Nuôi con thì dễ nhưng dạy con thì khó, và đó là cả một hành trình dài chưa bao giờ dễ dàng cả. Đến bây giờ khi đã trở thành mẹ 2 con, tôi vẫn tự cảm thấy bản thân thiếu sót nhiều lắm trong vấn đề giáo dục con chu toàn, đặc biệt là vừa mới đây, một câu chuyện đã xảy ra với gia đình tôi khiến tôi càng phải xem xét lại cách dạy con của mình.
Tết đang đến gần, nhà nhà đều gấp rút giải quyết công việc để đón một cái Tết Nguyên Đán trọn vẹn bên gia đình, dĩ nhiên tôi cũng không ngoại lệ. Mặc dù kể từ khi sinh cô con gái thứ hai, tôi có sự hỗ trợ của một chị giúp việc nhưng cuối năm việc quá nhiều, tôi thực sự không dư dả quỹ thời gian nào để chăm sóc cho tụi nhỏ.
Cũng may trước đó tôi có trao đổi với giúp việc về lịch nghỉ Tết, và cả hai đã thống nhất với nhau. Những ngày này, con gái 3 tuổi và cậu con trai 10 tuổi đều do một tay chị giúp việc lo cơm nước, vui chơi. Tối đến vợ chồng tôi tan làm thì cũng tranh thủ về với các con.
Ảnh minh hoạ.
Khoảng thời gian đầu mọi việc vẫn diễn ra suôn sẻ, cho đến sáng ngày hôm qua, chị giúp việc bỗng "quay xe" xin tôi được nghỉ Tết sớm hơn dự tính để về với gia đình. Dĩ nhiên tôi không đồng ý, bởi chúng tôi đã thoả thuận từ trước, nếu cho chị ấy nghỉ bây giờ thì tôi biết phải xoay sở làm sao.
Mặc dù bị tôi từ chối, nhưng chị giúp việc vẫn lét lút dọn vali về quê khiến tôi vô cùng tức giận. Tôi không hiểu, liệu có việc gì quá quan trọng ở quê cần chị ấy phải về giải quyết chăng, thế nên chị mới kiên quyết "trốn" về mà không thèm báo với tôi lời nào. Dù gì chị ấy cũng là người làm thuê cơ mà!
Giữa lúc băn khoăn, tôi thực sự sốc đến suýt ngất khi nghe cậu con trai kể câu chuyện về chị giúp việc. Cũng nhờ đó mà tôi hiểu được lý do vì sao chị ta lại hành xử như vậy. Theo lời của thằng bé nhà tôi, trước đó vài ngày trong lúc giúp việc ở nhà với tụi nhỏ thì cô ta đã than với con trai tôi rằng, bản thân không có tiền mua đề Tết cho con. Tiền lương đã chữa bệnh cho ông bà nên hết sạch. Giờ không có tiền mua sắm Tết nên cảm thấy rất có lỗi với con.
Nghe giúp việc chia sẻ hoàn cảnh đáng thương như thế, con trai tôi đã không do dự chạy vào phòng lấy ra "con heo đất" mà mình đã dành dụm một năm nay đưa cho giúp việc. Thằng bé có cách hành xử này là bởi vì vợ chồng tôi luôn dạy các con phải biết giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, số tiền tiết kiệm trong con heo thực sự không nhỏ, tôi nhớ đâu đó cũng tầm gần 20 triệu.
Ảnh minh hoạ.
Lợi dụng sự non nớt, thiếu nhận thức và tính cách thương người của con trai tôi để thực hiện hành vi xấu này. Tôi chắn chắn sẽ không bỏ qua cho chị và sẽ giải quyết câu chuyện một cách rõ ràng, đúng đắn.
Sau vụ việc, tôi cũng đã dành thời gian ngồi lại với con trai để giáo dục, hướng dẫn và cung cấp cho con những kiến thức về khái niệm lòng tốt. Dĩ nhiên tôi vẫn sẽ dành lời khen cho đứa trẻ, bởi con đã có một suy nghĩ đẹp khi biết chia sẻ, cảm thông đối với hoàn cảnh khó khăn của người khác xung quanh mình. Chỉ là vì còn nhỏ nên con chưa biết làm thế nào để phân biệt chuyện tốt, chuyện xấu và độ thật giả của câu chuyện mà con được nghe họ kể.
Ngoài dạy con hiểu về lòng tốt, tôi cũng sẽ giáo dục đứa trẻ về cách ứng xử với bảo mẫu hoặc giúp việc trong gia đình, để con biết giao tiếp, tương tác với họ một cách đúng đắn, phù hợp nhất. Hơn thế nữa, rút kinh nghiệm từ vụ việc lần này và để tránh tình huống tương tự xảy ra thì tôi cũng đã dặn dò các con của mình về vấn đề hãy thảo luận, hoặc hỏi ý kiến của bố mẹ nếu như các con có bất kỳ điều gì khúc mắc, hay trước khi đưa ra những quyết định quan trọng.
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Giáo dục về lòng tốt, lòng nhân ái, biết sẻ chia và giúp đỡ mọi người xung quanh khi họ gặp khó khăn là bài học đạo đức ý nghĩa mà bố mẹ nào cũng nên dạy cho con sớm. Tuy nhiên, trẻ cần được bố mẹ hướng dẫn để biết rằng, lòng tốt chỉ nên được sử dụng đúng hoàn cảnh và đúng người thì mới mang lại giá trị tích cực.
Để giúp trẻ biết sử dụng lòng tốt một cách đúng đắn và tránh bị người khác lợi dụng, bố mẹ có thể áp dụng những cách sau đây:
Đầu tiên, hãy làm gương tốt cho con bằng cách thể hiện lòng tốt và đạo đức trong hành động hàng ngày của mình. Trẻ thường học hỏi và bắt chước hành vi của bố mẹ, vì vậy hãy là hình mẫu tốt cho con.
Thứ hai, dành thời gian để giáo dục cho con về giá trị và đạo đức. Hãy giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của lòng tử tế, lòng nhân ái, sự tôn trọng và tình yêu thương. Nói với con về những hành vi tốt và tại sao chúng mang lại những giá trị tích cực.
Thứ ba, giúp con phát triển khả năng phân biệt giữa cái tốt và cái xấu. Dạy con những cách nhận biết, dấu hiệu của người có mục đích lợi dụng và cung cấp cho trẻ kỹ năng để tự bảo vệ mình.
Thứ tư, khuyến khích sự tự tin và năng lực tự đưa quyết định của con. Hãy giúp trẻ nhận ra và từ chối những tình huống mà con cảm thấy không đúng hoặc có dấu hiệu đang bị lợi dụng.
Thứ năm, bố mẹ giúp con phát triển kỹ năng xã hội, dạy con cách thiết lập và duy trì các mối quan hệ lành mạnh.
Cuối cùng, hãy tạo ra một môi trường an toàn và cởi mở, nơi con có thể thoải mái, tin tưởng để thảo luận và chia sẻ những trải nghiệm của mình với bố mẹ. Quan trọng là người lớn cần lắng nghe con và đồng hành cùng con trong việc hiểu, hay đối mặt với những tình huống tiêu cực ở vấn đề này.
Bố mẹ cần nhớ rằng, việc dạy con về lòng tốt và cách sử dụng nó đúng cách là một quá trình dài và liên tục, đòi hỏi bố mẹ phải kiên nhẫn và đồng hành cùng con trong việc phát triển những giá trị tốt đẹp, tích cực trong cuộc sống. Từ đó góp phần vào quá trình hình thành, rèn luyện nhân cách lành mạnh của trẻ.