Chiếc hộp sắt biết nói
Hồi ấy, có một hoàng tử bị một mụ phù thủy bắt cóc đem nhốt trong một chiếc lò sưởi. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng chưa có ai đến giải thoát cho chàng.
Có một công chúa ở nước kia đi chơi rừng, mải ngắm cây cỏ bên đường, nàng bị lạc lúc nào không hay. Đã chín ngày rồi, nàng đi lang thang trong rừng sâu, đến ngày thứ chín nàng đến trước một chiếc hộp bằng sắt. Vừa mới tới bên thì có tiếng người vọng ra:
– Nàng ở đâu tới đây và nàng muốn đi đâu nữa?
Công chúa đáp:
– Tôi lạc rừng tới đây và giờ không biết đường về nhà nữa.
Lại có tiếng người vọng ra từ chiếc hộp bằng sắt – chính đó là chiếc lò sưởi của mụ phù thủy.
– Chỉ trong nháy mắt nàng sẽ về tới nhà, tôi sẽ đưa nàng về, nhưng nàng phải ký giao kèo làm tất cả mọi điều tôi nói. Tôi chính là hoàng tử của một nước lớn và muốn kết duyên trăm năm cùng nàng.
Nàng bàng hoàng cả người, bụng nghĩ:
– Lạy chúa, tôi biết sống sao với chiếc hộp bằng sắt kia.
Nàng rất mong muốn được trở về nhà sống bên vua cha nên đã nhận lời làm tất cả những gì nó muốn. Rồi có tiếng nói tiếp:
– Khi trở lại đây nàng nhớ mang theo một con dao và khoét một lỗ ở hộp sắt.
Rồi có người đưa nàng về nhà, người đó đi bên cạnh nàng nhưng chẳng hề nói một tiếng nào, hai tiếng đồng hồ sau thì nàng về tới hoàng cung.
Cả hoàng cung vui nhộn hẳn lên khi thấy công chúa trở về. Nhà vua hết sức vui mừng, chạy ra ôm hôn con gái.
Với nét mặt buồn rầu, công chúa nói:
– Thưa cha kính yêu, con bị lạc trong rừng sâu. Có lẽ không bao giờ con ra được khỏi khu rừng rậm hoang vu ấy, nếu con không gặp một chiếc hộp bằng sắt. Chính nó cho người dẫn đường đưa con về nhà, và chính con có hứa là sẽ quay trở lại nơi ấy để giải thoát cho chiếc hộp sắt ấy và lấy nó.
Nghe nói vậy, nhà vua bàng hoàng cả người, làm như muốn ngất xỉu, vì công chúa là đứa con duy nhất. Bàn đi tính lại, nhà vua truyền cho người đi thay thế công chúa. Cô con gái nhà xay lúa cầm dao đi thay công chúa. Cô lấy dao đâm vào chiếc hộp sắt đã hai mươi tư tiếng mà chiếc hộp vẫn y nguyên, không hề bị sứt mẻ.
Khi trời lại vừa hửng sáng thì từ trong hộp sắt có tiếng vọng ra:
– Tôi thấy hình như trời lại hửng sáng rồi thì phải.
Cô gái nói:
– Hình như tôi nghe thấy có tiếng cối xay gió chạy.
– À, té ra cô là con gái ông thợ xay, thế thì có thể đi ngay được đấy, gọi công chúa tới đây.
Cô con gái nhà xay quay trở về tâu lại với nhà vua rằng hộp sắt không ưng cô mà chỉ ưng công chúa. Nghe vậy nhà vua đâm ra lo sợ, còn công chúa chỉ biết ngồi than thân trách phận.
Ảnh minh họa.
Trong hoàng cung còn có một người đẹp hơn cô gái nhà xay lúa, đó là cô gái nuôi heo. Nhà vua thưởng cho cô gái nuôi heo một đồng tiền vàng và bảo cô đi thay công chúa.
Cô gái đi tới nơi, ra sức thọc đâm nhưng chiếc hộp sắt vẫn không hề bị sứt mẻ, lồi lõm. Hai mươi tư tiếng đồng hồ đã trôi qua, bỗng từ trong hộp sắt có tiếng vọng ra:
– Tôi thấy hình như trời lại hửng sáng rồi thì phải.
