Yêu những gì thuộc về thiên nhiên nhưng tự nhận bản thân không có nhiều năng khiếu chăm sóc cây cối, khi về nhà chồng làm dâu chị Đan Vy (31 tuổi) ở Đắk Lắk vẫn thường giúp bố mẹ thu hoạch khu vườn đầy ắp hoa trái, rau củ quả. Chính không gian xanh của khu vừa là nơi để các thành viên của gia đình thỏa sức làm bạn với cây cối.
Khu vườn xanh mướt mát của gia đình chị Đan Vy.
Mỗi tối cầm đèn pin ra vườn để bắt ốc bắt sâu ăn lá
Mẹ 8X chia sẻ, chị là một cô gái thành thị chính gốc, tuổi thơ không có những trò nghịch đất xúc cát, hay tận mắt thấy con lợn, con trâu ngoài đời thật. Chỉ đến khi chị về nhà chồng làm dâu mới “mãn nhãn” chứng kiến toàn bộ khung cảnh thiên nhiên.
Chị nói: “Nhà chồng mình có một mảnh vườn khoảng 700m2 nhưng hình như chẳng thiếu loại cây gì. Ngày mới về làm dâu, mình ra vườn nhìn mà ngơ ngác với nhiều loại cây loại rau lạ hoắc. Và luôn thắc mắc tại sao chồng mình có thể kể hàng mấy chục loại cây ăn trái trong vườn nhà mà mình nhìn hoài cũng chẳng biết cây nào, loại rau gì nằm ở đâu. Mãi sau này mình mới biết, đó là kho lương thực chính của đại gia đình nhà mình”.
Với rất nhiều loại rau trái khác nhau.
Chia sẻ về khu vườn của gia đình, chị cho hay, nếu chỉ nhìn vào khu vườn thì ai cũng thích thú nhưng sau đó là công sức rất vất vả của ông bà. Do đất nhà chị bên dưới là lớp đá nên bố chồng chị phải rất vất vả trong khâu chuẩn bị đất. Điển hình như việc trồng cà rốt, vì đất cằn nên cây vả quả không được đẹp như cà rốt bán ngoài chợ. Chưa kể, do thời tiết vùng Tây Nguyên khá khắc nghiệt nên không phải mùa nào cũng có thể gieo trồng.
Về hạt giống, theo lời chị Vy, hạt giống rất rẻ, chỉ khi nào chị mua hạt giống nhập ngoại cho ông bà thì mới đắt hơn một chút, việc làm vườn chỉ tốn kém cho việc mua phân bón. Vì rau trồng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình nên nhà chị không phun thuốc trừ sâu. Mỗi tối bố chồng chị Vy lại cầm đèn pin ra vườn để bắt ốc bắt sâu ăn lá.
Không quá đa dạng, ban đầu khu vườn của gia đình chỉ trồng những loại rau đơn giản như xà lách, rau cải, rau thơm, rau lang, hành ngò nhưng từ khi về làm dâu chị Vy chia sẻ cho ông nhiều loại rau mới như cải kale, bó xôi, bắp sú tím, mướp nhật, bắp tím... Theo thời gian, khu vườn trở nên phong phú hơn với nhiều loại rau, củ, quả.
Để có được khu vườn tốt tươi, bố chồng của chị Vy đã cất chăm sóc rất tỉ mỉ.
Ăn không hết đem bán lấy tiền
Thành quả sau mỗi vụ thu hoạch đều khiến gia đình vô cùng hài lòng. Chị Vy cùng các thành viên rất thích, việc gia đình có một vườn rau với đầy đủ các loại rau củ quả như vậy, bởi thế chị và chồng đều sẵn sàng ủng hộ việc “đầu tư” cho khu vườn.
Mỗi khi cao hứng ra ngắm vườn, không cưỡng lại được trước vẻ đẹp mướt mắt của vườn rau trái, chị Vy lại chụp hình chia sẻ lên mạng xã hội. Kể về khu vườn với ánh mắt tự hào, chị nói: “Mỗi lần ra vườn mình lại gom được mớ ảnh mà nhìn vào là mát con mắt. Nhà mình trồng rau quả chủ yếu để gia đình ăn, và cho hàng xóm xung quanh. Từ khi có vườn rau, con trai mình rất thích, khu vườn cũng là nơi con được vận động và có tuổi thơ gần gũi cùng đất cát, cây cỏ, hoa lá. Những vụ thu hoạch được nhiều, ăn không hết ông cũng đem bán để có thêm thu nhập mua phân bón, hạt giống trồng tiếp”.
Đây cũng là nơi để bé Bá Khôi được tham gia các hoạt động như một nông dân nhí.
Nói về kỷ niệm gắn liền với khu vườn, chị Đan Vy kể một câu chuyện khá thú vị, do khu vườn khá đa dạng nên có nhiều loại cây tới bây giờ có chị vẫn không biết tên. “Có lần mẹ chồng nhờ mình ra vườn hái cho bà lá hương nhu, hay nhổ củ gừng, củ nghệ thì mình chịu”– chị kể.
Theo chị Vy, cuộc sống càng hiện đại người ta lại càng mong muốn có nhiều không gian xanh, thực phẩm sạch để ăn. Ba mẹ chồng mình ra sức chăm sóc để mong cho con cháu có “đồ sạch” để ăn. Mỗi lần nhìn thành quả thu hoạch được, ông bà lại cảm thấy xứng đáng với công sức lao động đã bỏ ra.
Bá Khôi tập cuốc đất.
Đây được coi là kho lương thực của gia đình chị Vy.