Cơ thể của trẻ nhỏ rất mỏng manh, cha mẹ nào cũng cố gắng bảo vệ con khỏi các tác động từ môi trường nhất có thể. Vì vậy, khi thời tiết trở lạnh, nhiều cha mẹ rất lo lắng về việc con mình không chịu mang tất. Họ than phiền rằng, cứ mỗi khi xỏ tất vào là trẻ không chịu mang, cứ nằng nặc đòi cởi ra. Một câu hỏi được nhiều bà mẹ thắc mắc, đó là liệu không mang tất có khiến trẻ bị ốm không?
Gần đây, trên trang Sohu, một chuyên gia giáo dục trẻ nhỏ đã kể lại một câu chuyện liên quan với vấn đề này.
Một hôm nọ, khi cô ghé sang nhà người thân để thăm cô cháu gái thì thấy cô cháu gái vừa mới hơn 1 tuổi từ từ đứng dậy vừa đi tất vừa lần ghế từng bước chập chững chạy đến bên cô. Tuy nhiên, do đôi tất quá dày và vứng víu nên trong quá trình đứng cháu đã vô tình dẫm phải chân còn lại khiến cô bé bị ngã. Cú ngã có vẻ không đau nhưng vì giật mình và sợ nên cô bé òa khóc.
Nghe con khóc, người bà vội chạy đến bế cháu gái lên, để cháu nằm trên vai, vừa vỗ về vừa lay người. Khi đó, vị chuyên gia này mới hỏi người bà sao không cởi tất cho cháu, bà mới nói rằng: “Bé đi chân trần rất dễ cảm lạnh”.
Người xưa thường có quan niệm rằng, "lạnh bắt đầu từ lòng bàn chân". (Ảnh minh họa)
Người xưa thường có quan niệm rằng, "lạnh bắt đầu từ lòng bàn chân". Quan niệm này bắt nguồn từ người già, vì họ cảm thấy lạnh ở chân trước nên nghĩ rằng trẻ con cũng sẽ như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế, sự thật không phải như vậy. Tay và chân của trẻ dễ lạnh là do đây là 2 cơ quan xa tim nhất của cơ thể nên dễ bị lạnh hơn so với các bộ phận khác. Vì vậy, nhìn chung, nhiệt độ bàn chân thấp hơn nhiệt độ trong nhà là điều bình thường, đặc biệt khi nhiệt độ trong nhà thấp thì sự tương phản càng rõ ràng.
Để nhận biết khi nào con lạnh và cần đi tất, cha mẹ nên xem xét nhiệt độ ở sau gáy con. Nếu cổ ấm, không có mồ hôi hoặc chỉ có mồ hôi nhẹ, đây là nhiệt độ tốt nhất cho trẻ, không cần thêm bớt quần áo hay tất.
Tay và chân của trẻ dễ lạnh là do đây là 2 cơ quan xa tim nhất của cơ thể nên dễ bị lạnh hơn so với các bộ phận khác. (Ảnh minh họa)
Trên thực tế, việc đi giày dép quá nhiều, xuyên suốt từ khi biết đi cho đến hết tuổi thơ của trẻ có thể gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe với đôi bàn chân khi trưởng thành. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc đi những đôi giày không thích hợp còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của vòm bàn chân. Và một số trường hợp đi giày dép quá sớm cũng dạy trẻ bước đi sai cách.
Trẻ em đi chân đất có lợi gì?
1. Thúc đẩy phát triển xúc giác
Ai cũng biết da là cơ quan xúc giác quan trọng nhất. Tương tự, da ở bàn chân cần được kích thích xúc giác.
Trên bàn chân cũng có nhiều dây thần kinh ngoại biên để truyền tín hiệu, nếu không được tiếp xúc nhiều và phát triển tốt thì khi tập đi trẻ dễ bị ngã hơn người bình thường, do chưa nhận được tín hiệu nên trẻ không biết đi hay giữ thăng bằng như thế nào.
2. Giúp trẻ hình thành tư thế đi đứng tốt
Cách tốt nhất để trẻ tập đi là tập đi trên chân trần. Bởi vì khi không có sự gò bó của giày và tất, trẻ sẽ dễ tiếp nhận phản hồi từ mặt đất hơn, có thể cảm nhận được mình đang lên dốc hay xuống dốc và sẽ tự điều chỉnh tư thế đi của mình một cách vô thức.
