Sốt siêu vi có lây không?
Sốt siêu vi là gì?
Sốt siêu vi vẫn có tên gọi khác là sốt virus, là tình trạng sốt do nhiễm phải những loại virus khác nhau, thường gặp ở trẻ em hoặc người lớn có hệ miễn dịch yếu vào thời điểm giao mùa. Sốt siêu vi mấy ngày hết? Bệnh này thường kéo dài từ khoảng 7-10 ngày, không nguy hiểm.
Sốt siêu vi ở trẻ em. (Ảnh minh họa)
Những người bị sốt siêu vi cũng bị đau cơ thể, đau đầu, nổi mề đay. Hiện nay, đã có sẵn thuốc để điều trị, trong một số trường hợp, biện pháp khắc phục tại nhà cũng sẽ làm giảm tình trạng này.
Sốt siêu vi có lây không?
Theo các nghiên cứu, bệnh sốt siêu vi có thể lây từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp và tiêu hóa thông qua các hoạt động ăn uống và giao tiếp, tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc dịch mũi của bệnh nhân. Hầu hết virus lây truyền qua dịch tiết và được bắn ra khi hắt hơi, nói chuyện, sổ mũi, ho. Cũng chính vì thế mà virus này có thể lây lan thành dịch và bùng phát nhanh chóng.
Không những thế, sốt siêu vi có thể lây truyền gián tiếp thông qua những vật dụng tại nơi công cộng như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa hoặc cầm nắm đồ chơi đối với trẻ em. Những vật dụng này có thể đã dính dịch tiết chứa virus siêu vi gây bệnh, nếu vô tình chạm phải sẽ bị lây bệnh nhanh chóng.
Do vậy, khi người lớn bị bệnh không nên tiếp xúc với trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Còn khi trẻ nhỏ bị sốt siêu vi thì nên cho bé nghỉ học, không nên đến những nơi tập trung đông người vì có thể lây lan thành bệnh cho người khác.
Sốt siêu vi triệu chứng là gì?
Đối với trẻ nhỏ, sốt siêu vi khá giống với những loại bệnh sốt thông thường khác nên bố mẹ cần phải chú ý đến một số dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Cụ thể như sau:
- Đau đầu: Là triệu chứng thường gặp nhất khi bị sốt siêu vi. Biểu hiện là đầu óc quay cuồng, đau nhức dữ dội, huyệt thái dương đập rất mạnh và có thể cảm nhận được bằng tay. Một số trẻ em bị đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo nhưng nhiều trường hợp có thể chảy mủ tai hoặc tai có nhầy, ngứa hơn bình thường.
Sốt siêu vi làm trẻ mệt mỏi. (Ảnh minh họa)
- Sốt cao không giảm: Thường là từ 39 đến 40 độ, kèm theo biểu hiện tay chân lạnh, run lẩy bẩy, Với trẻ sơ sinh, sốt cao trên 38,5 độ là phải đi viện, đối với trẻ nhỏ sốt từ 39-40 độ hoặc có thể cao hơn.
- Viêm đường hô hấp: Biểu hiện bao gồm thở nhanh, thở nông, khó thở, cổ họng đau, sưng đỏ, tấy, rát họng, ho, chảy nước mũi, sổ mũi, hắt hơi.
- Nôn trớ: Trẻ thường nôn nhiều sau bữa ăn, người lớn cũng có thể nôn mửa.
- Viêm kết mạc mắt: Dấu hiệu chính là mắt có rỉ, đỏ mắt, chảy nước mắt, mắt nhìn lờ đờ.
- Phát ban: Cơ thể sẽ xuất hiện những nốt ban đỏ, nốt mẩn, mắt đỏ sau khoảng từ 2-3 ngày sốt (lúc xuất hiện ban đỏ trẻ đã bớt sốt do đã qua thời kỳ ủ bệnh và bước sang giai đoạn phát bệnh).
- Cảm thấy đau nhức mình mẩy: Trẻ sơ sinh sẽ quấy khóc nhiều hơn, trẻ lớn sẽ thấy đau cơ bắp, trẻ kêu đau khắp mình mẩy.
