Bên cạnh việc ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, khám thai cũng là một trong những việc quan trọng mà các mẹ bầu phải chú trọng trong thời gian bầu bí. Bởi khám thai không chỉ giúp bác sĩ kiểm tra được sức khỏe của bạn, tình trạng của thai nhi, mà còn có thể đưa ra một số cảnh báo về những tình huống biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong thời gian tới, từ đó đưa cho bạn những lời khuyên đúng đắn nhất.
Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh đang phức tạp ở nhiều nơi như hiện nay, việc khám thai đã không còn dễ dàng như trước nữa. Song, dù có khó khăn như thế nào thì các mẹ cũng hãy đừng bao giờ trì hoãn 3 giai đoạn khám thai quan trọng dưới đây. Bạn có thể liên hệ trước với bác sĩ hoặc bệnh viện để có thời gian khám thai hợp lý, an toàn nhất nhé!
1. Tuần thai thứ 11 – 13 tuần 6 ngày
Thông thường sau khi que thử thai hiện lên hai vạch, mẹ bầu sẽ nhanh chóng đến bệnh viện để siêu âm nhằm kiểm tra sự làm tổ của phôi thai, kích thước túi thai để loại trừ trường hợp mang thai ngoài tử cung. Sau lần khám thai đầu tiên này, nếu thực sự không muốn đến bệnh viện, bạn có thể ở nhà nghỉ ngơi một thời gian. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy bị đau bụng hay ra máu âm đạo thì nên đến bệnh viện gấp.
11 tuần 6 ngày đến 13 tuần 6 ngày là khoảng tuần thai thích hợp để siêu âm đo độ mờ da gáy nhằm chẩn đoán khả năng mắc hội chứng Down ở thai nhi (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, mẹ bầu cần phải tự tính tuần thai của mình để đến bệnh viện đo độ mờ da gáy để chẩn đoán hội chứng Down. Theo bác sĩ, thời điểm thích hợp nhất để thực hiện kiểm tra này chính là khi thai nhi được 11 tuần 6 ngày đến 13 tuần 6 ngày. Do đó, dù trong 3 tháng đầu thai kỳ, bạn không đi khám thai thường xuyên thì cũng hãy nhớ tính tuần thai và nhất định phải đi khám đúng tuần để đo độ mờ da gáy cho con.
2. Từ 16 đến 20 tuần
Trong tam cá nguyệt thứ 2, mẹ bầu cần đi khám thai trong khoảng từ 16 – 20 tuần. Trong lần khám này, bác sĩ sẽ cho bạn thử nước tiểu để kiểm tra lượng đường, nồng độ protein nhằm tầm soát dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ và nguy cơ tiền sản giật.
Mẹ bầu cũng sẽ được xét nghiệm Triple test giúp chẩn đoán các vấn đề sức khỏe của thai nhi như các rối loạn về gen, dị tật ống thần kinh. Đồng thời, nếu kết quả xét nghiệm trước đó cho thấy em bé có nguy cơ mặc dị tật bẩm sinh, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện xét nghiệm chọc ối để kiểm tra chính xác về vấn đề này.
Tuần 36 – 37 của thai kỳ bạn nên đi khám để bác sĩ theo dõi tình trạng của thai nhi, xác định vị trí của em bé, lượng nước ối… để xác định xem bạn nên sinh thường hay sinh mổ (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng sẽ được siêu âm 4D. Vì đây là thời điểm tốt nhất để kiểm tra mức độ phát triển của em bé, cũng như thai nhi đã đủ lớn để có thể nhìn thấy tất cả các cấu trúc bên trong cũng như bên ngoài. Từ đó, bác sĩ sẽ dễ dàng phát hiện ra những dị tật và kịp thời can thiệp.
Bạn cũng sẽ đươc tư vấn chích ngừa uốn ván từ giai đoạn này. Do đó, khám thai khi thai được 16 – 20 tuần là mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu không nên bỏ qua.
3. Từ 36 đến 37 tuần
Khi bước vào tam cá nguyệt thứ 3, các bác sĩ se yêu cầu thai phụ đi khám thai 2 tuần một lần, rồi sau đó sẽ rút xuống mỗi tuần 1 lần. Thế nhưng, trong tình hình hiện tại, nếu có dấu hiệu gì nguy hiểm như đau bụng, ra máu âm đạo hoặc thai nhi cử động bất thường thì các mẹ bầu có thể hoãn khám thai.
Song, đến tuần 36 – 37 thì bạn nên đi khám để bác sĩ theo dõi tình trạng của thai nhi, xác định vị trí của em bé, lượng nước ối… để xác định xem bạn nên sinh thường hay sinh mổ.
Các mẹ bầu cũng nên lưu ý trong quãng thời gian không đến bệnh viện khám thai thường xuyên đúng định kỳ được, bạn hãy trao đổi với bác sĩ và theo dõi tại nhà. Nếu có gì không ổn, bạn hãy liên hệ bác sĩ ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho bản thân và thai nhi.