Trứng là một trong những thực phẩm cung cấp nhiều chất đạm, dễ hấp thu (tỷ lệ hấp thu chất đạm của trứng là 100%, tương đương với đạm trong sữa nếu chế biến đúng). Vậy nên, món ăn này thường xuất hiện trong những bữa cơm gia đình và trong thực đơn của trẻ.
Tuy nhiên không ít trường hợp trẻ nhỏ phải nhập viện vì ăn trứng sai cách. Vậy nên, có rất nhiều lầm tưởng và hiểu lầm về việc trẻ ăn trứng có tốt không, hoặc trẻ ăn nhiều trứng gà có tốt không? Cha mẹ nên bắt đầu cho trẻ ăn trứng ở độ tuổi nào? Dưới đây là những thông tin hữu ích giúp cha mẹ hiểu hơn về vấn đề này.
Trẻ bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn trứng sai cách
Mới đây, một bà mẹ Trung Quốc đã đăng trên diễn đàn phụ huynh kể về chuyện con gái bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn trứng.
Chuyện là chị Hu (Quảng Đông, Trung Quốc) từ khi sinh con đã hoàn toàn nuôi con bằng sữa mẹ cho tới 1 tuổi. Khi con đến tuổi ăn dặm, chị Hu kết hợp nhiều thực phẩm tốt cho trẻ và trang trí rất bắt mắt, công thức chế biến cũng rất cầu kỳ để kích thích trẻ ăn uống ngon miệng.
Nhưng thời gian gần đây, con gái chị Hu bị rối loạn tiêu hóa, thường tiêu chảy và nôn mửa. Sau nhiều ngày không khỏi, chị Hu đưa con đến bệnh viện. Sau khi được bác sĩ kiểm tra, con cái chị Hu được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm, không phải rối loạn tiêu hoá thông thường.
Theo bác sĩ nói, trứng không thể kết hợp với saccharin vì có thể khiến trẻ ngộ độc. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ hỏi thăm chị Hu về những món chị cho con gái ăn gần đây, chị Hu nhớ ra rằng vì bé thích ăn ngọt, nên đã hấp món bánh trứng với thành phần bao gồm trứng gà, bột mì với saccharin (một chất làm ngọt tương tự đường) để thúc đẩy sự thèm ăn của con trẻ. Chính sự kết hợp đã khiến con gái chị Hu bị ngộ độc thực phẩm.
Theo bác sĩ nói, trứng không thể kết hợp với saccharin vì các axit amin có trong trứng sẽ trải qua một loạt phản ứng hóa học với saccharin, tạo ra chất độc hại, không chỉ gây hại cho sức khỏe của trẻ, nặng nề hơn có thể khiến trẻ tử vong. Việc kết hợp trứng và đường saccharin sẽ tạo thành các hợp chất protein fructose axit amin và lysine làm cơ thể khó có thể hấp thụ.
Vậy không nên kết hợp trứng với nguyên liệu nào, cha mẹ nên tránh cho con ăn?
Ngoài kết hợp với đường saccharin, còn có một số điều kiêng kỵ trong khi kết hợp trứng với các nguyên liệu khác, cha mẹ có thể tham khảo, để tránh cho trẻ ăn.
Trứng với sữa đậu nành tự làm
Ngày nay, nhiều bà mẹ chọn cách tự làm sữa đậu nành cho con, tuy nhiên nếu sữa đậu nành không được nấu chín sẽ sinh ra một thành phần rất nguy hiểm gọi là “saponin”, khi kết hợp với trứng, chất này cũng có thể biến đổi gây ngộ độc và nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)
Trứng và tỏi
Tỏi được chiên quá cháy sém sẽ tạo ra một chất rất độc, vì vậy không nên ăn trứng cùng với tỏi. Và nếu bạn ăn tỏi chung với trứng, nó sẽ “tiêu diệt” hết các chất dinh dưỡng từ trứng mà cơ thể có thể hấp thụ.
Trứng với thịt ngỗng
Không nên ăn thịt ngỗng, thịt thỏ ngay sau khi ăn trứng vì thịt thỏ, thịt ngỗng có tính hàn. Trứng cũng thuộc nhóm thực phẩm này và cả hai đều có chứa một số chất có hoạt tính sinh học, khi ăn cùng nhau sẽ xảy ra phản ứng kích thích đường tiêu hóa, gây tiêu chảy.
Trứng với óc heo
Óc heo được gọi là một món ăn bổ dưỡng dành cho trẻ, nên thường được các bà mẹ chưng, hấp cho trẻ cùng với trứng. Tuy nhiên, dùng trứng chung với óc heo sẽ làm tăng cholesterol trong máu, dễ làm người ăn bị chứng cao huyết áp đột ngột, đặc biệt là ở trẻ em.
Trứng là món ăn quen thuộc hàng ngày, vậy nên việc cho trẻ ăn trứng đúng cách cũng rất quan trọng, giúp con hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất từ trứng.
Hệ tiêu hoá và dạ dày của trẻ chưa hoàn thiện và còn rất mỏng manh, do đó cha mẹ nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng của trẻ hàng ngày, tránh kết hợp các nguyên liệu không phù hợp, dẫn đến ngộ độc thực phẩm và rối loạn tiêu hoá ở trẻ.