Cô gái đáp lại:
– Hình như tôi nghe thấy tiếng tù và của bố tôi.
– À, té ra cô là cô gái nuôi heo. Thế thì có thể đi về ngay được đấy, gọi công chúa tới đây. Nói với công chúa rằng, nếu không giữ lời hứa thì hoàng cung sẽ bị sụp đổ, mọi thứ đều sẽ vỡ nát, một viên gạch lành cũng không có.
Nghe tin đó, công chúa ngồi khóc nức nở. Nhưng không thể làm khác được, công chúa đành phải giữ lời hứa. Nàng chào từ biệt vua cha, giắt theo mình một con dao, đi vào rừng nơi có chiếc hộp sắt. Tới nơi, công chúa ngồi gõ, sau hai tiếng đồng hồ ngồi gõ, công chúa đã đục được một lỗ nhỏ.
Nhìn qua lỗ đó, dưới ánh sáng lấp lánh của vàng và kim cương, công chúa nhìn thấy một người tí hon. Lòng công chúa bỗng thấy xốn xang, nàng tiếp tục gõ đục, lỗ thủng được mở rộng ra hơn trước. Một chàng trai bước ra và nói:
– Chính nàng đã giải thoát cho anh, nàng là cô dâu chưa cưới của anh, anh là của nàng.
Chàng trai muốn đưa nàng về vương quốc của mình. Nàng nói muốn về thăm vua cha một lần nữa. Chàng đồng ý với điều kiện nàng chỉ nói ba câu rồi quay lại ngay. Về tới nhà mải vui chuyện trò nàng không nhớ tới lời dặn.
Đợi một lát không thấy nàng quay trở lại, chàng trai tiếp tục lên đường. Chẳng mấy chốc, chàng đã đi qua núi thủy tinh, qua cả nơi có những thanh kiếm vung lên chém xuống liên tục.
Chuyện trò xong công chúa đem theo một ít tiền để làm lộ phí, vào chào từ biệt vua cha, nàng trở lại cánh rừng lớn để tìm người mình hẹn. Hộp sắt cũng như chàng trai nàng hẹn đều không thấy nữa, nàng cứ đi như thế chín ngày liền, bụng đói cồn cào, nàng đành leo lên cây ngồi.
Trời tối đen như mực, nàng ngồi bụng ngổn ngang những lo cùng sợ bị thú dữ ăn thịt, nàng chỉ còn biết ngồi cầu mong trời chóng sáng. Vào lúc nửa đêm, nàng nhìn thấy phía xa có ánh lửa. Nàng nghĩ:
– May ra thì mình thoát nạn.
Nàng tụt xuống và thẳng hướng có ánh lửa mà đi. Vừa đi nàng vừa lâm râm cầu khấn, cuối cùng nàng tới trước một căn nhà nhỏ, cỏ mọc đầy quanh nhà, trước nhà là một đống củi chất cao. Nàng nghĩ:
– Giờ thì làm thế nào mà vào được trong nhà đây?
Lại phía cửa sổ, nhìn vào trong nhà nàng chỉ thấy một con rùa nhỏ nhưng béo mập, nhưng trên bàn bày toàn sơn hào hải vị đựng trong bát, đĩa bằng bạc. Nàng nín thở khẽ gõ cửa, con rùa cất tiếng gọi:
– Chú mập tròn đâuMau chân lên nàoRa mà mở cửaXem ai tới nhà.
Một chú rùa lon ton ra mở cửa. Mọi người đón tiếp nàng rất là vui vẻ, hỏi nàng đủ thứ:
– Cô từ đâu tới đây, cô gái? Cô còn định đi đâu nữa?
Nàng kể cho mọi người nghe hết đầu đuôi câu chuyện, vì nàng không giữ đúng hẹn nên chiếc hộp sắt cùng hoàng tử đã biến mất. Nàng nói sẽ đi tới cùng trời tận đất tìm cho tới khi gặp lại được chàng mới thôi. Nghe xong rùa mẹ nói:
– Chú mập tròn cưngMau chân lên nàoVào trong buồng ấyLấy hộp ra đây.
Rùa con lon ton chạy đi lấy hộp mang ra. Sau khi ăn uống no nê, rùa con chỉ cho nàng chiếc giường dành cho khách, nàng lên giường và thiếp đi lúc này không hay.
