Đối với những bà mẹ lần đầu có con, hoặc bận rộn với nhiều công việc cùng một lúc, thông thường họ sẽ chọn thuê bảo mẫu để hỗ trợ chăm sóc em bé sơ sinh. Nhu cầu thuê bảo mẫu khá phổ biến trong nhiều gia đình ngày nay. Tuy nhiên, những câu chuyện tiêu cực liên quan đến hành vi thiếu đứng đắn của bảo mẫu, trực tiếp làm hại đến con chủ cũng không hiếm gặp. Vấn đề này đã trở thành một nỗi quan ngại lớn đối với các mẹ bỉm sữa, khi đưa ra quyết định thuê bảo mẫu phụ giúp chăm con.
Điển hình như trường hợp đau lòng của Zixuan sống ở Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc được cô chia sẻ trên mạng xã hội mới đây. Bà mẹ bỉm sữa cho biết bản thân đã chi 30.000 nhân dân tệ mỗi tháng (hơn 100 triệu VNĐ) để thuê bảo mẫu, sau khi hạ sinh cậu con trai đầu lòng. Chị đã chọn lọc rất kỹ trong các hồ sơ, và cảm thấy ưng ý với một bảo mẫu tên Li đã có kinh nghiệm làm việc hơn 10 năm, cũng từng là nhân viên tại một cơ sở giáo dục nổi tiếng.
Trả với mức phí cao như thế, Zixuan đặt kỳ vọng và sự tin tưởng rất nhiều vào bảo mẫu. Trước đó, chị cũng đã lắp một camera trong phòng con trai để tiện theo dõi tình trạng của đứa trẻ. Những ngày đầu tiên bảo mẫu đến nhà ở lại chăm sóc con trai, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, khoảng 4 giờ sáng ngày 15/5, cô nghe thấy tiếng con khóc trong phòng. Khi kiểm tra video giám sát, bà mẹ tá hoả khi phát hiện bảo mẫu đã tác động vật lý lên con.
Cụ thể chị ta đã tát rất mạnh nhiều lần vào mặt con trai Zixuan, rồi sau đó mới bế đứa trẻ lên. Càng đáng sợ hơn khi Zixuan phát hiện ra một đoạn video giám sát khác được quay vào khoảng 1h sáng hôm đó, khi con khóc thì bảo mẫu đã kéo đứa trẻ dậy, bế trên tay lắc lư rất mạnh.
Chứng kiến toàn bộ hành vi bạo lực, vô nhân tính của người bảo mẫu lên con trai chỉ mới 15 ngày tuổi của mình, Zixuan đã ngay lập tức mời công an vào cuộc xử lý. Cô cũng nhanh chóng đưa con trai đến bệnh viện làm kiểm tra tổng thể, may mắn là đứa trẻ chưa gặp tổn thương nào nghiêm trọng. Tuy nhiên bác sĩ vẫn dặn dò Zixuan về nhà theo dõi thêm, nếu con có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường do chuyện này để lại thì phải can thiệp và điều trị cho đứa trẻ càng sớm càng tốt.
Trên thực tế, nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn thuê bảo mẫu cũng vì muốn tốt cho con và cả cho bản thân. Thế nhưng không phải mọi chuyện lúc nào cũng được như ta mong muốn. Tình huống trên là một sự cảnh tỉnh dành cho các bố mẹ.
Vậy làm sao để tìm được một bảo mẫu tốt cho con?
Việc lựa chọn bảo mẫu thế nào là thích hợp cho con trong điều kiện bất đắc dĩ không thể chăm sóc trẻ là một điều không hề đơn giản. Tất cả những gì cha mẹ mong muốn ở một cô bảo mẫu không đơn giản là họ có thể chăm sóc tốt cho con cái, còn phải là một người đáng tin cậy và yêu thương trẻ thật lòng. Sau cha mẹ, bảo mẫu là người thân thiết với trẻ thứ 2 và gần như dành toàn bộ thời gian để chăm sóc trẻ.
Hãy tìm bảo mẫu ở những nguồn tin cậy:
Những tổ chức cộng đồng hay các trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín là nguồn đáng tin cậy khi phụ huynh tìm kiếm một bảo mẫu. Ở những trung tâm chuyên đào tạo cô trông trẻ hoặc giới thiệu những người có khả năng, phụ huynh có thể yên tâm phần nào về trách nhiệm của những người bảo mẫu với công việc.
Đặc biệt quan tâm tới thái độ của bảo mẫu:
Các chuyên gia cho rằng, phụ huynh nên đặc biệt quan tâm tới các xử sự và thái độ của ứng viên để xác định xem liệu họ có đủ khả năng chăm sóc con trẻ, có thân thiện và hợp với con hay không? Có thật sự nghiêm túc với công việc và sẵn sàng chấp hành những quy tắc. Hãy dành nhiều thời gian quan sát và trò chuyện cùng bảo mẫu.
Lắp đặt camera quan sát:
Tuy điều này còn gây nhiều tranh cãi về yếu tố riêng tư, song cha mẹ nên cân nhắc việc lắp đặt camera ở nhiều vị trí trong nhà để quan sát những công việc và cách thực hiện của bảo mẫu, biết được cô ấy làm việc như thế nào khi phụ huynh vắng nhà và chắc chắn không xảy ra bất kỳ điều đáng tiếc nào.
Trò chuyện và lắng nghe con trẻ:
Hơn ai hết, trẻ là người hiểu rõ nhất bảo mẫu của mình. Hãy hỏi trẻ có thích cô bảo mẫu hay không, cô ấy có đối xử tốt với con không? Đồng thời dặn trẻ phải thông báo ngay cho cha mẹ nếu bị bảo mẫu đánh đập, dọa nạt hay có biểu hiện bất thường nào. Trên ai hết, cha mẹ phải luôn dành thời gian để trò chuyện với con, quan tâm tới con cái kịp thời dù bận rộn cỡ nào.
Những biểu hiện khả năng trẻ đang rơi vào trạng thái bị người giúp việc/bảo mẫu bạo hành:
- Không hợp tác hoặc hợp tác một cách chống đối với người giúp việc trong nhiều hoạt động.
- Khóc thét, tự nhiên khóc thét khi ở riêng với người giúp việc.
- Nhắc đến người giúp việc là không thích, lảng đi hoặc tỏ thái độ không vui.
- Khóc tức tưởi khi gặp bố mẹ.
- Phản kháng lại dữ dội: đánh, cào, cấu, ném đồ chơi vào người giúp việc.