Một khi đi tất hoặc đi giày mà phần tiếp xúc với mặt đất bị cản trở, trẻ cần nhìn xuống đường để phán đoán. Nếu mọi việc cứ tiếp diễn như vậy, trẻ sẽ hình thành thói quen đi cúi đầu.
3. Tạo bàn chân hình vòm
Khi trẻ đi chân đất, cơ bắp và dây chằng ở chân được vận động đầy đủ, sự phát triển của vòm bàn chân sẽ tốt hơn. Bàn chân hình vòm có rất nhiều lợi ích, nó có thể tạo bước đệm cho việc chạy, nhảy, đi. Ngoài ra, nó còn phân tán lực, tăng cường độ bám vào mặt đất khi di chuyển, giúp trẻ bước đi vững vàng, chắc chắn hơn.
Những lưu ý khi đi chân trần
Việc cho trẻ đi chân trần rất quan trọng. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau khi trẻ đi chân trần.
1. Kiểm tra mặt bằng trước
Trước khi cho con đi chân trần, cha mẹ cần kiểm tra kỹ xem mặt đất có an toàn không, đặc biệt có vật nhọn nào như đinh nhỏ, đá vỡ,... có thể vô tình gây tổn thương đến chân con hoặc trẻ có thể vô tình ngậm vào miệng hay không.
2. Thường xuyên rửa chân cho bé
Sau khi trẻ đã bò hoặc đi được một thời gian, cha mẹ nên rửa chân cho con kịp thời để tránh trẻ đưa chân lên ngậm mút.
Cha mẹ nên giữ cho chân con sạch sẽ. (Ảnh minh họa)
3. Tốt nhất nên giới hạn khu vực cho con
Cha mẹ nên giới hạn một khu vực để con đi đứng, chơi đùa. Cha mẹ có thể đặt một số đồ chơi an toàn, không độc hại bằng các chất liệu khác nhau để trẻ đi chân trần khám phá. Điều này nhằm tránh việc trẻ em trèo quá nhanh, trong khi cha mẹ không chú ý nên trèo vào những khu vực nguy hiểm như nhà bếp.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng cho các bé mới tập đi, nếu trẻ đã bắt đầu biết đi, cha mẹ nên để trẻ tự do khám phá, miễn là trẻ không có khả năng chạm vào các vật nguy hiểm.
Trẻ em phải đi tất trong những trường hợp nào?
- Trẻ sơ sinh và trẻ sinh non không nên để chân trần
Chức năng điều chỉnh nhiệt của trẻ sơ sinh và trẻ sinh non chưa phát triển hoàn thiện, khả năng tự sinh nhiệt còn kém, tản nhiệt tương đối nhanh nên cha mẹ cần chú ý giữ ấm.
- Không đi chân trần khi sàn nhà lạnh
Trong nhiều phòng máy lạnh, hoặc nền nhà lạnh, cha mẹ không nên để cho trẻ đi chân đất. Nhiệt độ sàn gỗ cao hơn sàn gạch men, nếu trẻ muốn chơi đùa hoặc đi chân đất, chỉ nên để trẻ chơi trên sàn gỗ.
- Không đi chân đất khi trẻ bị cảm lạnh hoặc mới ốm dậy
Nếu trẻ bị hắt hơi, sổ mũi hoặc mới khỏi bệnh trong vòng 1 hoặc 2 tuần, nên cho trẻ đi tất hoặc mang dép trong nhà.
- Không đi chân đất khi môi trường ẩm ướt
Trong môi trường ẩm ướt và lạnh, chẳng hạn như mùa mưa, cố gắng không để trẻ chạy nhảy bằng chân đất.
Trong nhiều phòng máy lạnh, hoặc nền nhà lạnh, cha mẹ không nên để cho trẻ đi chân đất. (Ảnh minh họa)
Những lưu ý khi chọn tất cho trẻ
- Chọn những đôi tất phù hợp
Không nên chọn tất quá to hoặc quá nhỏ cho trẻ, tất quá to sẽ khiến trẻ đi lại bất tiện, dễ bị ngã, dễ ảnh hưởng đến tư thế đi đúng của trẻ, còn tất quá nhỏ sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của chân trẻ.
- Chọn tất chất lượng tốt
Cha mẹ nên chú ý chọn loại tất có độ thoáng khí tốt, chất lượng tốt và cẩn thận cắt bỏ các đầu chỉ để tránh làm chân bé bị thương.