Hoa nhài là loài hoa được nhiều người yêu thích. Hoa có màu trắng, tuy không to, nhìn không rực rỡ nhưng rất dịu dàng. Hoa còn mang hương thơm, có thể giúp giải tỏa mệt mỏi. Thời gian ra hoa rất dài nên bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó suốt mùa hè.
Tuy nhiên, khi nói đến việc trồng một chậu hoa nhài trong nhà, nhiều người lại xua tay lắc đầu từ chối. Tại sao vậy? Đây là 4 lý do.
1. Cây có sâu bệnh
Chỉ cần duy trì môi trường thông thoáng thì khả năng kháng bệnh của hoa nhài vẫn rất tốt. Tuy nhiên, một số người lại đặt chậu hoa nhài trong nhà hoặc sau khi tưới nước không đảm bảo môi trường thông gió khiến lượng nước thừa khó bay hơi. Nếu không được phát hiện và giải quyết kịp thời, lá sẽ khô héo và chuyển sang màu vàng, chẳng đẹp chút nào.
Ngoài ra, đây cũng là điều kiện tốt để sâu bệnh hại phát triển. Một số bệnh hại thường gặp ở hoa nhài là bệnh thán thư, đốm lá, bồ hóng, héo rũ trắng gốc. Sâu hại chủ yếu có nhện đỏ và sâu cuốn lá. Trong quá trình chăm sóc, cần chú trọng đến việc phòng sâu bệnh.
Nếu cây mắc sâu bệnh, cần phải phun xịt thuốc để chữa trị kịp thời, nếu không cây sinh trưởng kém đi, thậm chí là chết cây. Nhưng nếu trồng hoa nhài trong nhà hoặc ban công, khi phun thuốc sâu có thể ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
2. Hương thơm nồng nàn
Có người thích mùi thơm của hoa nhài, cảm thấy nó mùi tươi mát, tao nhã và rất dễ chịu. Nhưng cũng có người lại ghét mùi hương của nó. Bởi nếu bạn đặt hoa nhài trong phòng ngủ, sau khi hoa nở rộ, hương thơm sẽ rất nồng. Con người dễ cảm thấy choáng váng, nhức đầu khi ngửi lâu.
Nếu không thích ngửi mùi thơm của hoa nhài lâu thì bạn có thể thử đặt nó ở ban công thoáng gió. Như vậy khi hoa nở, mùi thơm của hoa sẽ không quá nồng.
3. Hoa nhài không chịu được lạnh
Hoa nhài không sợ nóng hay ánh nắng, càng nhận được nhiều ánh sáng thì cây càng phát triển khỏe mạnh, hoa nở rộ. Nhưng loài hoa này đặc biệt sợ lạnh, khả năng chống lạnh của nó rất kém.
Nếu nhiệt độ giảm nhẹ, tốc độ sinh trưởng sẽ chậm lại rất nhiều, khi nhiệt độ xuống dưới 5 độ C thì hoa nhài sẽ bị chết cóng. Đây là lý do khiến nhiều chậu hoa nhài khó sống sót qua mùa đông.
3. Lá hoa nhài dễ bị vàng
Bón phân quá nhiều sẽ làm lá của hoa nhài bị vàng, tưới quá nhiều hoặc quá ít cũng sẽ khiến lá bị vàng, và khi cây bị thối rễ thì lá cũng sẽ chuyển sang màu vàng. Một khi lá chuyển sang màu vàng, sự phát triển cây sẽ ngày càng kém đi, do đó mất đi giá trị làm cảnh mà lẽ ra nó phải có.
4. Hoa nhài sẽ nở ngày càng thưa thớt
Hoa nhài là cây thân gỗ sống lâu năm, nếu được chăm sóc tốt hoa sẽ nở rộ cả trăm bông một lúc. Tuy nhiên, sau một thời gian chăm sóc, hoa nhài sẽ nở ngày càng thưa thớt, thậm chí có thể không nở hoa.
Nhưng, nếu nắm bắt được những vấn đề này, có thể hoa nhài cũng không quá khó trồng như bạn nghĩ.
Đầu tiên chọn loại đất hơi chua, tơi xốp, thoáng khí, có đủ hàm lượng dinh dưỡng để trồng, sau đó có thể bón thêm một lượng nhỏ phân hữu cơ đã phân hủy. Khi nụ hoa đang phát triển, phun dung dịch phân kali dihydro photphat lên trên lá để nụ hoa đầy đặn và khỏe mạnh hơn.
Ngoài việc kiểm soát nước vào mùa đông, nên tưới nước thường xuyên vào các mùa khác để đảm bảo đất ẩm. Tốt nhất nên bổ sung nước khi bề mặt đất khô.
Thông thường, nên trồng hoa nhài ở nơi nhiều nắng và thoáng gió. Khi nhiệt độ hạ thấp, nên chuyển chúng đến nơi ấm áp để chăm sóc. Ngoài ra, hoa nhài phải được cắt tỉa kịp thời để cắt bỏ nhiều cành thừa, cành sâu bệnh, cành khẳng khiu, để đảm bảo hình dáng cây đẹp và thúc đẩy sự phát triển của cành mới, từ đó hoa nhài mới nở nhiều, nở đẹp được.