Trẻ ở lứa tuổi lên 3 lên 4 có sự tò mò nhất định về giới tính và với tất cả những sự việc xảy ra xung quanh cuộc sống của bé. Chính vì thế ở giai đoạn này bố mẹ không định hướng đúng cách sẽ dễ khiến trẻ có những hiểu sai, hành động sai.
Mẹ bé Bảo Nini (3 tuổi) than phiền vì con gái có những hành động bất thường trong khoảng thời gian gần đây. Nhất là khi bé buồn đi tiểu nhưng nhất định không chịu dùng chiếc bô mà mẹ đã mua cho hoặc vào bồn cầu nhà vệ sinh. Theo đó mỗi lần Nini muốn đi tiểu, bé sẽ đứng cạnh chiếc thùng rác, cởi quần ra và muốn đứng để tiểu. Nhiều lần xảy ra sự việc như thế, bà nội của bé đã phản đối và nhắc nhở cháu gái không được như thế nhưng Nini nhất quyết chống cự. Cô nhóc lần nào cũng đứng tiểu và kết quả là bị tiểu ra quần.
Khi được hỏi vì sao con lại tiểu theo cách kì lạ như thế này, Nini cho biết nhiều lần cô bé nhìn thấy bố đứng trong nhà vệ sinh và đi tiểu. Thấy cách này khá hay nên Nini cũng muốn thử. Cả bà nội và mẹ Nini đều vô cùng bực tức vì chỉ một phút bất cẩn của người bố khi đi vệ sinh không thèm đóng cửa đã khiến cô con gái tò mò, hành động sai lầm mà không chịu nghe lời ai cả.
Cứ như thế, mỗi lần Nini đi tiểu dù là tiểu vào xô rác hay bố mẹ bắt vào nhà vệ sinh, cô bé đều đứng để tiểu. Bà nội lo lắng định can ngăn Nini nhưng mẹ của cô bé đã nghĩ ra một cách hay. Mẹ Nini đã nói rằng nếu con vẫn tiếp tục đứng tiểu như thế này sẽ bị ướt quần và mẹ sẽ không bao giờ thay quần ướt cho con nữa. Nini đồng ý theo lời mẹ.
Tuy nhiên có vẻ như lời hứa không giữ được lâu, cô bé bắt đầu cảm thấy khó chịu khi mặc một chiếc quần ướt và chơi. Sau đó Nini bắt đầu chạy vào phòng và tìm quần mới để mặc. Lúc này, mẹ Nini mới hỏi con gái "Con có khó chịu không?". Chị cũng giải thích thêm cho con, nếu con ngồi xổm để tiểu như lời mẹ nói thì con sẽ không bị ướt quần, sẽ không phải rửa mỗi lần đi tiểu và không cần phải thay quần.
Ngày hôm sau, mẹ Nini đã mua một cuốn truyện tranh về sự khác nhau khi đi vệ sinh giữa con trai và con gái để giải thích thêm cho cô bé về lý do tại sao đàn ông đứng khi đi tiểu còn phụ nữ lại ngồi. Cô bé dường như hiểu hết sự việc và từ đó về sau không đứng khi đi tiểu nữa.
Cho trẻ thỏa mãn trải nghiệm cách đi tiểu của người khác giới
Những biểu hiện tâm lý của trẻ về đặc điểm tâm sinh lý, hành vi, tính cách của nam và nữ hình thành nên sự hiểu biết đầy đủ về giới tính của trẻ ở lứa tuổi lên 3, trẻ khẳng định và hiểu được giới tính của mình, trẻ luôn thích bắt chước và trải nghiệm tư thế đi tiểu của người lớn khác giới như: Con trai bắt chước con gái ngồi xổm đi tiểu, con gái bắt chước con trai đứng để đi tiểu… Khi thấy hành vi này, cha mẹ không nên can thiệp một cách gượng ép, cũng không nên trách móc con...
Cưỡng ép dừng lại chỉ có thể khơi dậy tâm lý nổi loạn của trẻ, mẹ không cho con làm thì con sẽ càng cố làm. Nhưng nếu cha mẹ áp dụng chế độ tự do, sau khi sự tò mò của trẻ được thỏa mãn, hành vi đó sẽ tự động dừng lại, sự can thiệp thô bạo sẽ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, thậm chí còn che giấu sự tò mò của mình, điều này không tốt cho sự phát triển của trẻ.
Sau khi trẻ 4 tuổi, cha mẹ nên giúp trẻ hiểu về giới tính của mình như thế nào?
Khi trẻ khoảng 4 tuổi, bé sẽ bắt đầu chú ý đến bản thân chẳng hạn như bé trai thích mặc quần áo Superman, Spiderman, thậm chí là Ultraman, bé thích thể hiện cá tính của mình với rô-bốt và súng đồ chơi, ngay cả khi nói chuyện cũng có thể nói "Mẹ ơi, con sẽ bảo vệ mẹ".
Trong khi đó các bé gái thích chú ý đến vẻ ngoài của mình hơn, chẳng hạn như son môi, sơn móng tay,... cũng muốn mặc váy đẹp, đây thực sự là những hành vi quan trọng phù hợp với sự phát triển giới tính của lứa tuổi trẻ em.
Cha mẹ nên đánh giá đúng hành vi của con, xây dựng hình mẫu giới tính đúng đắn, chẳng hạn người bố hãy nói với con trai của mình rằng đàn ông cần phải mạnh mẽ, ga lăng và là chỗ dựa vững chắc cho bạn gái, cho phụ nữ. Và ngược lại, mẹ có thể dạy con gái cần thùy mị, nết na, dịu dàng và sạch đẹp.