- Rối loạn tiêu hóa: Xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt. Đặc điểm là đại tiện phân lỏng, không có máu hoặc chất nhầy. Một số trẻ có thể xuất hiện phân đen, đi ngoài ra máu.
- Viêm hạch: Xuất hiện viêm hạch ở vùng đầu, mặt, cổ sưng to, khi sờ thấy đau, có thể có cả ở người lớn và trẻ em.
Biến chứng của sốt siêu vi
Sốt siêu vi, sốt virus có một số biến chứng bao gồm:
- Viêm phổi: Là biến chứng thường gặp nhất và có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào.
- Viêm tiểu phế quản: Là biến chứng thường hay gặp nhất đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, có thể gây tử vong.
- Viêm thanh quản: Sốt siêu vi khiến cho dây thanh quản bị sưng và viêm, cần điều trị ngay nếu không sẽ gây nên tình trạng thở rít, khó thở, thiếu oxy trong cơ thể.
- Viêm cơ tim, ngừng tim, loạn nhịp tim: Do virus gây ra nên các tế bào cơ tim bị viêm làm ảnh hưởng đến bộ máy nhịp tim, dẫn đến tình trạng suy tim, sốc tim.
- Biến chứng tại não: Đây cũng là biến chứng nguy hiểm nhất và thường để lại di chứng về sau cho trẻ em.
Cần đặc biệt chú ý khi trẻ sơ sinh bị sốt siêu vi. (Ảnh minh họa)
Điều trị sốt siêu vi ở trẻ em
Tùy theo trường hợp bệnh, độ nặng nhẹ khác nhau mà có những cách điều trị phù hợp. Về cơ bản, sốt siêu vi vẫn là điều trị triệu chứng, không phải bệnh và chỉ là phản ứng của cơ thể khi bị virus và vi khuẩn tấn công.
Đối với điều trị sốt siêu vi ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh không được tự điều trị hoặc tự dùng thuốc mà cần phải có sự hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Vì thế, khi trẻ sơ sinh sốt 38,5 độ trở lên cần phải đi gặp bác sĩ ngay.
Đối với sốt siêu vi ở trẻ lớn hơn
Trước tiên, cần phải đưa trẻ đi gặp bác sĩ để có những chẩn đoán đúng và hướng dẫn điều trị đúng. Một số cách điều trị sốt siêu vi cho trẻ tại nhà như sau:
- Nhanh chóng hạ sốt: Nếu trẻ có biểu hiện sốt cao cần hạ sốt nhanh để tránh gây các biến chứng ở não, thường sẽ dùng paracetamol liều 10mg/kg, 6 giờ/ lần. Tuy nhiên, cần có sự tham khảo bác sĩ trước khi dùng.
- Chườm ấm: Dùng khăn ấm lau khô mồ hôi, để trẻ mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi tốt.
- Bù nước: Bổ sung thêm nhiều nước hoặc cho trẻ uống điện giải như oresol, cháo muối nấu loãng để bé cân bằng được lượng nước sau khi mất.
- Chống co giật: Phải dùng ngay thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt cao hơn 38,5 độ C.
- Vệ sinh sạch sẽ: Nhỏ mắt, mũi cho bé bằng natriclorid 0,9%, phòng tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp. Vệ sinh cơ thể bằng nước ấm trong phòng kín gió, cho trẻ nghỉ ngơi trên giường bệnh.
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: Cho trẻ ăn những dạng đồ ăn lỏng, dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng như cháo, súp, nước ép trái cây để dễ tiêu.
Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, đặc biệt là trên 39 độ, dùng thuốc không đỡ, kèm theo những biểu hiện như li bì, lơ mơ, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục và tăng dần, nôn khan, buồn nôn nhiều lần...cần phải đưa bé đến bệnh viện ngay.
