Bị phạt làm kiểm điểm, nữ sinh thắt cổ tự tử
Khoa Sức khỏe Vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho một bé gái 13 tuổi có biểu hiện trầm cảm có dấu hiệu tự sát. Theo chia sẻ từ gia đình, nữ sinh này không hợp bố mẹ và chỗ dựa tinh thần chính là anh trai.
Cách đây vài tháng, anh trai đã sang nước ngoài học tập khiến nữ sinh bị choáng, rơi vào trạng thái trầm cảm và từng có ý định tự sát. May mắn cô bé đã được phát hiện và đưa vào viện kịp thời. Hiện tại các bác sĩ đã làm can thiệp tâm lý cho bạn gái được khoảng 10 buổi, tâm trạng của nữ sinh này cải thiện tốt hơn, điểm một số môn tốt hơn.
Trường hợp nữ sinh trên may mắn được phát hiện kịp thời, nhưng trước đó, khoảng giữa tháng 9/2020, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận nữ sinh 14 tuổi bị cô giáo phê bình ở trên lớp nói chuyện làm việc riêng.
Tuy nhiên, nữ sinh này cho rằng mình không làm điều này. Trước đó, gia đình em cũng có một chút bất ổn nên khi bị yêu cầu viết bản kiểm điểm, nữ sinh này đã thắt cổ tự tử. “Bé gái được đưa đến bệnh viện trong tình trạng phải thở ô-xy và đã quá muộn, chúng tôi không thể cứu được cháu bé”, bác sĩ Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, cho biết.
Theo Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Minh Loan, rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ em được coi là sự chậm trễ hoặc gián đoạn trong việc phát triển tư duy, hành vi, kỹ năng xã hội hoặc điều chỉnh cảm xúc phù hợp với lứa tuổi.
Những vấn đề này khiến trẻ em lo lắng và làm gián đoạn khả năng hoạt động tốt của trẻ ở nhà, ở trường hoặc trong các tình huống xã hội khác. Nhiều trẻ em thỉnh thoảng trải qua nỗi sợ hãi và lo lắng, hoặc các hành vi gây rối.
Đặc điểm rối loạn tâm thần học đường thường gặp gồm rối loạn lo âu và rối loạn tăng động giảm chú ý. Nhiều gia đình khi đưa các cháu đến khám đều cho rằng con mình không có vấn đề gì nghiêm trọng, nhưng thực tế, khi làm việc với các em nhỏ, các bác sĩ mới nhận ra rất nhiều điều bất ổn như stress, sang chấn tâm lý từ chính môi trường học tập và cuộc sống gia đình của các em. Hầu hết các ca đến khám tại khoa đều ở trong tình trạng mắc các rối loạn tâm lý vừa và nặng.
Một bệnh nhân tự tử không thành đang được điều trị tại BV Nhi Trung ương.
Trầm cảm ở giới trẻ: Những con số giật mình
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên. Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở lứa tuổi 15-19.
Trầm cảm ở giới trẻ đang rất đáng báo động.
Còn tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần giao động từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên. Trong đó, ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) chiếm 14,1%; Rối loạn cảm xúc là 11,5%; Rối loạn ứng xử là 9,2%. 5% trong 10 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý là trẻ dưới 18 tuổi (50% là trẻ dưới 16 tuổi).
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2019 đã tiến hành một cuộc khảo sát với 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên cho thấy, tỷ lệ trầm cảm với các mức độ khác nhau ở Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%; Tỷ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%; Tỷ lệ trẻ stress tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%. Đây thật sự là hồi chuông đáng báo động đối với cộng đồng, gia đình và nhà trường.
Qua một số nghiên cứu, TS Loan cho biết hiện ở các khu đô thị lớn, tỷ lệ rối loạn tâm thần có vẻ có xu hướng cao hơn ở tỉnh, thành khác. Trẻ nữ tỷ lệ lo âu trầm cảm, sang chấn tâm lý cao hơn so với trẻ nam. Trẻ trong gia đình có mâu thuẫn, tỷ lệ rối loạn cao hơn so với các em trong gia đình có sự hòa hợp.
Theo TS Loan, cần kết hợp gia đình, nhà trường và nâng cao nhận thức trên toàn xã hội để phòng trầm cảm.
Giải pháp nào cho trẻ vị thanh niên để phòng tránh trầm cảm, lo âu
Theo GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ em là đối tượng phát triển tâm sinh lý chưa hoàn thiện nên dễ gặp những rối loạn tuổi học đường. Nếu không phát hiện sớm, can thiệp sớm đúng cách sẽ để lại hậu quả vô cùng to lớn, học hành sút kém, rối loạn hành vi và rối loạn về tâm thần.
Tuy nhiên, để can thiệp chính xác, đúng thời điểm cũng cần đòi hỏi các bác sĩ y khoa phải có kiến thức về tâm lý, tâm thần của trẻ em và đặc biệt là ở lứa tuổi học đường để can thiệp cho các em.
TS Đỗ Minh Loan cũng cho rằng, hiện nay có nhiều bậc phụ huynh cũng coi những biến đổi tâm lý của trẻ em nhiều khi là do phản ứng thái quá vì căng thẳng hoặc cho rằng đó là tâm lý tuổi dậy thì. Chỉ đến khi trẻ có những phản ứng gây nguy hiểm cho tính mạng mới nhờ đến các bác sĩ, tuy nhiên khi đó thì đã quá muộn để can thiệp, hoặc hiệu quả can thiệp không cao.
Bởi vậy, TS Loan cho rằng việc phát hiện, điều trị giúp các em vượt qua những rối loạn đòi hỏi sự quan tâm sát sao của các bậc phụ huynh.
“Chúng ta cần phải đặt vào vị trí của các em nhỏ chứ đừng áp đặt tâm lý của người lớn lên trẻ em. Chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng các gia đình và nhà trường, bảo đảm các em có sự phát triển hoàn hảo khi trưởng thành”, BS Loan nói.
Một số biểu hiện rối loạn trầm cảm ở tuổi vị thành niên: - Thường xuyên có các biểu hiện tức giận; - Luôn cảm thấy mình vô dụng; - Luôn cảm thấy buồn mà không có lý do; - Thay đổi thói quen khi ngủ; - Thích ở một mình; - Trở nên thèm ăn; - Luôn cảm thấy mệt mỏi; - Bắt đầu cảm thấy mất hứng thú về công việc cũng như sở thích; - Có thái độ thù địch đối với cha mẹ và xã hội; - Luôn bị ám ảnh bởi việc tự tử hay cái chết; |