Bồn cầu là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình. Chỉ là trên thị trường hiện có rất nhiều loại bồn cầu.
Để thuận tiện, nhiều người chạy theo xu hướng lắp đặt bồn cầu thông minh vì tin rằng những loại bồn cầu như vậy rất thiết thực và có thể nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đúng là bồn cầu thông minh có những ưu điểm nhất định, có nhiều chức năng và mang lại rất nhiều tiện ích. Cụ thể như, nó khiến nhà vệ sinh trở nên cao cấp hơn, có thể kết hợp hoàn hảo với nhiều phong cách trang trí khác nhau.
Nó cũng không còn chỉ là một chiếc bồn cầu đơn giản mà là một sản phẩm công nghệ cao tích hợp nhiều chức năng thiết thực. Ví dụ như nó có tính năng tự rửa sạch chất bẩn cho người dùng sau mỗi lần sử dụng, tự xả sạch chất bẩn, tính năng sưởi ấm,… giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn.
Ngoài ra, bồn cầu thông minh cũng hợp vệ sinh hơn do nó được trang bị chức năng xả tự động, khử mùi, sấy khô,… từ đó có thể làm sạch bồn cầu một cách hiệu quả, đồng thời làm giảm sự phát triển và lây lan của vi khuẩn. Hơn nữa, một số bồn cầu thông minh còn được trang bị thiết bị khử trùng bằng tia cực tím, có thể khử trùng bên trong bồn cầu, đảm bảo môi trường sạch sẽ, vệ sinh.
Tuy nhiên, sau 3 năm sử dụng bồn cầu thông minh, tôi đã chuyển về dùng bồn cầu thông thường. Nguyên nhân là do bồn cầu thông minh tuy có nhiều ưu điểm nhưng cũng có những nhược điểm sau đây:
1. Chi phí tiền điện lớn
Bồn cầu thông minh được tích hợp rất nhiều tính năng tiên tiến trong cùng một sản phẩm, do đó, lượng điện năng mà thiết bị này tiêu tốn không hề nhỏ.
Một chiếc bồn công thông minh thường có công suất từ 950W - 1500W. Vì vậy, mỗi tháng gia đình sẽ phải chi trả ít nhất 700 số điện nếu thiết bị này hoạt động 24/7. Lượng điện năng tiêu thụ lớn khiến hóa đơn tiền điện tăng cao, làm tăng gánh nặng tài chính cho gia đình.
2. Việc lắp đặt và bảo trì bồn cầu thông minh phức tạp, tốn kém
Do cấu trúc bên trong phức tạp, bao gồm các linh kiện điện tử và hệ thống nước phức tạp nên việc lắp đặt bồn cầu thông minh cần có nhân viên chuyên nghiệp. Nếu không, các vấn đề như rò rỉ nước và hỏng mạch có thể xảy ra do lắp đặt không đúng cách.
Hơn nữa, một khi xảy ra lỗi trong quá trình sử dụng, việc sửa chữa không hề dễ dàng và cần có kỹ thuật viên chuyên nghiệp. Các thiết bị, phụ tùng dành riêng cho bồn cầu thông minh cũng là đồ được thiết kế riêng, vì thế không phải lúc nào người dùng cũng dễ dàng tìm thấy những vật dụng mình muốn để thay thế cho thiết bị của mình.
Trong nhiều trường hợp, bạn phải chấp nhận chờ một thời gian để tìm được phụ tùng phù hợp để sửa chữa bồn cầu thông minh. Điều này không chỉ tốn thời gian mà còn có thể bạn phải chịu chi phí bảo trì cao.
3. Bồn cầu thông minh có những yêu cầu nhất định về áp lực điện, nước
Nếu nguồn điện ở khu vực của bạn không ổn định hoặc áp lực nước không đủ có thể ảnh hưởng đến việc hoạt động bình thường của bồn cầu thông minh.
Ví dụ như khi nguồn điện yếu, hệ thống sưởi, xả nước và các chức năng khác của bồn cầu thông minh có thể không hoạt động bình thường. Khi áp lực nước quá thấp, hiệu quả xả nước sẽ giảm đi rất nhiều và không thể đạt được hiệu quả làm sạch lý tưởng.
4. Mất nhiều thời gian để người cao tuổi, trẻ nhỏ thích nghi
Bảng điều khiển của bồn cầu thông minh có thể không thân thiện với người già và trẻ em.
Các nút bấm và cài đặt chức năng phức tạp có thể gây nhầm lẫn và khó thao tác đối với những người không quen sử dụng các thiết bị điện tử.
Họ có thể không tận dụng được các chức năng mà bồn cầu thông minh nên có do hoạt động sai, thậm chí có thể gây ra những rắc rối không đáng có.
Ngoài ra, bồn cầu thông minh có giá thành cao, gấp 5 đến 20 lần so với một chiếc bồn cầu thông thường. Vì vậy trước khi quyết định lắp đặt bồn cầu thông minh, bạn nên suy xét cẩn trọng.