Thời tiết ngày càng mát mẻ và đây là thời điểm thuận lợi để trồng hoa, vì vậy nhiều bạn yêu hoa đã bắt đầu tìm mua những loại cây, hoa yêu thích để trồng. Tuy nhiên, các loại cây khác nhau sẽ có những yêu cầu về kích thước chậu khác nhau, chứ không phải loại cây nào cũng có thể trồng trong chậu to.
Bởi lẽ với những loại cây sợ úng nước, nếu trồng trong chậu to thì nước thấm vào đất sâu hơn, lâu khô hơn, từ đó có thể dẫn đến hiện tượng thối rễ. Thêm nữa là chậu hoa quá lớn, cây dễ tập trung phát triển bộ rễ thay vì cành lá, thậm chí còn ảnh hưởng đến việc ra hoa.
1. Hoa sứ
Là loài cây có nguồn gốc từ những vùng sa mạc khô cằn nên hoa sứ có đặc trưng là sợ úng, chịu hạn tốt. Nó có thể sống trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt mà vẫn nở hoa được. Vì vậy, đừng nhìn vẻ ngoài mập mạp của nó mà bạn chọn trồng trong chậu lớn. Thay vào đó, bạn nên trồng hoa sứ trong chậu nhỏ, vừa đủ để trồng cây.
Đồng thời, đất trồng phải tơi xốp, thoáng khí và giàu chất dinh dưỡng. Trong thời gian bảo dưỡng bạn không cần phải tưới quá nhiều nước, chỉ cần tưới 1-2 lần/tháng là được. Trong thời gian sinh trưởng, bạn nên bón phân loãng và đặt cây ở nơi có nhiều ánh sáng.
2. Cành vàng lá ngọc
Loại cây này có lá dày, mọng nước, màu xanh đậm và sáng bóng. Thông thường sau vài năm trồng cây mới ra hoa, cây càng già càng dễ nở hoa hơn.
Theo các chuyên gia, không nên trồng cành vàng lá ngọc trong chậu quá lớn để tránh hiện tượng bị đọng nước và thối rễ. Ngay cả khi cây phát triển bình thường thì cây cũng không sinh trưởng tốt, dễ ra hoa như trồng trong chậu nhỏ. Vì vậy muốn cây nhanh ra hoa, lá sáng bóng thì bạn nên trồng trong chậu nhỏ, đồng thời để cây tiếp nhận nhiều ánh sáng.
3. Lan quân tử
Nhiều người nói lan quân tử không dễ trồng và chăm sóc, vì nó rất dễ bị thối rễ và vàng lá. Thực tế, lan quân tử có bộ rễ mọng nước, bạn chỉ cần trồng cây trong chậu nhỏ, đất tơi xốp thoáng khí thì sẽ thấy loại cây này không hề khó nuôi đâu.
Trong thời kỳ sinh trưởng, bạn nên bón thêm phân loãng và tưới nước mỗi tháng 1-2 lần cho cây. Hoặc, bạn có thể vùi một ít phân hữu cơ đã lên men và hoai mục vào chậu đất, việc này sẽ giúp cây phát triển mạnh mẽ hơn.
4. Cây kim ngân
Loại cây này có tán lá rất đẹp, lá xanh tươi quanh năm, rất thích hợp để đặt trong nhà hoặc trên bàn làm việc. Cây kim ngân tuy có vẻ ngoài đẹp nhưng cũng là loại cây rất dễ bị thối rễ, vàng lá. Hơn nữa, thân cây tuy to, tán lá sum suê nhưng bộ rễ của nó lại không phát triển mấy, bộ rễ rất mảnh.
Do đó khi trồng trong chậu, bạn nên chọn chậu có kích thước nhỏ vừa đủ để trồng cây, không nên chọn chậu to quá. Đất trồng nên chọn loại tơi xốp và thoáng khí, có khả năng thẩm thấu tốt. Có như vậy thì sau khi tưới đất không bị đọng nước và giữ ẩm lâu, tránh xảy ra hiện tượng thối rễ. Trong quá trình bảo dưỡng hàng ngày, bạn không nên tưới nước quá thường xuyên, phải đợi đất chậu khô rồi mới tưới.
5. Cây lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ chịu hạn nắng tốt, cành lá sum suê, lá cao thẳng, có giá trị làm cảnh cao. Tuy nhiên, đừng nhìn cây lưỡi hổ lá cao, thẳng và rộng mà trồng nó trong chậu lớn. Bởi lẽ, bộ rễ của nó không phát triển mạnh, ngoại trừ rễ chính thì chỉ có một số rễ phụ yếu nên rất sợ tích nước vì lo thối rễ.
Cho nên, khi trồng cây lưỡi hổ bạn không nên dùng chậu lớn hoặc chậu quá sâu. Hãy dùng chậu nhỏ, cây sẽ phát triển tốt hơn nhiều.
6. Hoa trường sinh
Đây là loài hoa mọng nước, lá dày, có nhiều màu sắc và thời gian ra hoa kéo dài. Thời kỳ ra hoa chính của cây là vào mùa đông và mùa xuân, nhưng cũng có thể nở vào các thời điểm khác trong năm.
Tuy nhiên nếu muốn giữ hoa trường sinh nở lâu hơn, bạn cần chú ý không nên trồng chúng trong chậu lớn, thay vào đó nên trồng trong chậu nhỏ, như vậy cây sẽ không bị thối rễ, dễ nở hoa hơn. Ngoài mùa hè nhiệt độ cao, khi chăm hoa trường sinh cần chú ý tưới nước cho cây khi thấy đất khô, phơi nắng nhiều, bón thêm phân lân và kali thì mới cây có thể liên tục trổ hoa.