“Trồng rau làm gì? Vừa tốn tiền vừa vất vả lại tốn thời gian. Ra chợ đầy rau, chạy ra chợ mua ù cái là xong, việc gì tha đất về trồng cho vất vả”. Có lẽ không ít “nông dân thành phố” đã từng nghe những câu nói như thế này khi có ý định trồng rau trên sân thượng. Chị Đặng Huyền Trang (39 tuổi, sống tại Hải Phòng, hiện đang công tác trong ngành dịch vụ du lịch khách sạn) cũng vậy.
Từ tháng 7/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, thấy 2 sân thượng bỏ không 20 năm rất phí nên chị đã nảy ra ý định trồng rau ở đây và được không ít người khuyên can. Nhưng nghĩ đến mục tiêu có rau sạch để ăn, chị vẫn quyết làm. Và “càng làm thì càng thêm yêu, giống như nuôi thêm một đứa con vậy, nhưng là đứa con tinh thần”, chị Trang nói.
Chị đi thu gom những thùng xốp, chai nhựa người ta bỏ đi mang về nhà để trồng rau. Thời gian đầu mới trồng rau, vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên chị Trang gặp không ít khó khăn và thất bại. Cụ thể là do không biết cách trộn đất, chị mua sẵn đất đóng bao đã trộn về trồng nhưng cây èo uột, thu hoạch kém.
Sau đó chị lên các hội nhóm học hỏi kinh nghiệm và vận dụng vào khu vườn của mình. Sai đâu khắc phục đó cho đến khi thành công thì thôi. Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ, cuối cùng chị Trang cũng “bỏ túi” cho mình được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc làm vườn như chăm sóc rau, cải tạo đất, bổ sung phân bón,… và có vườn rau rộng 50m2 xanh mướt mắt.
“Bí quyết của tôi là chịu khó tìm hiểu trước về những giống cây mình định trồng để thêm kiến thức. Nhưng quan trọng nhất là mạnh dạn, ‘liều’ trồng. Hỏng, sai cũng không sao, như vậy sẽ có thêm kinh nghiệm cho lần sau. Trồng rau, làm vườn là phải kiên nhẫn, không nên nóng vội”, chị Trang chia sẻ.
Việc chống thấm sàn khi làm rau trên sân thượng rất quan trọng, cho nên chị đã đầu tư 50 triệu đồng để thuê thợ làm chống thấm sàn, đồng thời gia cố xung quanh sân thượng, làm nhà lưới, quyết xây dựng “khu vườn trên mây” một cách bài bản.
Dù vậy, chị Trang vẫn làm thêm các kệ sắt để đặt thùng trồng cây, hạn chế tối đa việc thấm sàn. Ngoài ra, chị còn lắp đặt hệ thống tưới nước tự động.
Không chỉ đi xin thùng xốp, chai nhựa về trồng rau, chị Trang còn ra chợ xin rác từ rau, chuối hỏng, đầu cá, bã đậu,… tha lên sân thượng để ủ phân bón cho cây. Chia sẻ về cách sử dụng rác cho cây trồng, mẹ đảm Hải Phòng cho biết, bã đậu chị dùng trộn ủ đất bón lót cho các loại rau ăn lá đến ăn quả.
Đầu, ruột cá và chuối chín hỏng thì đem chôn dưới đáy thùng, đáy chậu trồng cà chua, bí bơ, dưa chuột. Rau thừa ủ với trấu và cám gạo, men thơm.
Mùn vỏ mía, rơm phủ mặt đất giữ ẩm hoặc trộn với đất, giúp đất tơi xốp, thoáng khí. Ngoài ra chị cũng tự ủ một số loại phân loãng để tưới cho rau, củ, quả 2 lần/tuần.
Chị Trang trồng rau theo mùa, mùa nào rau nấy nên không thể liệt kê chính xác được có bao nhiêu loại. Nhưng chủ yếu chị chọn trồng những loại rau củ quả gia đình hay ăn và thích ăn. Chẳng hạn như mùa hè thì trồng các loại dưa lê, dưa bở, dưa lưới, dưa chuột,... các loại bí đỏ, bầu bí xanh, mướp... những loại rau phù hợp mùa hè như rau cải, rau muống,… Vào vụ thu đông, chị lại trồng những cây phù hợp mùa thu đông.
Cứ mỗi một vụ, chị lại thay đổi kiểu giàn cho cây leo để phù hợp với giống cây mình định trồng và để “khu vườn trên mây” thêm đẹp hơn. “Tiêu chí của tôi là trồng cây sai quả, quả ngon và vườn đẹp để còn khoe thành quả”, mẹ đảm cười.
“Khu vườn là đứa con tinh thần, là liều thuốc chữa mệt mỏi của tôi. Tôi thích ở trên vườn hơn là đi du lịch hay mua sắm quần áo mỹ phẩm. Nói thật, kỹ thuật trồng rau làm vườn của tôi thì không có nhiều, tôi cứ tích cóp mỗi năm một chút thôi. Nếu đang muốn trồng rau, làm vườn thì bạn cứ mạnh dạn trồng đi, đừng sợ khó và hãy tận hưởng niềm vui của vườn cây mang lại”, chị Trang chia sẻ.