Cùng tham khảo lời khuyên từ Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Dinh Dưỡng Lâm Sàng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia về việc cho trẻ ăn trứng đúng cách.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Hàm lượng dinh dưỡng có trong 1 quả trứng gà là bao nhiêu? Dưỡng chất có trong trứng gà tác động đến sự phát triển của trẻ nhỏ như thế nào?
Trứng gà là loại thực phẩm dễ kiếm, không đắt nhưng lại có giá trị dinh dưỡng cao. Theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam (Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 2017): Trong 100g trứng gà ta có chứa:
- Protein: 12.96 gam.
- Chất béo: 10.33 gam; Glucid: 1,25 gam; Vitamin: folate (14 mcg), vitamin B12 (1.29 mcg), vitamin A (166 mcg), vitamin D (0.88 mcg), vitamin K (0.3 mcg)...
- Chất khoáng: Canxi (55 mg), sắt (2.7 mg), kali (176 mg), Kẽm (0.9 mg), magie (11 mg)... Thành phần dinh dưỡng trong trứng khá cân đối. Protein trong trứng gà là nguồn Protein có giá trị sinh hoạc cao, chứa đầy đủ các acid amin cần thiết cho cơ thể.
Nhờ vậy, trứng là một trong những nguồn cung cấp dưỡng chất giúp hỗ trợ phát triển trí não, tốt cho sức khỏe của bé. Trứng là thực phẩm dễ chế biến, dễ ăn cho các đối tượng trong đó có trẻ nhỏ. Không những vậy, trứng còn cung cấp nhiều khoáng chất như kẽm, sắt và selenium giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Các vitamin có trong trứng như vitamin D, A, E và K giúp xương phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra trứng gà còn rất tốt cho tim mạch, mắt và gan của trẻ.
Trong quá trình thăm khám và điều trị, bác sĩ đã chứng kiến trường hợp nào trẻ mắc bệnh do ăn trứng sai cách chưa?
Trong quá trình khám tư vấn dinh dưỡng, chúng tôi cũng ít gặp các than phiền của các phụ huynh khi sử dụng trứng cho bé. Có chăng gặp một số ít các bé bị dị ứng ở các mức độ nhẹ: như nổi mẩn, đau bụng, đi ngoài… khi ngừng sử dụng hoặc ăn với số lượng tăng dần thì các triệu chứng trên được cải thiện nhanh.
Những sai lầm nào khi ăn trứng dễ khiến trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe?
Ăn trứng sống, trứng lòng đào: Nhiều cha mẹ nghĩ rằng trứng luộc chín sẽ mất chất dinh dưỡng nên cho trẻ ăn trứng sống hoặc trứng lòng đào. Ăn trứng sống hoặc lòng đào không đảm bảo dễ bị nhiễm khuẩn salmonella dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Ăn quá nhiều trứng: Trứng cung cấp nguồn protein chất lượng cao nhưng ăn quá nhiều protein sẽ có thể cung cấp vượt quá nhu cầu chất đạm, đặc biệt là trẻ em. Ngoài ra, chúng ta cũng nên tập cho các bé ăn đa dạng thực phẩm, để nhận được các nguồn chất dinh dưỡng từ các thực phẩm khác ngoài trứng.
Một chú ý nhỏ nữa là trong lòng đỏ trứng gà, vịt có chứa khá nhiều chất béo và cholesterol, nên thay đổi, đa dạng các nguồn chất đạm khác như thịt, cá, tôm, cua, sữa, … để tránh những hệ lụy không mong muốn khi dùng trứng quá nhiều và quá dài.
Cho trẻ ăn trứng gà như thế nào đúng cách tốt cho sức khỏe?
Tùy theo tháng tuổi mà cho ăn số lượng khác nhau
Trẻ 6 - 7 tháng tuổi: Chỉ nên ăn 1/2 lòng trứng gà/bữa, ăn 2 - 3 lần/tuần
Trẻ 8 - 12 tháng tuổi: Ăn 1 lòng đỏ/bữa, ăn 3 - 4 bữa trong 1 tuần.
Trẻ 1 - 2 tuổi: Nên ăn 3 - 4 quả trứng/tuần, ăn cả lòng trắng.
Trẻ từ 2 uổi trở lên nếu bé thích trứng có thể cho ăn 1 quả/ngày trong thời gian ngắn khi đang tập ăn các loại thức ăn khác.
Chế biến trứng cho trẻ tùy theo tháng tuổi
Trẻ 6 - 12 tháng: Nên cho ăn bột trứng, cách nấu bột trứng: nấu chín bột mới cho trứng vào, đập lòng đỏ trứng vào bát đã có rau băm nhỏ, đánh đều trứng và rau, nồi bột sôi trên bếp đổ trứng và rau vào khuấy đều nhanh tay, bột sôi lên là được, không nên đun kỹ quá.
Trẻ 1 - 2 tuổi: Có thể ăn cháo trứng, cũng tương tự như nấu bột trứng, khi cháo chín mới cho trứng, đun sôi lại là được, ngoài ra có thể cho trẻ ăn trứng luộc vừa chín tới.
Trẻ từ 2 tuổi trở lên: Có thể ăn cháo trứng, trứng luộc, trứng rán đúc thịt, trứng sốt cà chua ăn với cơm.