Xin chôn ở núi vàng
Xưa có hai vợ chồng một anh nông dân nghèo phát được miếng rẫy ở bìa rừng để trỉa ngô. Khi ngô đã có bắp non thì ngày nào khỉ cũng kéo nhau đến ăn. Vợ chồng anh phải canh giữ rất vất vả.
Một hôm, vợ anh bàn:
– Cứ đà này, chỉ vài hôm nữa, cả rẫy ngô sẽ không còn bắp nào. Bầy khi đông quá, canh giữ mãi không được đâu. Chi bằng chúng ta bẻ nấu ăn non cho đỡ phí.
Người chồng nghe vợ nói có lí liên bằng lòng. Rồi cả hai lên rẫy bẻ bắp, phần thì luộc, phần thì nướng ăn. Ăn no rồi lăn ra ngủ. Tối đến, bầy khỉ kéo xuống, thấy vợ chồng anh nông dân ngủ say không cựa quậy tưởng rằng họ đã chết bèn hò nhau khiêng đi chôn.
Sáng ra, tỉnh giấc thấy mình nằm dưới chân núi, vợ chồng anh nông dân rất ngạc nhiên. Họ đang bàng hoàng chưa nhận ra lối trở về rẫy thì bỗng xung quanh có nhiều hòn đá óng ánh màu vàng chói.
Ảnh minh họa.
Họ nhặt lên xem thì ra đó chính là vàng khối. Rất mừng rỡ, họ lượm mỗi người một túi rồi vội vã đemvề nhà. Từ đó, họ tậu được ruộng nương, trâu bò và trở nên giàu có.
Láng giêng có một tên phú hộ thấy vợ chồng anh nông dân bỗng chốc trở nên sung sướng, lấy làm thèm khát bèn lân la hỏi chuyện. Vốn tính thật thà, vợ chồng anh nông dân kể lại đầu đuôi, không giấu giếm điều gì. Nghe xong, tênphú hộ hí hửng ra về.
Sau khi nhỏ to bàn bạc với vợ, hắn đến hỏi mua đám rẫy và sai người nhà trỉa ngô ngay. Chẳng mấy chốc ngô đã trổ cờ, ra bắp. Hai vợ chồng hắn cũng lên rẫy, cũng bẻ bắp nướng và luộc ăn rồi vờ lăn ra ngủ.
Lát sau, bầy khi đến rất đông, chúng thấy hai người nằm im, tưởng họ đã chết lại xúm nhau khiêng đi chôn. Chúng chuyển tay vợ chồng tên phú hộ từ cành này qua cành khác, qua nhiều mỏm núi cao, suối sâu.
Đang lưng chừng suối, chúng dừng lại hỏi nhau nên chôn chỗ nào. Khỉ đầu đàn bảo:
– Nên chôn ở núi bạc, vì đôi vợ chồng trước đã chôn ở núi vàng.
Vợ tên phú hộ nghe vậy, không kìm được máu tham bật kêu lên :
– Chôn núi vàng thôi, đừng chôn núi bạc!
Bầy khi nghe tiếng người, hốt hoắng buông tay, vợ chồng tên phú hộ rơi tõm xuống vực. Bầy khỉ hè nhau chạy trốn.
Của trời, trời lại lấy đi
Ngày xưa có một người nghèo khổ quá. Ngày ngày ông ra bãi biển cố sức mò cua bắt ốc để lấy miếng ăn, nhưng không bao giờ đủ. Thấy người ta sung sướng giàu có, ông ao ước được như họ.
Luôn luôn ông cầu Trời khấn Phật xin cho đỡ khổ một tí, dù có bị giảm tuổi thọ đi bao nhiêu cũng được. Ông cầu khấn như thế trong ba năm liền. Tuy không thấy thân phận khá hơn chút nào nhưng ông vẫn kêu xin không mỏi.