Mẹo dân gian chữa sốt siêu vi
Mẹo dân gian chữa sốt siêu vi tại nhà từng được dân gian đúc kết bằng cách dùng những nguyên vật liệu có sẵn, dễ kiếm, giá thành rẻ và điều trị hiệu quả khi bị sốt. Phụ huynh có thể tham khảo như sau:
- Uống nước lá đinh lăng: Theo Đông y, lá đinh lăng có vị ngọt đắng, tính mát giúp thanh nhiệt, giải độc hiệu quả, bồi bổ khí huyết, lưu thông mạch máu để đào đào thải độc tố, hạ sốt hiệu quả, ngăn ngừa tình trạng sốt nặng hơn. Chỉ cần dùng khoảng 200g lá đinh lăng đã rửa sạch, ngâm muối và cho vào cối xay hoặc giã nhuyễn hoàn toàn, lọc lấy phần nước cốt, uống với liều lượng khoảng 2-3 thìa/lần. Phần bã của lá có thể dùng đắp tại vùng trán để tăng hiệu quả giảm sốt.
Một số mẹo dân gian chữa sốt siêu vi cho trẻ. (Ảnh minh họa)
- Dùng lá chùm ngây: Thành phần hoạt chất saponin trong lá chùm ngây có tính giảm đau, hạ sốt hiệu quả. Không những thế, chùm ngây cũng có tính kháng khuẩn, tiêu viêm nhanh chóng giúp tăng đề kháng và hệ miễn dịch tốt nhất. Mẹ dùng khoảng 200g lá chùm ngây non, rửa sạch và giã nát hoàn toàn, cho thêm chút nước và lọc lấy phần nước cốt, chia uống ngày 3 lần, có thể thêm chút mật ong để tăng tính hiệu quả.
- Dùng lá diếp cá: Diếp cá có vị chua, tính mát và cay nhẹ có công dụng giải độc, giảm viêm, tiêu sưng, sát khuẩn, thanh nhiệt, giải độc. Cách thực hiện cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng khoảng 50g lá diếp cá sạch và giã nát hoàn toàn, lọc bã lấy nước và uống ngày 1-2 lần cho đến khi hết sốt.
- Dùng củ sắn dây: Theo Đông y, sắn dây là vị thuốc có công dụng sinh tân dịch và thanh nhiệt, đã được nghiên cứu làm giảm cơn sốt ở chuột. Tuy nhiên, cần tránh sử dụng củ sắn dây nếu bạn đang dùng tamoxifen, bị ung thư nhạy cảm với nội tiết tố (như ung thu vú), dùng methotrexate hoặc đang dùng thuốc điều trị tiểu đường vì có thể dẫn đến hạ đường huyết.
Lưu ý: Trước khi dùng mẹo dân gian để hạ sốt siêu vi cho trẻ, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Sốt siêu vi kiêng gì?
- Tắm bằng nước lạnh: Dùng nước lạnh để hạ nhiệt là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Việc nhiễm lạnh khi dùng nước lạnh để tắm, lau người hoặc gió lùa khi tắm sẽ khiến cho cơn sốt trở nên trầm trọng hơn. Thay vào đó, mẹ hãy lau người bằng nước ấm cho bé sẽ khiến bé thoải mái hơn, nước ấm giúp giãn nở mạch máu ngoại vi, giúp giải phóng nhiệt trong cơ thể và từ đó giảm sốt. hạn chế tiếp xúc với nước lạnh và gió lùa.
- Hoạt động tại nơi đông người: Do sốt siêu vi lây qua đường hô hấp bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp nên bố mẹ hãy hạn chế cho trẻ đến nơi đông người, tham gia các hoạt động xã hội đông người.
- Hoạt động quá sức: Sốt siêu vi khiến cơ thể trẻ mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, thời gian này mẹ nên cho bé nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động, vui chơi quá sức.
- Uống nước đá: Uống nước đá chỉ khiến bệnh trở nặng hơn, không những không giúp hạ sốt mà còn khiến triệu chứng bệnh nguy hiểm hơn, thay vào đó hãy sử dụng nước ấm.
Phòng ngừa sốt siêu vi ở trẻ
- Phụ huynh thực hiện chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý và khoa học để nâng cao thể trạng và sức đề kháng của trẻ.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, môi trường sống xung quanh, đảm bảo sự thóng mát, ngăn chặn tác nhân gây bệnh.
- Luôn luôn giữ vệ sinh cho trẻ, rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh.
- Thực hiện tiêm phòng cho trẻ đầy đủ.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người đang bị bệnh.
- Nếu trẻ ho, hắt hơi, sổ mũi, hãy hướng dẫn bé dùng khăn giấy che miệng lại.