Ngày 15/9/2022, gia đình bé gái 6 tuổi tại xã Tiền Phong (Quế Phong, Nghệ An) đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng huyện. Trong đơn này, gia đình tố cáo ông P.H. (70 tuổi), bảo vệ trường học mầm non, xâm hại tình dục khiến bé gái này có bầu.
Cụ thể, thấy con gái có nhiều biểu hiện bất thường, người nhà đưa đi khám và phát hiện bé gái đã mang thai hơn một tháng.
Khi gặng hỏi con gái mọi chuyện, cô bé này đã cho biết mình bị bảo vệ trường học mầm non gần nhà là ông P.H. (70 tuổi) xâm hại.
Hình ảnh siêu âm thai của bé gái học lớp 6 bị xâm hại dẫn tới có bầu.
Hàng ngày, do nhà gần trường, bé gái thường sang trường chơi những lúc được nghỉ học và đã bị ông P.H xâm hại. Hiện các cơ quan chức năng huyện Quế Phong đã bắt khẩn cấp nhân viên bảo vệ trên.
Đây không phải là trường hợp trẻ vị thành niên bị xâm hại tình dục đầu tiên mà trước đó đã có nhiều bé bị xâm hại tình dục, bị bóc lột tình dục, trong khi bản thân chưa biết cách tự bảo vệ.
Mang bầu tuổi vị thành niên: Nhiều biến chứng nặng nề phải đối mặt
Khi đối diện với trường hợp trẻ vị thành niên mang thai, việc quyết định tiếp tục cho trẻ mang thai hay chấm dứt thai kỳ là một quyết định khá quan trọng và rất khó khăn. Vì vậy, cần có sự tư vấn của nhân viên y tế và ý kiến của phụ huynh, người thân trong gia đình. Tuy nhiên dù quyết định theo hướng nào, việc mang bầu tuổi vị thành niên cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ và biến chứng nặng nề, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và khủng hoảng tâm lý ở trẻ.
Cụ thể, Ths. BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, bé gái 6 tuổi bị xâm hại do cơ thể các em gái chưa hoàn thiện nên khi mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của chính bản thân và thai nhi trong bụng. Còn nếu nạo phá thai dễ dẫn đến nguy cơ thủng dạ con, dính tử cung gây vô sinh sau này.
Nhiều bé gái còn rất nhỏ tuổi đã phải làm mẹ vì bị xâm hại tình dục (Ảnh minh họa)
BS Dương Kim Ngân, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau thì cho rằng, mang thai ở tuổi vị thành niên dễ dẫn đến các biến chứng do thai nghén như: Dễ bị sảy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ. Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong của trẻ sơ sinh ở người mẹ nhỏ tuổi cao hơn nhiều so với các bà mẹ ở tuổi trưởng thành.
Ngoài ra, mang thai ở tuổi này còn dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có cả HIV/AIDS. Làm mẹ sớm dễ bị căng thẳng, khủng hoảng tâm lý, tổn thương tình cảm và thiếu điều kiện tốt trong cuộc sống.
Các bác sĩ sản phụ khoa cũng khuyên, các bậc phụ huynh cần để mắt đến con mình nhiều hơn, trang bị cho con những kiến thức cần thiết về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính… để tránh những sai lầm đáng tiếc xảy ra.
Độ tuổi nào mang thai là tốt nhất?
Độ tuổi mang thai thích hợp của phụ nữ là khi họ đã sẵn sàng về mặt thể chất, tinh thần, tài chính và xã hội để chuẩn bị cho trách nhiệm làm mẹ. Độ tuổi lý tưởng để mang thai ở mỗi phụ nữ sẽ khác nhau, nhưng hầu hết các cuộc khảo sát đều cho thấy độ tuổi tốt nhất nên mang thai từ 20 đến 35 tuổi.
Tuổi 20 là lúc cơ thể phụ nữ dễ thụ thai nhất. Theo bác sĩ sản phụ khoa Christine Greves, công tác tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Palmer Winnie ở Orlando (Mỹ), tuổi đôi mươi mang thai ít có khả năng phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ hoặc tiền sản giật. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy mang thai ở tuổi 20 giảm nguy cơ ung thư vú và buồng trứng sau này trong đời.
Khi mang thai ở tuổi 30, phụ nữ có thể có nhiều lợi thế về sức khỏe như mang thai độ tuổi 20. Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe cần quan tâm nhất khi mang thai ở độ tuổi này là huyết áp cao và tiểu đường.
Tỷ lệ sẩy thai khi thai phụ trong độ tuổi 40 tăng lên 51%. Độ tuổi này, thai phụ có thể bị cao huyết áp, tiền sản giật hoặc đái tháo đường. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ 40 tuổi trở lên thường có vấn đề về thụ thai. Thai phụ sinh con ở độ tuổi này, nguy cơ thai nhi gặp những bất thường về nhiễm sắc thể, bị rối loạn di truyền... tăng cao.