Một hôm, trong khi đào cua ở một cái hang, ông bỗng bắt được một thỏi gì vuông vuông nằng nặng và sáng chói. Vừa lạ vừa mừng, ông mang về hỏi hàng xóm. Người hàng xóm cho biết đó là vàng. Mừng quá ông lại cố công đào tìm thêm nữa. Kết quả được cả thảy mười thỏi vàng. Ông hết lời cảm tạ Trời Phật. Ông định giấu kĩ rồi đưa về quê tậu ruộng làm nhà và lấy một người vợ.
Không ngờ người hàng xóm không giữ kín miệng, nên tin đồn được vàng lan đi rất nhanh. Một tên trọc phú ở gần đó vừa nghe thế, vội tìm đến làm quen. Hắn dùng những lời đường mật gạ đổi ruộng đất của hắn để lấy vàng. Thấy ông chưa có vợ, hắn gả em gái cho.
Nghe bùi tai ông vui lòng kết thân với hắn. Từ đó, ông làm ăn ngày một khấm khá: có vợ đẹp, có ruộng cày, có nhà cửa, cuộc sống rất dễ chịu. Nhưng do mưu mô xảo quyệt của tên trọc phú, cuối cùng mười thỏi vàng về tay hắn cả.
Tuy vậy, tên trọc phú nuốt số vàng không trôi. Tin đồn “một người bắt cua được vàng” bay nhanh đến tai mọi người, và đến tai một viên quan huyện. Nghe nói vàng về tay một tên trọc phú, viên quan huyện không kìm được lòng ham muốn. Hắn gọi lão trọc phú đến tư thất và gạ chia cho mình một nửa.
Nhưng gã trọc phú đời nào lại chịu mất không như thế. Viên quan đành giận để bụng. Nhân bắt được một đám cướp lộn, hắn bèn bảo chúng khai vu cho tên trọc phú và do đó hắn ép y vào tội “thông phỉ”.
Trọc phú bị kìm kẹp đánh đập rất khổ cực, đành phải nhả của ra để mua lấy sự yên thân. Cuối cùng không những 10 thỏi vàng nọ lọt vào tay viên quan huyện mà nhiều tiền gạo khác của hắn cũng đội nón ra đi để đấm mõm bọn hương lý, bọn sai nha…
Lại nói chuyện viên quan huyện chỉ dùng một mẹo nhỏ mà chiếm được số vàng lớn thì mừng quá. Hắn sai con cùng với một người lão bộc bí mật đem số vàng đó về quê để tậu thêm ruộng đất.
Ảnh minh họa.
Nhưng đứa con của hắn là một tay có máu me cờ bạc. Trong khi đi thuyền, thấy có canh bạc to, hắn định đem một số ít vàng của bố để mong “dậy hóa”. Mặc dầu người lão bộc can gián hết lời, hắn vẫn không nghe. Quả nhiên chỉ trong một đêm hắn thua hết cả chẳng còn một đồng dính túi.
Thế là bao nhiêu vàng của viên quan huyện tự nhiên lọt vào tay một lão lái buôn. Nhờ ngón cờ gian bạc lận, lão lái buôn và một tên đồng bọn đã vét sạch bàn, và qua ngày hôm sau hai người hí hửng mang số tiền chiếm được một cách dễ dàng, trong đó có 10 thỏi vàng của con quan huyện về nhà, mặc kệ kẻ mất của kêu trời khóc đất.
Không ngờ hôm đấy có bốn tên ăn cướp đang lảng vảng ở khu rừng gần đấy. Thấy có hai người bộ hành mang tay nải nặng đi qua, chúng bèn đuổi theo không rời một bước. Khi hai con mồi đến chỗ vắng, chúng nhảy xổ ra giết chết và cướp lấy tay nải.
Nhìn thấy những thỏi vàng sáng chóe, chúng mừng rú lên, vội chia nhau, cứ hai đứa năm thỏi, còn số tiền lẻ bạc vụn thì giao cho hai đứa trong số bốn đứa, đi mua rượu thịt về đánh chén một bữa.
Lại nói chuyện hai tên cướp được cử đi chợ tự nhiên sinh lòng tham, muốn chiếm lấy tất cả số vàng để chia nhau mỗi đứa năm thỏi, chả cần phải cắt phải chặt, cân đi lường lại mất công.
