Cây sen cạn còn được gọi là hạn hà thảo, hà diệp liên,… và tên khoa học là Tropaeolum majus L.. Cây dài khoảng 20 - 25cm, lá giống lá sen nên được gọi là cây sen cạn.
Hoa có 5 cánh, mọc ở nách lá với nhiều màu sắc sặc sỡ như hồng, đỏ, cam, vàng, trắng,… Đáng nói, hoa nở quanh năm. Sen cạn còn được chia làm 2 loại dựa vào đặc điểm thân sen đó là thân gỗ hoặc thân thảo.
Trong phong thủy, cây sen cạn được biết đến là biểu tượng của sự thành công từ những cố gắng không ngừng nghỉ, vượt qua mọi gian khó. Vì thế nhiều người cho rằng trồng cây sen cạn trong nhà có thể mang đến may mắn, bình an cho gia chủ, giúp họ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, từ đó sự nghiệp sẽ hanh thông, thuận buồm xuôi gió.
Trong Đông y, từ hoa đến lá sen cạn đều có thể dùng để làm thuốc. Nó có tính mát, vị cay nhẹ, hơi chua, có khả năng trị ho, cầm máu, thanh nhiệt, giải độc, điều kinh, nhuận trường, lợi tiểu,… Tuy nhiên, người có tiền sử hoặc đang mắc viêm lét dạ dày nên cẩn trọng khi sử dụng hoa sen cạn.
Không những vậy, hoa và lá sen cạn có thể dùng làm rau ăn kèm, salad hoặc nấu súp, hầm cùng khoai tây,… Nụ hoa và quả có vị gần giống với cải xoong thường được dùng ngâm giấm để làm gia vị.
Cách trồng và chăm sóc cây sen cạn
Cây sen cạn rất dễ trồng, bạn có thể gieo hạt vào mùa xuân, mùa thu hoặc mùa đông. Để hạt giống sớm nảy mầm, bạn nên ngâm hạt trong nước ấm khoảng 2 tiếng trước khi gieo hạt. Có thể gieo hạt trên đất dinh dưỡng thông thường hoặc đất than bùn, lớp đất phủ lên hạt dày khoảng 2 cm. Sau đó, hãy tưới nước thật kỹ và đặt ở nơi có ánh sáng loạn thị, giữ ẩm cho đất thì sau vài ngày hạt sẽ nảy mầm.
Khi hạt sen cạn đã nảy mầm, hãy đưa cây ra nơi có ánh sáng đầy đủ để cây phát triển tốt. Sau khi lá thật mọc lên, có thể bón phân loãng cho cây. Khi cây sen cạn có 4 - 6 lá thật, hãy chuyển cây sang chậu hoa để chăm sóc.
Mặc dù loại hoa này khá dễ trồng và chăm sóc, nhưng muốn cây phát triển khỏe mạnh thì bạn nên chú ý tới những điểm sau:
- Đủ ánh sáng: Nên trồng cây sen cạn tại những nơi thoáng mát, không quá nắng gắt, có bóng râm nhưng vẫn phải đáp ứng đủ điều kiện ánh sáng cần thiết cho cây phát triển.
- Tưới đủ nước: Cây sen cạn chịu được khô hạn nên khi nào thấy đất khô hẵng tưới nước cho cây, hoặc tưới nước 2-3 lần/tuần. Ngoài ra, có thể phun nước lên lá cây vào mùa khô.
- Bón phân: Trong giai đoạn sinh trưởng, cần bón phân thường xuyên để duy trì đủ chất dinh dưỡng cho cây sen cạn. Khoảng 2-3 tuần/lần, bạn có thể bón phân hữu cơ pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:10 cho cây. Khi cây ra hoa, nên bón phân lân và kali cho đến hết thời kỳ ra hoa.
Ngoài ra, khi trồng cây sen cạn trong chậu, bạn cần xới đất thường xuyên để tránh đất bị nén chặt, điều này sẽ không có lợi cho sự phát triển của bộ rễ. Sen cạn là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng vẫn có khả năng nhiễm bệnh do côn trùng, cho nên hãy chú ý quan sát quá trình phát triển của cây để kịp thời can thiệp.