Khi con cất tiếng khóc chào đời là niềm vui, hạnh phúc khôn xiết đến với bố mẹ nhưng cũng kể từ đó hành trình cùng con khôn lớn với hàng nghìn mối lo khác nhau. Một trong số đó chính là nỗi lo con chậm nói, không biết nói. Khi con gặp phải tình trạng này, bố mẹ cũng đừng nên quá lo lắng mà bình tĩnh đồng hành cùng con ắt sẽ gặt được "trái ngọt".
Vợ chồng Thanh Thúy Đức Thịnh từng được nhiều bậc cha mẹ quan tâm khi chia sẻ câu chuyện cậu con trai thứ 2 gặp tình trạng chậm nói. Bé là Tết, sinh vào mùng 3 Tết năm 2019, hiện tại được 4,5 tuổi. Cậu bé khôi ngô, sáng sủa, điển trai và rất đáng yêu, thế nhưng ít người biết vợ chồng Thanh Thúy có một nỗi buồn khi con không chịu nói theo đúng giai đoạn như các bạn đồng lứa.
Cậu bé đến năm 3 tuổi vẫn chưa chịu nói, và hiện tại 4,5 tuổi còn nói rất hạn chế. Trong một chia sẻ mới đây của nữ diễn viên, cô đăng tải đoạn clip Tết đang học tập nói chữ "ba" cùng với cô giáo. Thanh Thúy chia sẻ đoạn video đó như một cách lưu giữ kỉ niệm tuyệt vời và ý nghĩa cho con trai.
Đoạn video khiến nhiều ông bố bà mẹ vô cùng xúc động. Thanh Thúy thổ lộ thêm Tết đã nói được vài từ, đặc biệt thích hát và đã có thể hát được 1 câu.
Không ít ông bố bà mẹ khác cũng chia sẻ trường hợp của con mình gặp phải và gửi lời khuyên, động viên nhiều tới vợ chồng nữ diễn viên.
Con em sinh sau cu Tết 5 tháng cũng chậm nói, bây giờ mới đang tập nói được vài từ đơn
Phú ơi con giỏi rồi đó, cô chúc con nói nhiều nhiều hơn nữa nha.
Giống bé lớn nhà em hơn 3 tuổi chưa nói phải kiếm thầy dạy nói, giờ anh nói tía lia.
Cố lên con trai. Con trai mình cũng đang can thiệp 1-1, mình kiên trì từ lúc con 2 tuổi, bây giờ con gần 5 tuổi. 3 năm ròng rã cùng con vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, bây giờ anh hát nói như sáo.
Được biết Thanh Thúy phát hiện con trai chậm nói khi bé lên 2 tuổi. Vợ chồng cô đã đưa con trai đi khám khắp nơi để mong biết được hướng hỗ trợ con tập nói.
Trong một bài phỏng vấn báo chí, bà mẹ 2 con cho biết thời điểm cu Tết 3 - 3,5 tuổi vẫn chưa chịu nói một từ nào có nghĩa, cậu bé thậm chí chỉ gọi "cha" chứ nhất quyết không gọi mẹ. 1 lần duy nhất bật ra tiếng "ba" khi cùng đạo diễn Đức Thịnh tham gia một show truyền hình mà khiến ông bố "bật ngửa" và khoe lại với vợ Thanh Thúy mà không thể tin nổi.
Không chỉ thế, có lần Thanh Thúy còn kì công dạy cu Tết nói tiếng "mẹ" nhưng cậu bé nhất quyết không nói. Đến nỗi mẹ bỉm còn phải tếu táo “treo thưởng” rằng: “Cu Tết gọi mẹ đi, mẹ nhảy lên ăn mừng liền”.
Qua câu chuyện của gia đình Thanh Thúy mới thấy hết được nỗi vất vả và những niềm vui khôn xiết của người làm cha làm mẹ đôi khi không phải là cần con thành công, có quyền cao chức trọng hay là nhà tỷ phú mà đơn giản, chỉ cần con có thể nói lưu loát như bao bạn đồng lứa, cất tiếng họi "ba" gọi "mẹ" trong cuộc sống đời thường cũng là quá đủ rồi.
