Hoa hồng là một trong những loài hoa được nhiều người yêu thích bởi nó nhiều chủng loại, màu sắc, mang vẻ đẹp dịu dàng quyến rũ và hương thơm ngọt ngào làm say lòng người. Hoa hồng có thể trồng trong chậu hoặc trồng hồng leo tạo thành vòm cổng hoặc bức tường hoa sẽ càng rực rỡ hơn.
Tuy nhiên, nhiều người lại đưa hoa hồng vào “danh sách đen” vì 4 lý do sau:
1. Hoa hồng dễ bị sâu bệnh tấn công
Những người trồng hoa hồng đều biết, loài hoa này dễ gặp phải các vấn đề như đốm đen, phấn trắng, rệp,… khiến cả hoa, lá, cành không phát triển tốt, làm mất đi vẻ đẹp vốn có của cây.
Để giải quyết vấn đề này, trước tiên bạn cần giữ môi trường sống của hoa hồng sạch sẽ. Cụ thể là phải cắt tỉa thường xuyên, loại bỏ lá rụng và làm cỏ dại kịp thời để giảm nguy cơ sâu bệnh sinh sản.
Ngoài ra, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh thường xuyên là việc làm gần như không thể thiếu. Nếu trồng ngoài vườn thì không ảnh hưởng mấy, nhưng nếu trồng hoa hồng ở ban công thì thuốc trừ sâu và sâu bệnh gây hại có thể bò vào nhà, gây ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Nếu vẫn muốn trồng hoa hồng, bạn nên chọn những giống có sức đề kháng mạnh mẽ, ít sâu bệnh.
2. Lá dễ chuyển sang màu vàng
Nếu lá hoa hồng thường xuyên chuyển sang màu vàng thì có thể là do đất không đủ chất dinh dưỡng hoặc đất quá ẩm. Thiếu chất dinh dưỡng sẽ khiến cây không thể phát triển bình thường, lá mất màu xanh tự nhiên và chuyển sang màu vàng. Trong khi đó, đất ẩm dễ gây thối rễ, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cây và gây mất cân bằng dinh dưỡng.
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể thực hiện một loạt biện pháp. Đầu tiên, chọn đất trồng giàu chất hữu cơ và bón phân hợp lý trong thời gian cây phát triển.
Thứ hai, kiểm soát lượng nước tưới hợp lý, tránh đất quá ướt để đảm bảo bộ rễ hoa hồng phát triển khỏe mạnh. Chỉ khi chăm sóc hoa hồng một cách khoa học mới có thể ngăn ngừa được hiện tượng vàng lá.
3. Rễ dễ bị thối
Với thực vật, hệ thống rễ rất quan trọng đối với sự phát triển của cây. Rễ của hoa hồng cũng rất dễ bị thối nếu đất quá ẩm. Khi đất ẩm ướt trong một thời gian dài, rễ cây sẽ không thể hấp thụ oxy bình thường, từ đó gây ra vấn đề thối rễ.
Để tránh tình trạng thối rễ, chúng ta cần kiểm soát lượng nước tưới hợp lý và đảm bảo đất có thể thoát nước kịp thời. Ngoài ra, hãy tạo môi trường xung quanh hoa hồng có độ thông gió và thoáng khí tốt.
Với những cây hoa hồng trồng trong chậu, nên chọn chậu có lỗ thoát nước dưới đáy. Đất trồng cần phải tơi xốp, thoáng khí và thoát nước tốt, đồng thời nên thay đất thay chậu 1-2 năm/lần để tránh đất bị nén chặt, gây ra tình trạng đọng nước, dẫn dến thối rễ.
4. Nụ hoa dễ rụng
Nhiều người trồng hoa hồng đã gặp phải tình trạng nụ hoa bị rụng trong quá trình sinh trưởng, khiến những người yêu hoa đang mong mỏi ngày hoa nở rộ bị thất vọng. Điều này có thể là do biến đổi khí hậu, môi trường bảo dưỡng không phù hợp hoặc do sự can thiệp từ bên ngoài.
Để giảm tình trạng rụng nụ hoa, chúng ta nên duy trì môi trường ổn định trong thời kỳ sinh trưởng của hoa hồng để tránh những biến động lớn về nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố khác. Việc bón phân hợp lý và cắt tỉa vừa phải cũng có thể giúp cải thiện sức đề kháng của cây và giảm tình trạng rụng nụ hoa.
Nhìn chung, hoa hồng tuy đẹp và quyến rũ nhưng trước khi quyết định trồng hay không, bạn nên đánh giá thêm cả những khuyết điểm của nó. Nếu mê vẻ đẹp của nó và muốn trồng, tốt hơn hết bạn nên chọn những giống có sức đề kháng cao, ít sâu bệnh và phải nắm chắc phương pháp bảo dưỡng. Chỉ cần bạn chăm sóc tốt, hoa hồng nhất định sẽ phát triển khỏe mạnh, nở hoa quanh năm.