giúp mẹ trong việc chăm sóc em bé. Điều này giúp con lớn nhận thức về vai trò quan trọng của mình trong gia đình và phát triển kỹ năng chăm sóc người khác. Và chắc chắn các bé cũng rất thích việc này nên mẹ đừng quá lo lắng.
- Khuyến khích sự sáng tạo và trí tưởng tượng
Tiếp xúc với em bé mới chào đời có thể khuyến khích sự sáng tạo và trí tưởng tượng của con lớn. Bé có thể tạo ra những trò chơi, câu chuyện hoặc hoạt động giả lập liên quan đến việc chăm sóc em bé. Việc sử dụng trí tưởng tượng và sáng tạo giúp con lớn phát triển khả năng tư duy, trí thông minh và khả năng giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó các em nhỏ cũng thích các trò chơi từ anh chị em của mình hơn là bố mẹ.
- Xây dựng kỹ năng xã hội
Gặp gỡ em bé mới chào đời tạo cơ hội cho con lớn tương tác với một thành viên nhỏ tuổi và phát triển kỹ năng xã hội. Bé học cách làm quen, chia sẻ và tương tác một cách tình cảm và thích hợp với em bé. Qua đó, con lớn có thể hình thành khả năng giao tiếp, sự nhạy bén về cảm xúc và khả năng làm việc chung trong gia đình.
- Tạo niềm vui và sự phấn khích
Gặp gỡ em bé mới chào đời mang lại niềm vui và sự phấn khích cho con lớn. Bé có thể trải nghiệm niềm vui khi nhìn thấy nụ cười và cử chỉ đáng yêu của em bé, và cảm nhận sự kỳ diệu của một sự sống mới. Điều này giúp con lớn phát triển năng lượng tích cực với sự gia đình và các thành viên trong gia đình.