Thông thường, trẻ từ 18 tháng – 2 tuổi đã biết khoảng 25 từ. Trong đó trẻ biết gọi tên người và đồ vật, dùng từ để chào tạm biệt, diễn tả hành động... thời điểm này trẻ cũng bắt đầu hình thành những câu ghép, không còn tự nhiên nói từ vô nghĩa.
Thế nhưng, vẫn có không ít trường hợp trẻ được gần 2 năm vẫn “im hơi lặn tiếng” khiến cha mẹ lo lắng. Cha mẹ có thể tham khảo các dấu hiệu con chậm nói dưới đây để có biện pháp can thiệp kịp thời:
Trong giai đoạn từ 12 đến 24 tháng tuổi, phụ huynh nên chú ý nếu trẻ có những dấu hiệu sau:
- Không sử dụng điệu bộ, cử chỉ, chẳng hạn chỉ hoặc vẫy tay khi được 12 tháng tuổi mà không biết nói bye bye hoặc câu gì tương tự.
- Thích dùng cử chỉ hơn là lời nói để giao tiếp khi đến 18 tháng tuổi.
- Không bắt chước được âm thanh khi 18 tháng tuổi.
- Có khó khăn trong việc hiểu các yêu cầu đơn giản.
Trong giai đoạn 2-3 tuổi phụ huynh nên đưa bé đi khám nếu phát hiện các dấu hiệu sau:
- Chỉ có thể bắt chước âm thanh hoặc hành động và không tự mình phát âm từ hoặc các cụm từ.
- Chỉ nói một số âm thanh hoặc từ nào đó lặp đi lặp lại và không thể sử dụng ngôn ngữ nói để trò chuyện ngoài những nhu cầu thiết yếu.
- Không thể tuân theo các chỉ dẫn đơn giản.
- Có giọng nói khác thường nghe như giọng mũi hoặc the thé hoặc bắt chước tiếng con vật trong phim.
- Khó khăn trong việc nghe - hiểu ở tuổi này: Nếu trẻ phát triển bình thường, ở tuổi này cha mẹ phải hiểu được khoảng một nửa số từ trẻ nói ra. Thậm chí khi con lên 3-4 tuổi người lạ cũng có thể hiểu được con nói gì.
Ảnh minh họa
Khắc phục trẻ chậm nói như thế nào?
Diễn tả thành lời những việc bạn làm
Điều này đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Việc giải thích cho bé bạn đang làm gì sẽ giúp con mở rộng vốn từ và gắn kết các từ với đồ vật, sự vật trong cuộc sống.
Thường xuyên cho con ra khỏi nhà để con “học từ mới”
Hãy đưa con ra khỏi thế giới của phim, ảnh, quảng cáo và hạn chế để con chơi 1 mình trong nhà. Đừng nghĩ trẻ ngồi 1 chỗ là ngoan, quan điểm đấy của cha mẹ sẽ mang tới những sai lầm tai hại.
Cha mẹ nên dành thời gian đưa con đi chơi vào cuối tuần, cùng con khám phá thế giới bên ngoài, vừa đi vừa chỉ cho con sự vật, sự việc rồi trò chuyện cùng con… như vậy lâu dần con sẽ có thêm vốn từ và thoải mái hơn trong giao tiếp.
Cùng con đọc sách
Sách là liều thuốc thần kỳ. Khi ôm bé trong lòng, cầm trên tay cuốn truyện tranh, đọc cho con những vần thơ ngộ nghĩnh, bạn sẽ giúp bé làm quen với các từ mới, những vần điệu mới, để bé hiểu rõ hơn về cách mà mọi người nói. Hãy tạo thói quen đọc sách cho con hàng ngày, mỗi khi bạn rảnh rỗi.
Hát cho con nghe
Hát cho con nghe các bài hát thiếu nhi là cách rất tốt giúp bé ghi nhớ từ mới, dạy trẻ cách phát âm đúng các từ chỉ màu sắc, tên các con thú và nhiều khái niệm đơn giản khác.
Tuy nhiên, nếu đã thực hiện rất tốt những cách làm trên, mà bạn vẫn nhận thấy bé tiến bộ rất ít trong vòng vài tháng thì đây là lúc cha mẹ nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia để tìm kiếm nguyên nhân chậm nói của con và giải quyết sớm tình trạng này.