Sáng sớm hôm sau, khi nàng thức dậy, rùa mẹ lấy từ trong hộp ra ba chiếc kim và dặn nàng nhớ mang theo người. Thế nào nàng cũng phải đi qua núi thủy tinh, đi qua chỗ có ba chiếc kiếm luôn luôn vung lên chém xuống.
Và cuối cùng là qua một con sông lớn. Nếu nàng đi qua được những nơi đó thế nào nàng cũng gặp lại người thương. Trước khi chia tay, rùa mẹ đưa cho nàng thêm một lưỡi cày và ba hạt dẻ, dặn nàng phải luôn chú ý tới ba bảo vật: kim, lưỡi cày, và hạt dẻ.
Nàng lên đường, đi hoài đi mãi nàng tới một ngọn núi thủy tinh, núi trơn tuồn tuột, nhưng khi nàng cắm ba chiếc kim kia vào mũi giày thì nàng thấy mình như đang đi trên đất và nàng đi qua núi thủy tinh một cách dễ dàng. Qua núi rồi, nàng cắm ba chiếc kim kia vào thân cây bên đường và lại tiếp tục đi.
Tới chỗ ba thanh kiếm, nàng lấy lưỡi cày ra và trượt qua chỗ ba thanh kiếm một cách dễ dàng. Cuối cùng nàng tới bên bờ một con sông lớn. Nàng đi đò qua sông. Ngay bên bờ sông là một tòa lâu đài lớn, nàng tới hỏi xin làm người phụ việc, vì nàng biết rằng chính hoàng tử người yêu nàng là chủ lâu đài này.
Hoàng tử đinh ninh không bao giờ gặp lại người yêu cũ nên đã ăn hỏi người khác, và đang chuẩn bị đồ cưới.
Giờ đây nàng là người hầu gái trong hoàng cung, sau khi đã chu tất mọi công việc trong ngày và tắm rửa xong, nàng lấy một hạt dẻ ra cắn tính ăn, nhưng bên trong không phải là nhân hạt dẻ mà là một bộ đồ cưới tuyệt đẹp.
Nghe tin cô hầu gái có bộ đồ cưới tuyệt đẹp, cô dâu tới xem và nói muốn mua lại. Người hầu gái nói mình không bán, nhưng sẵn sàng biếu cô dâu bộ đồ cưới, nếu cô dâu cho phép người hầu gái ngủ ở trong phòng của chú rể.
Nhìn bộ đồ cưới tuyệt đẹp kia, lòng cô dâu ao ước sao có được bộ đồ ấy, cô nhận lời ngay. Cô dâu nói với chú rể:
– Đứa hầu gái điên rồ kia muốn đêm nay ngủ lại ở buồng chàng, chàng có ưng không?
Chú rể đáp:
– Nếu em bằng lòng thì anh cũng ưng thuận.
Trước khi chia tay nhau đi ngủ, cô dâu mời chú rể uống một chén rượu có pha thuốc ngủ. Sau đó chú rể về buồng mình ngủ và cho phép cô hầu gái vào cùng.
Hai người vào buồng. Chàng ngủ say đến mức nàng không sao đánh thức dậy để trò chuyện. Nàng thức suốt đêm trường than thở:
– Em đã giải thoát cho anh ra khỏi rừng sâu, ra khỏi chiếc hộp sắt giam cầm. Em đã vượt núi thủy tinh, đi qua ba lưỡi kiếm, vượt một con sông lớn để tìm chàng. Giờ đây ở bên chàng thì chàng lại chẳng hề nghe những điều em nói.
Những người hầu ngủ ở bên ngoài buồng đều nghe rất rõ tiếng nàng than thở suốt đêm hôm trước. Hôm sau họ kể lại cho chủ của mình nghe.
Tối hôm sau cô gái cắn hột dẻ thứ hai. Khi hạt dẻ vỡ, hiện ra ở bên trong một bộ đồ lộng lẫy như đồ cưới của cô dâu. Cô dâu nói xin mua lại, nhưng cô gái không bán, chỉ xin được ngủ ở trong phòng của chú rể đêm nữa. Cô dâu đồng ý nhưng trước đó đã cho chàng uống nước có pha thuốc ngủ. Vào trong buồng là chàng lăn ra ngủ ngay và ngủ say tới mức lay người chàng cũng không tỉnh.