Chúng bỗng nảy ra một kế là mua thuốc độc bỏ vào rượu cho hai tên kia uống. Thế là hai đứa vào chợ ăn uống no say, đoạn mua bún lòng và rượu có pha thuốc độc mang về.
Trong khi đó thì hai đứa ở nhà cũng bàn mưu tính kế để độc chiếm số vàng. Cuối cùng chúng quyết định chờ cho hai tên kia về đến nơi, bất thình lình mỗi đứa cầm dao hạ thủ một tên. Và rồi chúng làm y như lời chúng đã bàn.
Vừa đi chợ về đến nơi, hai đứa kia đã bị mỗi đứa một nhát dao vào lưng ngã vật ra. Xong việc, hai tên còn lại mới giở rượu thịt ra đánh chén. Nhưng chỉ một lát, sau khi rượu ngấm, chúng cũng vật vã và nằm chết luôn bên cạnh.
Mười thỏi vàng bỗng trở nên vô chủ. Nhưng chỉ nội ngày hôm đó, một người khách thương tình cờ đi qua chỗ nọ đã nhanh tay chiếm lấy làm của mình.
Được món của lớn bên cạnh những xác chết, hắn vội vã tìm về thuyền, và mặc dầu chưa cất được hết hàng, hắn đã sai nhổ neo vượt vội để tránh mọi lôi thôi xảy đến.
Thuyền đi ra biển đến ngày thứ hai thì tự nhiên có một cơn bão nổi lên rất dữ dội. Cột buồm bị gãy và thân thuyền bị sóng đánh vỡ làm nhiều mảnh. Tất cả mọi thứ đều chìm xuống đáy biển hoặc lọt vào bụng cá.
Duy chỉ có một số người ôm được ván và nhờ sóng đánh dạt vào đất liền. Trong số đó có cả người khách thương. Khi được người dân địa phương cứu cho hồi tỉnh, hắn chép miệng than thở:
– Của trời, trời lại lấy đi,
Giương đôi mắt ếch làm chi được trời.
Tham thì thâm
Ngày xưa có một ông vua cùng quan tể tướng vi hành ra ngoài thành chơi. Qua một chiếc cầu, hai người gặp một ông lão bộ dạng thảm thương, lại mù cả hai mắt, chìa tay xin tiền. Thương tình, vua đặt vào tay ông lão một đồng tiền vàng và toan rảo bước đi ngay nhưng lão ăn mày đã nắm chặt tay nhà vua vua và bảo:
– Xin ngài tát cho tôi một cái vào má rồi hãy đi.
Nhà vua không thể chiều theo ý muốn kì quái của ông lão, toan bỏ đi thì lão đã đưa cả hai tay nắm riết lấy áo ngài, cầu khẩn:
– Xin ngài hãy thương tôi mà tát cho tôi một cái. Nếu ngài biết tội lỗi của tôi, dám chắc rằng ngài sẽ cho cái hình phạt này đối với tôi hãy còn là rất nhẹ.
Chẳng muốn mất thì giờ, nhà vua đành phải tát vào má ông lão. Bấy giờ, ông lão mới chịu bỏ tay ra, cảm ơn rối rít.
Đi mấy bước, vua bảo tể tướng:
– Ta đoán ông già mù kia có nỗi khổ tâm gì đây. Vậy ngươi hãy quay lại, dặn lão đến trưa mai vào cung hầu chuyện ta.
Trưa hôm sau, ông lão mù được tể tướng dẫn vào chầu vua. Vua phán:
– Ngươi hãy nói cho ta biết tại sao ngươi lại xin ăn kì khôi như vậy.
Ông lão không dám trái lệnh vua, bèn kể:
– Tâu bệ hạ, thảo dân vốn là một nhà buôn giàu có, chủ nhân của một đoàn lạc đà chở hàng hóa có tới chín mươi con.
Một hôm, sau khi bán hàng trở về, thảo dân bỗng gặp một đạo sĩ. Nhân tiện tới bữa, thảo dân mời đạo sĩ cùng ăn. Chúng thảo dân nói hết chuyện gần xa lại nói tới chuyện làm giàu. Đạo sĩ bảo ông ta biết một nơi có vô vàn của cải, dùng chín mươi con lạc đà của thảo dân vị tất đã khuân được một phần nhỏ.
