Có một điểm đặc biệt có lẽ nhiều người không biết, đó là phần lớn hoa cẩm tú cầu đều mang màu trắng. Nhưng tùy thuộc vào độ pH của đất mà hoa có màu xanh lam, hồng, tím,... Hoa nở thành những bông to tròn như quả cầu, mang vể đẹp thanh tao, quyến rũ khiến nhiều người say đắm.
Nếu trồng hoa cẩm tú cầu ngoài sân, được chứng kiến cây phát triển từng ngày sẽ còn đẹp hơn nữa. Tuy nhiên khi nói đến việc trồng hoa cẩm tú cầu, nhiều người lại lắc đầu và thẳng tay cho chúng vào “danh sách đen”.
Tại sao lại như vậy? Hóa ra là vì 4 lý do này.
1. Khả năng chịu lạnh quá kém
Hoa cẩm tú cầu là loại cây ưa khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Cây sẽ phát triển tốt trong khoảng nhiệt độ từ 18-22 độ C.
Ở vùng khí hậu lạnh, sự phát triển của hoa cẩm tú cầu bị hạn chế và chúng dễ bị hư hại ở nhiệt độ thấp. Đặc biệt vào mùa đông lạnh giá, hoa cẩm tú cầu dễ bị tổn thương do sương giá, khiến cây chậm phát triển, hoa héo và vẻ đẹp tổng thể bị ảnh hưởng rất nhiều.
Để đảm bảo hoa cẩm tú cầu phát triển tốt, cần thực hiện thêm các biện pháp làm ấm trong mùa lạnh, chẳng hạn như di chuyển chúng vào trong nhà. Với một số người trồng hoa chưa có kinh nghiệm thì đây có thể là một thao tác tương đối rườm rà, dễ dẫn đến việc chăm sóc kém và ảnh hưởng đến sức đề kháng của cây.
2. Nhu cầu về độ ẩm quá cao
Hoa cẩm tú cầu thích môi trường ẩm ướt và có nhu cầu nước tương đối cao. Điều này khiến hoa cẩm tú cầu cần tưới nước thường xuyên trong mùa sinh trưởng để giữ ẩm cho đất. Tuy nhiên, người làm vườn thường mắc phải hiểu lầm là tưới quá nhiều nước sẽ gây ứ đọng nước, làm cho đất quá ẩm khiến cây bị thối rễ.
Mặt khác, nếu lượng nước cung cấp không đủ trong mùa sinh trưởng, lá cẩm tú cầu dễ bị vàng và hoa héo. Đối với một số người yêu hoa bận rộn, rất có thể hoa cẩm tú cầu sẽ héo do không được chăm sóc tốt.
3. Lá dễ khô
Lá cẩm tú cầu tương đối mỏng và dễ bị khô. Ở vùng khí hậu khô, lá cẩm tú cầu dễ bị vàng, quăn, thậm chí rụng trong trường hợp nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến giá trị làm cảnh của cây mà còn đe dọa đến sự phát triển của hoa cẩm tú cầu.
Để giải quyết vấn đề này, người yêu hoa cần duy trì độ ẩm thích hợp, có thể phun nước thường xuyên qua bình xịt hoặc sử dụng máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm không khí xung quanh. Tuy nhiên, những biện pháp bảo dưỡng này có thể khiến việc trồng hoa trở nên khó khăn hơn đối với một số người yêu hoa vì họ có ít thời gian.
Ngoài ra, nên trồng cẩm tú cầu ở nơi có ánh sáng tán xạ, tuyệt đối không trồng ở nơi có nhiều ánh nắng trực tiếp chiếu vào, nếu không lá sẽ bị khô, cháy lá.
4. Nụ hoa dễ rụng
Nụ hoa cẩm tú cầu dễ rụng là một trong những vấn đề thường gặp. Có hai nguyên nhân chính khiến nụ hoa rụng, một là do nhiệt độ thay đổi lớn, hai là do bảo dưỡng không đúng cách.
Sự thay đổi nhiệt độ sẽ gây áp lực cho cây, khiến nụ hoa bị rụng. Để ngăn chặn vấn đề này, những người yêu hoa cần chọn môi trường trồng phù hợp và cố gắng tránh di chuyển hoa cẩm tú cầu quá nhiều, đặc biệt là tới những nơi có sự chênh lệch nhiệt độ cao. Ngoài ra, biện pháp bón phân và chăm sóc hợp lý cũng là chìa khóa giúp cây không bị rụng nụ hoa.
Những người chưa từng trồng hoa cẩm tú cầu luôn cho rằng đây là loài hoa đáng mua. Nhưng một khi mua về, bạn sẽ hối hận, thậm chí còn trực tiếp ném hoa cẩm tú cầu ra đường, suy cho cùng thì 4 vấn đề này của hoa cẩm tú cầu đều khá khó giải quyết chứ đừng nói đến việc khiến nó nở hoa thuận lợi.
Tuy nhiên nếu bạn là người yêu hoa, kiên nhẫn chăm sóc chúng thì rất có thể bạn sẽ trồng được cẩm tú cầu, có hoa đẹp để ngắm.