Con gái 5 tuổi nặng 33kg, mẹ bị mắng “không biết nuôi” liền kể con ăn cực ít, BS chỉ ra lý do không ngờ khiến trẻ béo phì

Theo các bác sĩ, dù không uống sữa, ăn ít cơm, ăn nhiều rau, trái cây nhưng lại không chịu vận động là nguyên nhân khiến bé bị thừa cân.

Con gái chị Nga My (Cần Thơ), hiện 5 tuổi, cao 1m20 nhưng nặng 33kg. Vì con gái có cân nặng quá lớn, đi đâu chị My cũng bị mắng để bé thừa cân. Điều này làm người mẹ trẻ vô cùng căng thẳng.

Chị My cho biết, lúc chào đời, con gái chị nặng 2,6kg. Khi dưới 3 tuổi, bé bị tay chân miệng và nhiễm trùng đường ruột phải nhập viện điều trị. Từ sau 3 tuổi, bé ít bị bệnh vặt, nhưng cũng từ đó con gái chị bắt đầu tăng cân dù chỉ ăn mỗi bữa một chén (bát) cơm với nhiều rau, trái cây và không uống bất cứ loại sữa nào. “Con ăn rất ít, vậy mà tháng nào cô giáo cũng ghi vào sổ liên lạc: bé học ngoan, hoạt động năng động nhưng bị thừa cân. Giờ, tôi không biết giảm cân cho con thế nào cả”, người mẹ rầu rĩ.

Dù ăn ít tinh bột, nhiều trái cây, rau xanh nhưng con gái chị My vẫn bị thừa cân béo phì. Ảnh minh họa.

Dựa vào chỉ số cân nặng/chiều cao của Tổ chức Y tế Thế giới, con gái chị Nga My thuộc trường hợp thừa cân (béo phì).

Mới đây, chị My chia sẻ lo lắng của mình lên mạng xã hội và nhận được nhiều lời khuyên về cách giúp con giảm cân. Người mẹ thừa nhận con gái mình ăn ít và cũng ít vận động. Chị cũng cho biết, do con gái chưa có biểu hiện bệnh gì nên chị chưa đưa đi khám, mà sẽ giúp con vận động nhiều hơn, tránh xa điện thoại và tivi.

Ths.BS Dương Công Minh, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, thừa cân béo phì là sát thủ thầm lặng gây ra tăng huyết áp, tăng mỡ máu, rối loạn đường huyết, đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, dậy thì sớm ở trẻ… Không chỉ vậy, trẻ bị thừa cân béo phì sẽ dễ bị chọc ghẹo, “phân biệt đối xử” và bắt nạt học đường… Khi gặp tình trạng này, trẻ sẽ dễ có khuynh hướng tự ti, không hài lòng về hình dáng cơ thể, trầm cảm và có những tổn thương tâm lý sâu sắc cho đến tuổi trưởng thành.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM mới đây, BS.CKII Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC) cho biết số trẻ em bị béo phì ở nước ta hiện chiếm khoảng 19% và đang ngày một tăng. Theo bác sĩ Tâm, nguyên nhân khiến trẻ bị thừa cân béo phì thường do thói quen ăn uống như ăn nhanh, không nhai kỹ thức ăn, hay ăn vặt, ăn khuya, ăn trước khi đi ngủ... và có lối sống ít vận động. 

Một bé trai đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám do bị thừa cân béo phì. Ảnh: BVCC.

Vận động, tránh xa tivi, điện thoại là cách giúp trẻ giảm nguy cơ thừa cân béo phì

Bác sĩ Minh cho biết, ở góc độ dinh dưỡng, điều trị béo phì rất đơn giản, chỉ cần ăn ít hơn nhu cầu năng lượng cho các hoạt động trong ngày là được. Tuy nhiên, thực tế lại rất khó thực hiện vì liên quan đến thay đổi lối sống, nhất là với trẻ em.

Với những trẻ đang ở tuổi mẫu giáo như con gái chị My, cơ thể bé đang tăng trưởng và phát triển, do đó cha mẹ không nên đặt vấn đề giảm cân ở trẻ mà chỉ giảm tốc độ tăng cân và đảm bảo cho sự tăng chiều cao theo lứa tuổi. Vì vậy, khi con trong độ tuổi này bị thừa cân béo phì, cha mẹ vẫn cho trẻ ăn chế độ ăn phù hợp với nhu cầu của trẻ hoặc chỉ giảm chút ít, nhưng cần đảm bảo nhu cầu đạm, canxi cho trẻ (sữa, thịt, trứng, đậu…).

Điều quan trọng mà chị My và các cha mẹ khác cần làm là hãy cho con vận động phù hợp để vừa giúp bé khống chế cân nặng, tăng chiều cao mà không quá sức:

- Hạn chế giờ trẻ thụ động nằm, ngồi xem tivi dưới 1 giờ/ngày, không cho trẻ ngồi lâu một chỗ.

- Tập cho trẻ làm một số công việc ở lớp phụ cô và ở nhà phụ gia đình: Dọn dẹp đồ chơi, tưới cây, dọn bàn ghế, bưng đồ, lấy đồ, lau quét nhà… Cho trẻ đi bộ ở mọi nơi, mọi lúc khi có thể chẳng hạn như lên xuống cầu thang, cho con đi bộ ở nơi an toàn gần nhà, đi chơi trong công viên vào những ngày nghỉ…

Trẻ ít xem tivi, điện thoại, tích cực vận động sẽ giảm được nguy cơ thừa cân béo phì. Ảnh minh họa.

- Không để trẻ nhịn ăn, nhịn uống gián đoạn để giảm cân. Khi trẻ nhịn ăn gián đoạn sau đó lại tiêu thụ nhiều hơn thì việc giảm cân sẽ phản tác dụng. 

- Cần cho trẻ uống thêm sữa và các chế phẩm từ sữa, nhưng cần chọn loại sữa, số lượng phù hợp. Theo bác sĩ Minh, nhiều cha mẹ thấy con thừa cân béo phì liền cắt sữa của con. Đây là một ngộ nhận tai hại, vô tình làm ảnh hướng đến sự phát triển chiều cao của trẻ.

- Khi quan sát con có các dấu hiệu bất thường cần đưa đi khám ngay để trẻ được can thiệp y tế càng sớm càng tốt.

* Tên người mẹ đã thay đổi.

Con tôi 7 tuổi nặng 48 kg liệu đã béo phì chưa?