Cô gái đầu bếp thức suốt đêm trường than thở:
– Em đã giải thoát cho anh ra khỏi rừng sâu, ra khỏi chiếc hộp sắt giam cầm. Em đã vượt núi thủy tinh, đi qua ba lưỡi kiếm, vượt một con sông lớn để tìm chàng. Giờ đây ở bên chàng thì chàng lại chẳng hề nghe những điều em nói.
Những người hầu ngủ ở bên ngoài buồng đều nghe rất rõ tiếng nàng than thở suốt đêm hôm trước. Hôm sau họ kể lại cho chủ của mình nghe.
Tối thứ ba cô gái đầu bếp lại cắn hạt dẻ thứ ba. Một bộ đồ lộng lẫy thêu bằng chỉ vàng ròng nom óng ánh. Cô dâu lại muốn mua, nhưng cô gái chỉ yêu cầu cho ngủ đêm nữa ở trong buồng chú rể.
Khi uống nước hoàng tử đã để cho nước chảy ra ngoài. Khi chàng ngủ được một lúc thì nghe thấy tiếng than thở:
– Anh yêu quý, em đã giải thoát cho anh ra khỏi rừng sâu, ra khỏi chiếc hộp sắt giam cầm.
Mới nghe tới đây chàng đã bật dậy và nói:
– Chính em mới là cô dâu thật. Em mới là người anh yêu quý, anh là của em.
Hoàng tử giấu quần áo của cô dâu giả kia, vội vã cùng người yêu mình ra xe ngựa và lên đường ngay trong đêm ấy. Tới bờ sông lớn kia, họ lên thuyền và chèo đò qua sông. Rồi họ tới chỗ có ba thanh kiếm vung lên chém xuống liên tục.
Hai người ngồi lên chiếc lưỡi cày trượt qua, cuối cùng họ tới núi thủy tinh. Họ cắm ba chiếc kim gài đầu xuống núi, và đi qua núi an toàn. Khi họ vừa bước chân vào túp lều cũ thì bỗng trước mặt họ hiện ra một tòa lâu đài lớn, gia nhân ra vào tấp nập, họ hết sức vui mừng ra đón hai người.
Đám cưới của họ được tổ chức trong lâu đài nguy nga này. Sau đó họ đi đón vua cha về cùng ở. Hoàng tử lên ngôi trị vì cả hai nước.
Những người tí hon
Hai chú tí hon
Xưa có bác thợ giày, chẳng tội tình gì mà làm ăn cứ ngày một sa sút, gia sản cuối cùng còn lại là miếng da chỉ vừa đủ đóng một đôi giày. Tối bác ngồi đo cắt, định sáng hôm sau sẽ khâu thành giày. Vốn tính phúc hậu, cắt xong, bác yên trí lên giường, mới đặt mình xuống bác đã ngáy o o.
Sáng hôm sau, bác tính ngồi vào chỗ làm thì thấy đôi giày đã đóng xong để ở trên mặt bàn. Bác lấy làm lạ, chẳng hiểu tại sao nó lại làm như vậy.
Cầm giày lên ngắm bác thấy giày đóng thật đẹp, đường kim mũi chỉ cẩn thận, sạch sẽ, không lỗi chỗ nào, sạch đẹp như một công trình của thợ cả.
Ít lâu sau có người đến hỏi mua. Khách hàng thấy đôi giày đẹp quá nên trả đắt hơn giá bình thường. Bác thợ giày lấy tiền ấy mua được miếng da đủ đóng hai đôi giày. Tối bác ngồi đo cắt, định để sáng hôm sau tỉnh táo sẽ khâu. Nhưng cũng giống lần trước, bác không phải mất công khâu, lúc bác dậy thì cả hai đôi giày đã xong.
Giày đẹp nên chẳng thiếu gì người muốn mua, họ trả bác nhiều tiền đến nỗi bác đủ tiền mua da đóng bốn đôi giày khác. Tối cắt da xong lên giường ngủ, sáng hôm sau bác lại thấy cả bốn đôi đã xong.
Câu chuyện cứ như thế tiếp diễn, tối bác đo cắt thì sáng sau thành giày. Chẳng mấy chốc bác trở nên khấm khá, cuối cùng trở thành một người giàu có.
Một buổi tối, sắp đến ngày Chúa giáng sinh, bác lại ngồi cắt giày. Trước lúc đi ngủ bác nói với vợ:
– Mình nghĩ thế nào, hôm nay ta thức đêm rình xem ai đã giúp mình nhiệt tình như vậy.
Bác gái cũng đồng tình. Hai người che đèn rồi lẩn vào góc nhà, nấp sau đống quần áo treo ở đó để rình.
Đúng nửa đêm có hai người tí hon, nom rất dễ thương, mình trần như nhộng đến ngồi bên bàn thợ giày. Họ kéo đống da đã cắt lại, rồi hối hả gò, khâu, mấy ngón tay nhỏ xíu đưa kim tuốt chỉ nhanh thoăn thoắt làm cho bác thợ giày phải ngạc nhiên, trố mắt ra mà nhìn. Hai người tí hon cặm cụi mải miết làm việc cho tới khi khâu xong mới ngừng tay, để giày lên bàn rồi nhảy đi mất hút.
Sáng hôm sau bác gái bảo chồng:
Ảnh minh họa.
– Té ra mấy chú tí hon đã làm giúp nhà mình. Chúng ta phải tạ ơn mấy chú ấy cho phải lẽ. Các chú ấy thật là tội nghiệp, đi đi về về như thế mà manh áo che thân chẳng có, đành chịu rét mướt…
Ông có biết không, hay để tôi khâu cho mỗi chú một cái áo sơ mi, một cái áo khoác, một cái áo vét và một cái quần nhé. Tôi đan cho mỗi chú một đôi bít tất nữa. Còn mình hãy đóng cho mỗi chú một đôi giày nhỏ.
Bác trai nói:
– Thế thì tôi ưng quá đi chứ!
Đến tối thì quà tặng làm xong. Hai người để quà tặng lên bàn, chỗ mọi ngày vẫn xếp da giày đã cắt, rồi lại nấp rình xem liệu hai chú tí hon sẽ làm gì với đống quà ấy. Đúng nửa đêm lại chú tí hon nhảy vào, định bắt tay ngay vào việc.
Nhưng các chú chẳng thấy da cắt sẵn mà chỉ thấy chồng áo quần nhỏ nhắn xinh xắn. Thoạt đầu hai chú hết sức ngạc nhiên, nhưng rồi hai chú lộ vẻ hết sức vui mừng. Chỉ trong nháy mắt các chú đã mặc xong quần áo, xỏ giày. Thích quá, các chú lấy tay vuốt vuốt quần áo và hát:
Diện vào lịch sự hẳn lên,Hỏi còn ai bảo là anh thợ giày.
Hai chú bước thấp bước cao, nhảy múa vui mừng, các chú nhảy cả lên bàn, lên ghế. Sau đó vừa đi vừa nhảy múa kéo nhau ra cửa biến mất. Từ hôm ấy không thấy các chú lại nữa. Còn bác thợ giày sống sung túc, có đồng ra đồng vào, suốt đời bác mọi việc đều trôi chảy tốt đẹp.
Cô người ở đi đỡ đẻ
Ngày xửa ngày xưa có một cô người ở nghèo, cô rất siêng năng và sạch sẽ. Ngày nào cũng như ngày nào, quét xong nhà cô hốt rác đổ ra đống rác to trước nhà.
Có lần, vào buổi sáng lúc cô đag chuẩn bị làm việc thì thấy một bức thư. Vì không biết đọc, cô dựng chổi vào góc nhà, rồi đưa thư nhờ chủ nhà đọc cho nghe.
Đó là bức thư của những người tí hon, họ mời cô gái xuống đỡ đẻ. Cô gái phân vân không biết nên như thế nào. Nghe mọi người dỗ dành và khuyên, không nên từ chối những chuyện như vậy, cô gái đồng ý.
Có ba người tí hon đến đưa cô gái tới một hang núi, nơi người tí hon sống. Mọi đồ vật ở đây đều nhỏ xinh, đẹp tuyệt vời chẳng còn chê vào đâu được. Giường của người mẹ làm bằng gỗ mun đen bóng có khảm ngọc trai, chăn đắp có thêu chỉ bằng vàng, chiếc nôi làm bằng ngà voi, bồn tắm bằng vàng ròng.
Những người tí hon mời cô gái ở lại với họ ba ngày. Cô sống sung sướng và vui vẻ. Những người tí hon rất nuông chiều cô.
Thời gian trôi qua, lúc chia tay những người tí hon tặng cô rất nhiều vàng và dẫn cô ra khỏi núi.
Trở về tới nhà, cô gái muốn bắt tay ngay vào việc. Cô cầm chổi quét nhà. Giữa lúc đó có người từ trong buồng ra, hỏi cô là ai mà lại quét nhà. Ba ngày cô ở nơi những người tí hon trong hang núi chính là bảy năm. Chủ cũ của cô đã mất trong thời gian cô đi vắng.
Đứa trẻ dị dạng
Có một bà mẹ bị những người tí hon bế đi mất đứa con yêu quý khỏi nôi và thay vào đó là một đứa bé đầu to, hai mắt mở trừng trừng khờ dại, nó chẳng biết gì ngoài ăn và uống.
Bà mẹ không biết làm sao, nên chạy sang hàng xóm hỏi. Người hàng xóm khuyên nên nấu nước bằng hai cái vỏ trứng, khi đặt vỏ trứng lên bếp thì đứa trẻ dị dạng sẽ cười. Nếu nó cười có nghĩa là xong chuyện.
Bà mẹ làm đúng mọi chuyện như lời hàng xóm nói. Khi vỏ trứng được đặt lên bếp để đun nước thì đứa trẻ dị dạng kia nói:
– Ta già như cánh rừng kia mà chưa bao giờ thấy cảnh người đun nước bằng vỏ trứng.
Và nó phá lên cười. Cùng lúc đó, rất đông người tí hon xuất hiện, và bồng nhấc đứa trẻ dị dạng đi mất.
Chó Sultan trung thành
Bác nông dân có con chó tên là Sultan, nó rất trung thành với chủ. Nhưng giờ nó đã già nua, răng rụng hết chẳng còn chiếc nào nên chẳng cắn và tha mồi được.
Một hôm, đứng trước cửa nhà, bác nông dân nói với vợ:
– Con Sultan già nua kia ngày mai cho nó phát đạn, giữ nuôi nó chẳng có ích gì.
Bác gái thương hại con chó trung thành nên can chồng:
– Nó sống bao nhiêu năm nay ở nhà mình, được bao nhiêu là việc, giờ thì cứ bố thí cho nó ăn đâu có hại gì.
Người chồng đáp:
– Ái chà, bà chẳng biết gì cả. Nó làm gì còn chiếc răng nào, chẳng có thằng trộm nào sợ nó nữa, giờ thì nó có thể đi chỗ khác cho khuất mắt. Khi trước nó có công thì đã nuôi cho ăn uống đầy đủ rồi còn gì.
Con chó đáng thương nằm phơi nắng cách đấy cũng không xa, nó nghe được hết đầu đuôi câu chuyện, nó buồn lắm và nghĩ, có lẽ mai là ngày cuối cùng của cuộc đời. Người bạn tốt của nó là sói. Tới đêm nó lẻn vào rừng gặp sói và kể lại cho sói nghe số phận hẩm hiu của mình. Nghe xong sói nói:
– Này anh bạn, dũng cảm lên chứ, tôi có thể giúp anh qua cơn hoạn nạn được. Tôi đã nghĩ ra một kế. Sáng sớm mai hai vợ chồng người nông dân sẽ đi phơi cỏ ở ngoài đồng, thế nào họ cũng mang theo đứa con nhỏ vì chẳng có một ai ở nhà.
Trong lúc làm việc, để tránh nắng thế nào họ cũng đặt con ở trong bóng râm của mấy bụi cây gần đó. Anh bạn nằm sát ngay cạnh đứa trẻ làm như nằm canh vậy. Tôi sẽ lẻn từ trong rừng ra và tha đi đứa trẻ. Anh phải gắng sức đuổi theo tôi làm như anh muốn giành lại đứa trẻ từ tôi.
Ảnh minh họa.
Tôi sẽ nhả đứa trẻ ra, anh tha nó về cho bố mẹ. Họ sẽ nghĩ rằng chính anh đã cứu đứa trẻ nên rất cảm ơn anh. Đáng lẽ họ tống cổ anh đi, thì ngược lại họ sẽ chẳng đả động gì đến chuyện ấy nữa và chẳng bao giờ để anh bị đói khát.
Chó nghe thấy bùi tai. Sự việc xảy ra đúng như đã bàn. Khi nhìn thấy sói tha con mình người bố la ầm lên. Rồi thấy Sultan chạy đuổi theo và cứu được con mình tha về, lúc đó bác ta hết sức vui mừng, lấy tay vuốt ve con chó và nói:
– Từ nay trở đi không bao giờ ta để ai động tới chân tơ kẽ tóc của mi, chừng nào mi còn sống thì mi lúc nào cũng no đủ.
Rồi bác bảo vợ:
– Mình về ngay nhà đi, nấu cho Sultan nồi cháo. Không còn răng thì húp cháo. Nhớ lấy cái gối của tôi ở đầu giường để cho nó nằm cho ấm.
Từ đó trở đi Sultan sống sung sướng đến nỗi chẳng còn lý do gì để kêu ca phàn nàn.
Ít lâu sau sói đến thăm Sultan, rất vui mừng vì mọi chuyện đều tốt đẹp cả. Sói nói:
– Này anh bạn, nếu tôi có lấy đi của chủ anh một con cừu béo thì anh nhắm mắt làm ngơ nhé. Hồi này kiếm miếng ăn khó khăn lắm anh bạn ạ.
Chó đáp:
– Tôi chưa hề nghĩ tới chuyện đó, tôi trung thành với chủ tôi nên tôi không thể đồng ý với anh bạn về chuyện đó được.
Sói nghĩ chó chỉ nói giả bộ thế thôi. Tối khuya sói rón rén tới tính bắt một con cừu.
Bác nông dân được chó Sultan báo cho biết trước ý định của sói, bác nấp đợi sói. Mới vào gần tới chuồng cừu sói ta đã bị bác nông dân cầm gậy phang tới tấp, sói bị một trận nên thân. Ráng sức sói mới chạy nổi được về rừng, vừa chạy sói vừa nói: “Cứ đợi đấy, anh bạn đểu cáng. Rồi sẽ biết tay ta”.
Sáng hôm sau, sói bảo lợn gọi chó vào rừng để tính chuyện ân oán. Sultan già nua không biết dựa vào ai bao giờ, đành phải gọi mèo đi cùng với mình vào rừng, nhưng khốn nỗi mèo lại chỉ có ba chân.
Chó đi trước, mèo tập tễnh đi theo sau, đuôi chỏng ngược lên trời. Sói và trợ thủ của mình đứng đợi ở địa điểm đã hẹn, nhìn thấy địch thủ của mình đang đi.
Nhìn thấy đuôi mèo dựng đứng chổng ngược lên trời chúng cứ tưởng là địch thủ mang theo gươm, đã thế lại thấy mèo ba chân bước thấp bước cao, nhìn xa cứ tưởng là lấy đà để ném đá, lợn liền lao thẳng vào bụi cây gần đó để tránh, sói nhảy lên ngay cành cây để né. Khi tới đúng điểm hẹn, chó và mèo vô cùng ngạc nhiên vì chẳng thấy bóng dáng sói đâu cả.
Lợn rừng chui vào bụi cây nhưng tai lại vểnh lên, vẫy vẫy. Nhìn quanh chẳng thấy động tĩnh gì, mèo thấy hình như có chuột chạy trên bụi cây, mèo liền chạy ngay tới, lấy đà vồ cắn. Bị cắn vào tai đau quá lợn ta nhảy cẫng lên la lối: “Ở trên cây ấy, thủ phạm ở trên cây ấy!.”
Chó và mèo ngoảnh lại thì thấy sói đang ở trên cây, sói xấu hổ vì thấy mình sợ sệt một cách vô cớ. Sói đồng ý giảng hòa với chó.
Bài học hay từ truyện cổ Grimm
Truyện cổ Grimm phác họa thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,…
Đồng thời khi đọc truyện cổ Grimm, trẻ sẽ được dung nạp thêm những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống, nuôi dưỡng tính cách lành mạnh và học theo những điều tốt đẹp.