Cái tin này làm cho thảo nhân vô cùng ngạc nhiên, vui sướng. Thảo dân bảo đạo sĩ rằng: “Ngài hãy mách cho tôi biết nơi đó rồi tôi sẽ làm quà cho ngài một con lạc đà của tôi”.
Ảnh minh họa.
Một con lạc đà để trả cái ơn to như thế thì quả là quá ít. Nhưng khốn nỗi, lúc ấy lòng tham tự nhiên nổi lên khiến thảo dân không còn biết thế nào là phải trái nữa.
Đạo sĩ muốn được nửa số lạc đà và của cải. Ông ta bảo chỉ một con lạc đà chất đầy báu vật của ông cũng đủ mua cả triệu con lạc đà này. Tuy biết rằng đạo sĩ làm vậy là phải nhưng cái ý nghĩ có một người thứ hai cũng giàu bằng mình khiến thảo dân khổ tâm vô cùng. Nhưng cuối cùng thì thảo dân cũng đành phải ưng theo đạo sĩ.
Chúng thần đi đến một nơi vô cùng hiểm trở. Tới một ngọn núi cao nhất, đạo sĩ dừng lại, lấy đá châm lửa đốt rồi làm lầm rầm khấn vái. Tức thì một đám khói đen cuồn cuộn bốc lên.
Đạo sĩ gạt đám khói, tự nhiên bức tường núi đá mở toang ra. Phía trong hiện lên một tòa lâu đài vô cùng tráng lệ, vàng bạc, châu báu xếp cao chất ngất từ dưới đất lên đến tận trần. Chúng thần nhặt đầy ắp các bao tải, chất lặc lè lên lưng chính mươi con lạc đà.
Trước khi đi đóng cửa lâu đâì, thảo dân để ý thấy đạo sĩ nhặt một chiếc hộp con rồi bỏ ngay cái hộp vào trong túi.
Sau đó, chúng thần chia nhau lạc đà rồi mỗi người đi một ngả.
Đi được mấy bước, tự nhiên lòng tham nổi lên xâm chiếm lòng thảo dân. Thảo dân nghĩ đạo sĩ cần gì bốn mươi nhăm con lạc đà với của cải chất trên lưng chúng. Ông ta là chủ khi báu kia mà. Nghĩ vậy, thảo dân chạy theo đạo sĩ, lớn tiếng gọi. Đạo sĩ dừng lại. Thảo dân đến gần ông ta, bảo: “Ngài phải chăm 45 con lạc đà sẽ vô cùng cực nhọc. Chi bằng ngài hãy nhường lại 15 con cho tôi.”
Đạo sĩ đáp: “Bác nói có lí đấy! Vậy bác cứ lấy thêm 15 con nữa đi”.
Thảo dân không ngờ đạo sĩ dễ tính như vậy nên lại ngọt ngào bảo: “Đạo sĩ hãy bớt cho tôi 10 con lạc đà nữa đi. Đấy là tôi thành thực khuyên ngài, đừng tưởng tôi tham lam nhá!”
Nghe nói, đạo sĩ lại bằng lòng. Không biết xấu hổ, thảo dân lại cất lời cầu xin thêm 10 con lạc đà nữa. Đạo sĩ lại tươi cười đồng ý. Thảo dân sung sướng quá, bá lấy cổ ông ta hôn lấy hôn để: “Đạo sĩ sẽ làm cho tôi vui mừng khôn tả nếu ngài cho nốt tôi 10 con lạc đà còn lại kia”.
Không lưỡng lự, đạo sĩ lại bằng lòng. Rồi ông ta dịu dàng bảo: “Tôi vui lòng biếu bác tất cả số lạc đà của tôi. Nhưng bác hãy nhớ ông Trời có thể ban cho ta sự giàu có, cũng có thể làm ta khánh kiệt. Vậy bác nên tiêu đồng tiền cho phải lẽ và phải luôn cứu giúp những người nghèo khó.
