Nghén là tên gọi chung của tình trạng khó chịu hay thay đổi đặc biệt thường gặp ở phụ nữ mang thai giai đoạn đầu thai kỳ. Nghén rất phổ biến và cũng rất đa dạng. Có những mẹ bầu cảm thấy buồn nôn, không ăn uống được gì và cũng có những mẹ bầu ăn uống tốt hơn hoặc thèm ăn một món đặc biệt. Không chỉ vậy, không ít mẹ bầu còn phàn nàn về tình trạng "nghén ngủ" khiến họ lúc nào cũng thèm ngủ và có thể ngủ 10-12 tiếng/ngày. Vậy vì sao lại có tình trạng "nghén ngủ" và "nghén ngủ" có ảnh hưởng gì đến em bé không?
Vì sao bà bầu bị "nghén ngủ"?
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với bà bầu và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, trong thời kỳ mang thai nhiều bà bầu hay buồn ngủ, ngủ nhiều hơn so với bình thường. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do cơ thể của bà bầu sẽ tự động tiết ra hormone progesterone giúp cho cơ thể được điều hòa khi có sự thay đổi lớn. Ngoài ra, khi mang thai, bà bầu phải chịu nhiều sức ép đặc biệt là các cơ quan như tim, thận hay các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể cũng hoạt động mạnh mẽ. Do đó, bà bầu rất dễ bị buồn ngủ và mệt mỏi.
Nhiều mẹ bầu phàn nàn về tình trạng luôn thèm ngủ, đặc biệt là vào ban ngày. (Ảnh minh họa)
Thông thường bà bầu buồn ngủ nhiều 3 tháng đầu là còn gọi là nghén ngủ, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng và thời gian nghén sẽ khác nhau ở mỗi người. Đây là giai đoạn mà hormone và nội tiết tố trong cơ thể của bà bầu thay đổi nhanh chóng.
Bên cạnh đó, ngoài những thay đổi về nội tiết tố và sinh lý, mẹ bầu buồn ngủ cũng có thể liên quan đến việc thường xuyên cảm thấy buồn tiểu và phải thức dậy đi vệ sinh vào ban đêm, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Hệ quả là ban ngày các mẹ sẽ càng buồn ngủ và cảm thấy không còn sức lực để làm việc.
Nghén ngủ có ảnh hưởng gì đến sức khỏe và thai nhi không?
Một nghiên cứu phát hiện ra rằng những phụ nữ ngủ ít hơn 6 tiếng vào ban đêm có thời gian chuyển dạ lâu hơn và có nguy cơ sinh mổ cao gấp 4 - 5 lần. Hơn nữa, họ phát hiện ra rằng những phụ nữ bị gián đoạn giấc ngủ nghiêm trọng có thời gian chuyển dạ lâu hơn và có nguy cơ phải mổ lấy thai cao gấp 5,2 lần. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là mẹ bầu bị nghén ngủ nhiều sẽ tốt cho sức khỏe, thực tế cho thấy khi ngủ nhiều trong thời gian mang thai sẽ ảnh hưởng đến một vài yếu tố như:
Mẹ bầu nằm nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. (Ảnh minh họa)
- Ngủ nhiều khiến cho cơ thể mẹ phải nằm yên một chỗ, việc thiếu vận động dễ dẫn đến tình trạng cứng cơ, cứng khớp. Cơ thể mẹ sẽ không còn linh hoạt, tinh thần giảm sút, kém minh mẫn.
- Tăng nguy cơ mắc chứng thuyên tắc mạch phổi bởi vì nằm lâu sẽ tạo điều kiện cho khối máu ở tĩnh mạch dưới chân di chuyển lên tĩnh mạch phổi và có thể gây tắc nghẽn.
- Lười vận động còn là nguyên nhân làm gia tăng mức đường huyết gây tiểu đường thai kỳ.
- Ngoài ra, quá trình vượt cạn của mẹ sẽ kéo dài hơn và khó khăn hơn do không đủ sức khỏe cũng như sức chịu đựng những cơn đau khi sinh thường.
Đương nhiên những vấn đề trên chỉ là nguy cơ và xảy ra ở số ít mẹ bầu. Để hạn chế các ảnh hưởng đến sức khỏe, mẹ bầu bị nghén ngủ nên đảm bảo giấc ngủ dài, ngủ sâu. Khi tỉnh táo cần chịu khó vận động, tập thể dục nhẹ nhàng.
Làm thế nào để khắc phục tình trạng nghén ngủ khi mang thai?
Nhiều mẹ bầu cho rằng khi bị nghén ngủ thường không có tâm trạng để làm bất cứ việc gì mà chỉ mong muốn có không gian để ngủ. Điều này ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của mẹ bầu. Để hạn chế tình trạng nghén ngủ, mẹ có thể áp dụng một vài biện pháp như:
Bà bầu cần chú ý vận động để dù "nghén ngủ" cơ thể vẫn không bị chây ì, thiếu sức sống. (Ảnh minh họa)
- Uống các loại nước như trà gừng, nước chanh muối. Đồng thời, các mẹ đừng quên thủ sẵn một số đồ ăn vặt dễ ăn, tốt cho mẹ bầu. Việc vận động cơ miệng sẽ giúp đầu óc mẹ dễ tỉnh táo hơn.
- Thời gian nghỉ ngơi hợp lý: Ngủ đủ 8 tiếng vào đêm và thêm 30 phút ngủ trưa mỗi ngày cung cấp đủ năng lượng cho bà bầu, giúp tăng sự tỉnh táo và tránh mất ngủ về đêm.
- Thực hiện các bài thể dục, thể thao nhẹ: Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga...vừa giúp các mẹ bầu thư giãn, vừa tăng cường sức khỏe cho mẹ và thai nhi.
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp: Thiếu ngủ, mệt mỏi có thể do cơ thể bà bầu không được cung cấp đủ các vitamin và chất khoáng cần thiết. Do đó các mẹ bầu nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng của mình và nên bổ sung thêm các loại vitamin tổng hợp để giúp các mẹ khỏe mạnh hơn.