Video: Trẻ dị ứng sữa công thức và lòng trắng trứng gà gây táo bón, mẩn ngứa ở miệng suốt 5 tháng.
Bé Kiên Cường (8 tháng tuổi, ở Hà Nội), sinh đủ tháng, được mẹ cho bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 4 tháng đầu. Sau 4 tháng, trẻ bắt đầu dùng song song sữa mẹ và sữa công thức, ăn dặm ngày 2 bữa với đủ nhóm thực phẩm.
Từ khi được cho ăn sữa công thức và đồ ăn dặm, trẻ bắt đầu có biểu hiện táo bón, 5-7 ngày đi đại tiện một lần, kèm với đó là mẩn đỏ toàn thân, tập trung nhiều ở vùng mặt và miệng. Nghĩ do sữa công thức gây nóng và táo bón, gia đình bé Cường đã đổi 3 loại sữa nhưng tình trạng không thuyên giảm nên đưa đi khám.
Ths.BS Trần Kim Ngọc, chuyên khoa Nhi (Bệnh viện Medlatec) cho biết, khi đến viện, trẻ nổi sẩn ngứa, ban đỏ rải rác toàn thân, tập trung nhiều vùng mặt, quanh miệng và táo bón kéo dài.
Qua xét nghiệm phát hiện bệnh nhi bị dị ứng sữa công thức và lòng trắng trứng gà.
Kết quả chụp chiếu và xét nghiệm cho thấy trẻ bị mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. “Trẻ đã được xét nghiệm các dị nguyên sữa, trứng và đậu phộng và dương tính với sữa bò, lòng trắng trứng”, bác sĩ Ngọc cho biết.
Mẹ bé Kiên Cường vô cùng bất ngờ với kết luận trên, bởi trứng và sữa là thực phẩm thông dụng, được sử dụng nhiều trong thời kỳ trẻ ăn dặm và cũng là nguồn cung cấp nhiều dinh dưỡng.
Bác sĩ Kim Ngọc cho biết, thống kê cho thấy có tới 40% trẻ nhỏ có nguy cơ dị ứng thức ăn, trong đó, tỷ lệ dị ứng đạm sữa bò là 2,1-12,6%. Các thực phẩm gây dị ứng ở trẻ thường gặp là sữa, trứng, đậu phộng...
Để phòng dị ứng, bác sĩ Ngọc khuyến cáo, nếu phụ huynh đã biết con dị ứng với loại thức ăn nào cần loại bỏ ngay ra khỏi chế độ ăn để tránh tình trạng tái đi tái lại. Hoặc nếu trẻ có tiền sử dị ứng thức ăn thì khi dùng thức ăn mới cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Sữa và trứng là thực phẩm gây tình trạng dị ứng ở một số trẻ, nhưng sẽ hết khi trưởng thành. Ảnh minh họa.
Với trường hợp bệnh nhi trên, sau khi có chẩn đoán xác định là dị ứng trứng sữa, bác sĩ đã kê đơn điều trị và yêu cầu dừng sữa công thức (chỉ dùng sữa thủy phân hoàn toàn), nếu ăn trứng chỉ sử dụng nguyên lòng đỏ. Sau 2 tuần điều trị và điều chỉnh chế độ ăn, bệnh nhi đã cải thiện tình trạng táo bón, hết nổi mẩn đỏ.
Bác sĩ Ngọc khuyên các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng khi cắt nguồn thực phẩm trẻ bị dị ứng, vì có khoảng 80% trẻ em sẽ hết dị ứng sữa bò khi được 3 đến 5 tuổi, và khoảng 70% trẻ em dị ứng trứng sẽ khỏi ở tuổi 16. Vì vậy, phụ huynh có thể kiểm tra lại tính chất dị ứng trứng, sữa sau một khoảng thời gian ngừng sử dụng.
Tuy nhiên, các gia đình cũng không chủ quan khi có thành viên bị dị ứng thức ăn, đặc biệt là trẻ nhỏ. Dị ứng thức ăn có thể gây sốc phản vệ, thậm chí tử vong. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa, nổi mề đay, phù mạch thì cần đưa đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi