Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người thích trồng cây lựu trong sân vườn nhà, ban công hoặc sân thượng. Vì nó không chỉ là loại cây ăn quả thông thường mà còn có giá trị làm cảnh cao. Trồng một cây trong nhà sẽ khiến không gian sống cao cấp, sang trọng và ấm cúng hơn.
Sở dĩ như vậy vì cây lựu có kích thước trung bình, dáng đẹp, thân gỗ và đơn sơ, có thể dùng làm cây trồng trong chậu và trồng sân vườn. Thời gian ra hoa dài, hoa lựu to và cánh hoa to, nở hoa rực rỡ trông rất sống động.
Vào mùa quả chín, những quả lựu đỏ rực lấp ló trong tàn lá xanh dịu dàng giống như những chiếc đèn lồng đỏ treo cao càng tăng thêm tính thẩm mỹ, tạo nên cảnh quan thanh bình.
Không chỉ đẹp, cây lựu còn là loại cây cát tường trong phong thủy. Từ xa xưa, loài cây này được cho là có khả năng xua đuổi tà khí và những điều xui xẻo trong cuộc sống, mang tới sự bình yên và may mắn, sự thịnh vượng đến cho gia đình. Nhiều người còn tin rằng, trồng cây lựu trước nhà sẽ rất tốt cho đường con cháu, gia đình đông con nhiều cháu, thế hệ sau không giàu cũng giỏi.
Cách trồng và chăm sóc cây lựu
Trồng cây lựu vào đầu mùa mưa và cuối mùa thu là thích hợp nhất, vì lúc này những cơn mưa đầu mùa sẽ góp phần làm cho cây sinh sôi và phát triển một cách thuận lợi hơn. Do đó, nếu đang có ý định trồng cây lựu, bạn có thể bắt tay ngay từ bây giờ.
Có 2 phương pháp chính để trồng cây lựu là gieo hạt và ghép cành. Thế nhưng, với phương pháp gieo hạt, cây sẽ phát triển chậm nên nên ghép cành là phương án được nhiều người lựa chọn hơn cả. Hoặc, để tiết kiệm thời gian và nhanh có quả ăn, bạn có thể mua thẳng cây giống mang về nhà trồng.
Cây lựu không dễ bị sâu bệnh và côn trùng tấn công, cũng không cần chăm sóc nhiều. Tuy nhiên, muốn cây phát triển tốt, sớm cho quả to và ngọt nước thì bạn cần chú ý tới những yếu tố sau:
- Đất trồng:
Cây lựu không có yêu cầu cao về đất, chỉ cần lớp đất tương đối sâu để tạo điều kiện cho bộ rễ cây phát triển, đất tơi xốp, thoát nước tốt và giàu chất dinh dưỡng là được. Tốt nhất nên chọn đất thịt pha cát để trồng lựu.
Nếu trồng trong chậu, nên chọn chậu có lỗ thoát nước để cây không bị ngập úng. Độ sâu của chậu tốt nhất phải từ 60cm để đủ chất dinh dưỡng cho cây.
- Tưới nước:
Hơn 80% quả lựu là nước, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc quản lý nước đối với sự phát triển của cây. Cung cấp không đủ nước sẽ hạn chế sự ra hoa và đậu quả của cây lựu, trong khi tưới nước quá mức dẫn đến ngập úng thường xuyên khiến cây bị vàng và yếu.
Tốt hơn hết, khi nào thấy đất chậu khô thì hẵng tưới nước cho cây lựu. Khi cây ra hoa và tạo quả, nên tăng cường lượng nước tưới để tránh vấn đề rụng hoa và quả, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của quả, giúp quả mọng nước hơn.
- Ánh sáng:
Cây lựu ưa sáng, vì vậy bạn nên trồng ở nơi có nhiều nắng để cây nhận đủ ánh sáng. Nếu trồng ở nơi thiếu sáng, cành sẽ mảnh khảnh, dài ra và ít ra hoa, đậu quả.
- Bón phân:
Ban đầu khi mới trồng cây lựu, bạn nên trộn thêm phân chuồng hoai mục vào đất. Khoảng thời gian sau, hãy bón dung dịch phân loãng mỗi tháng một lần vì cây lựu rất ưa phân bón.
Trong giai đoạn cây lựu ra nụ hoa, nên bổ sung kali dihydrogen photphat để cây ra nhiều hoa hơn. Vào cuối thời kỳ ra hoa và trong thời kỳ đậu quả, nên bón ít phân đạm hơn, tăng cường bón phân lân và kali sẽ có lợi hơn cho việc đậu quả.