Đau bụng âm ỉ kèm rối loạn tiêu hóa, mẹ Hà Nội không ngờ mang thai tại... trực tràng

Chị H. đi khám phát hiện khối dọc mạn sườn phải đường kính 10cm nghi nằm sát đại tràng ngang, beta HCG = 415 UI/L nên bác sĩ chỉ định nhập viện nhưng chị không đồng ý.

Mang thai ngoài tử cung không phải là tình trạng hiếm gặp, nhưng trong trường hợp này đa số thai nằm ở vòi trứng, buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng,… Tuy nhiên, mới đây bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thông tin về một trường hợp hy hữu mang thai tại... đại tràng. 

Bệnh nhân tên V.T.H (32 tuổi, Hà Nội) xuất hiện đau bụng mạn sườn phải âm ỉ kèm rối loạn tiêu hóa. Sau đó, chị H đi khám phát hiện khối dọc mạn sườn phải đường kính 10cm nghi nằm sát đại tràng ngang, beta HCG = 415 UI/L. Chị có chỉ định nhập viện nhưng không đồng ý. Nữ bệnh nhân này về và đi nội soi đại trực tràng nhưng cũng không phát hiện bất thường.

Đau bụng âm ỉ kèm rối loạn tiêu hóa, mẹ Hà Nội không ngờ mang thai tại... trực tràng - 1

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật khối thai phát triển trên đại tràng cho bệnh nhân.

Song tình trạng đau bụng âm ỉ vẫn không đỡ, lúc này bệnh nhân mới vào viện. Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ khoa Phụ sản nhận định đây là trường hợp thai ngoài tử cung và nghi ngờ khối thai nằm tại vị trí đại tràng ngang trong ổ bụng.

Theo các bác sĩ, đây là trường hợp rất hy hữu, chửa ở vị trí này dễ dẫn đến các gai rau ăn vào thành đại tràng ngang, có thể phải cắt đoạn đại tràng. Do đó, chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ thấy khối chửa ngoài tử cung đường kính 10 cm nằm trên thành đại tràng ngang được mạc nối lớn bọc lại. Ekip đã cố gắng bóc tách và cắt khối chửa ngoài tử cung mà không làm tổn thương tới đại tràng.

Đau bụng âm ỉ kèm rối loạn tiêu hóa, mẹ Hà Nội không ngờ mang thai tại... trực tràng - 3

Thông thường trứng sau khi thụ tinh sẽ làm tổ ở tử cung, nếu nó phát triển ở nơi khác thì được gọi là mang thai ngoài tử cung. (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà - Chủ nhiệm Khoa Phụ sản (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho hay, thai ngoài tử cung là cấp cứu thường gặp của sản khoa nhưng chửa trong ổ bụng là tình trạng rất hiếm gặp, chưa đến 0,5 % trong các trường hợp chửa ngoài tử cung. Điều này gây ra các biến chứng nặng nề do các gai rau ăn sâu vào các tạng, mạch máu trong ổ bụng, làm chảy máu ồ ạt.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu phụ nữ có tình trạng ra máu âm đạo, đau bụng, chậm kinh trong thời gian dài cần đến viện khám ngay. Các tình trạng rối loạn tiêu hóa như đại tiện nhiều lần, hoặc đau bụng thúc xuống hậu môn, buồn đại tiện, có thể liên quan đến cấp cứu sản phụ khoa.

Những đối tượng có nguy cơ mang thai ngoài tử cung

Nếu không được xử lý kịp thời, mang thai ngoài tử cung có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ. Vậy những đối tượng nào có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này? 

- Người bị bệnh viêm nhiễm: Phụ nữ bị viêm nhiễm vòi trứng là đối tượng có khả năng cao nhất mang thai ngoài tử cung. Ngoài ra, người phụ nữ không thường xuyên vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ cũng có nguy cơ gặp tình trạng này.

- Người từng nạo phá thai: Sau khi phá thai, người phụ nữ có thể gặp phải một số biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, thủng cổ tử cung hoặc băng huyết,… Đây có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

- Người bị tắc hẹp vòi trứng: Nếu vòi trứng bị tắc hẹp, trứng sau thụ tinh có thể bị mắc kẹt ở vòi trứng, bắt buộc nó phải gắn vào đây để phát triển.

- Phụ nữ lớn tuổi: Tỷ lệ mang thai ngoài tử cung thường cao hơn ở phụ nữ trên 35 tuổi.

- Người hay tiếp xúc với khói thuốc lá: Phụ nữ thường xuyên sử dụng hoặc hít khói thuốc lá thì nguy cơ mang thai ngoài tử cung là khá cao. Bởi trong thuốc lá có chứa nicotin, chất này gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của vòi trứng. Sau một thời gian, vòi trứng cử động khó khăn hơn khiến trứng sau thụ tinh rất khó di chuyển qua bộ phận này để đến tử cung. 

Cô gái trẻ Quảng Ninh giấu bố mẹ tự mang thai, đẻ con gái lai quá mãn nguyện
Theo Minh An (Ảnh: BVCC) (Thời báo văn học nghệ thuật)