Lúc bây giờ thảo dân đâu còn để tai đến những lời khuyên quý hóa đó. Thảo dân còn đương tính cách làm thế nào để chiếm nốt được cái hộp mà đạo sĩ lấy được ban nãy. Thế là, trước khi đạo sĩ lên đường, thảo dân lại dịu dàng nói: “Đạo sĩ ơi! Ngài hãy cho tôi nốt cái hộp nhỏ đi!!”.
Lần này, đạo sĩ nhất định từ chối. Thảo dân ngạc nhiên: mấy lần trước ông ta đều cho dễ dàng như thế cơ mà! Vậy thì chắc chắn là cái hộp chứa một bí mật kì lạ. Thảo dân định bụng nếu xin lần nữa mà không được thì thảo dân sẽ dùng võ lực lấy cho kì được cái hộp mới thôi. May mắn thay, đạo sĩ lại bằng lòng đưa nốt cho thảo dân cái hộp.
Thảo dân mở nắp hộp ra, thấy trong hộp chỉ chứa một thứ thuốc bột. Đạo sĩ bảo: “Thứ thuốc bột này nếu bôi vào mắt trái sẽ làm cho ta trông thấy tất cả vàng bạc, châu báu quý giá giấu trong lòng đất, nhưng nếu bôi vào mắt phải thì lập tức sẽ mù ngay”.
Thảo dân bèn nhờ đạo sĩ bôi thử thức thuốc bột kì lạ đó. Đạo sĩ lấy tay miết thuốc lên mi mắt thảo dân. Thuốc vừa ngấm, thảo dân đã nhìn tới tận trung tâm trái đất: Chao ôi, kim cương, vàng bạc châu báu sáng lóa, nhiều vô kể. Muốn nhìn thấy nhiều vàng bạc hơn, thảo dân lại đòi đạo sĩ bôi thuốc vào mắt bên phải cho thảo dân.
Đạo sĩ nhất định không làm theo ý thảo dân. Càng thấy đạo sĩ từ chối, thảo dân càng nài nỉ. Thảo dân thề với đạo sĩ dù thế nào cũng không oán trách ông.
Đạo sĩ ngăn thế nào cũng không được, đành miết thuốc bột lên mi mắt phải của thảo dân. Thuốc vừa ngấm, hai mắt thảo dân bỗng dưng không nhìn thấy gì nữa. Tất cả là một màn đêm đen kịt. Thảo dân rối rít cầu xin đạo sĩ cứu vớt thảo dân đã quá dại không nghe lời ông.
Đạo sĩ đáp: “Bác đã để cho lòng tham lam mờ ám lương tâm. Ta không có thuốc nào chữa cho bác khỏi mù. Thôi, bác hãy cầu xin Thượng đế, may người có thương tình chăng. Còn của cải thì bây giờ ta sẽ đem cho người khác xứng đáng hơn”.
Cả ngày hôm đó, thảo dân lang thang đờ đãn, khổ sở quá chừng. Mãi đến tối, thảo dân mới gặp được một đoàn người ngựa. Họ thương tình sắt thảo dân trở về.
Than ôi! Con đương ở một địa vị tột bậc giàu sang bỗng dưng mù lòa, lại phải ngửa tay xin ăn. Thảo dân tự đặt ra cho mình một hình phạt: bất cứ ai cho thảo dân tiền, thảo dân cũng xin người ấy tát thảo dân một cái.
Ông lão mù nói xong, đức vua phán:
– Tội ngươi tuy to thật nhưng ngươi đã biết hối lỗi, tự đặt ra hình phạt cho mình. Thôi từ nay ngươi đừng làm thế nữa. Ta thương nhà ngươi già nua tuổi tác còn phải ăn xin, vậy ta sẽ ban cho ngươi 50 lạng vàng.
Ông lão ăn xin vội quỳ rạp xuống cảm ơn, tung hô vạn tuế, rồi hớn hở theo tên lính hầu ra về cùng với số tiền vua ban.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Những câu chuyện cổ tích dạy bé bài học về lòng tham, biết hài lòng những gì đang có.