Tháng 7 âm lịch hàng năm vẫn thường được biết đến là "tháng cô hồn", bắt nguồn từ truyền thuyết của Đạo Giáo (Trung Quốc) về việc Diêm Vương mở quỷ môn quan để các vong linh trở về dương gian. Theo tín ngưỡng dân gian, đây là thời điểm cần đặc biệt cẩn trọng, nhằm đề phòng ma quỷ quấy rối và rước điều xui xẻo.
Xuyên suốt tháng 7, có rất nhiều lễ lớn nhỏ, đặc biệt nhất là Vu Lan báo hiếu và Xá tội vong nhân. Lúc này bàn thờ gia tiên nghi ngút khói hương, gói trọn ước mong cầu bình an của gia chủ. Rất nhiều gia đình vì thế mà có nhu cầu bao sái bàn thờ (lau dọn, làm sạch bàn thờ, bát hương, các đồ thờ cúng, tỉa chân nhang) trước dịp rằm tháng 7.
Bàn thờ là khu vực trang trọng nhất trong nhà, cất chứa niềm tin tâm linh của gia chủ. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia phong thuỷ, không nên tỉa chân hương vào tháng cô hồn. Thời điểm thích hợp nhất để lau dọn bàn thờ là vào cuối tháng 6. Bên cạnh đó, còn cần tuân theo một số nguyên tắc phong thuỷ để đảm bảo mọi sự hanh thông và tài lộc của gia đình.
1. Xin phép thần linh và gia tiên
Trước khi tiến hành lau dọn bàn thờ, gia chủ nên thắp nén nhang khấn xin sự cho phép của Tam Bảo (nếu nhà có thờ Phật), thần linh, các vị ơn trên và gia tiên. Đợi khi nén nhang cháy được một nửa thì có thể bắt tay vào việc. Sau khi lau dọn xong có thể bày biện hoa quả và thắp hương lại, thay cho lời thông báo bàn thờ đã tươm tất và mời các ngài về ngự lại.
Theo chuyên gia phong thuỷ, không nên bao sái bàn thờ vào các thời điểm giữa trưa, sáng sớm tinh mơ, hoặc tối.
Trước và sau khi lau dọn bàn thờ, cần thắp hương khấn gia tiên. (Ảnh minh họa)
2. Các vật dụng cần chuẩn bị
Gia chủ có thể sử dụng máy hút bụi mini để dọn bàn thờ. Ngoài ra, cần chuẩn bị khăn sạch mềm chuyên dụng để lau dọn bàn thờ hoặc một chiếc khăn mới tinh cùng nước ấm để làm sạch các vật dụng thờ cúng.
Nước lau bàn thờ hoặc là nước ấm tinh khiết, hoặc là nước thảo mộc để gia tăng khả năng làm sạch, tẩy uế và mang lại điều may mắn. Thông thường, nước lau dọn bàn thờ sẽ được đun từ 5 loại bao gồm 2 vị cố định là quế khô và hồi khô, 3 vị còn lại tùy vùng miền sẽ là 3 trong các vị: gỗ vang, đinh hương, bạch đàn, mùi thơm, hương nhu, xả, lá nếp...
3. Quy trình lau dọn bàn thờ
Việc lau dọn bàn thờ cần được tiến hành từ cao xuống thấp, theo trình tự bàn thờ Phật rồi mới đến bàn thờ thần linh và gia tiên. Khi lau dọn bàn thờ, cần bắt đầu từ bài vị rồi mới đến bát hương. Đối với những bức tượng và khung hình, thì nên sử dụng khăn mềm lau nhẹ nhàng để tránh gây ra trầy xước.
Việc lau dọn bàn thờ cần thực hiện đúng trình tự. (Ảnh minh họa)
4. Không nên rút sạch chân nhang
Rút tỉa bớt chân nhang giúp bàn thờ thêm thông thoáng và phòng trừ nguy cơ hỏa hoạn. Tuy nhiên, khi bao sái bàn thờ, không nên rút sạch chân nhang mà cần chừa lại số lượng chân nhang cũ ứng với các số lẻ (thường là 3, 5, 7, 9).
Số chân nhang đã rút ra cần hóa thành tro, đợi tro nguội thì cho vào túi đổ ở nơi sạch sẽ, mát mẻ (sông, ngòi, ao, hồ...) hoặc vùi vào gốc cây, không nên vứt chân hương và các đồ thờ cúng vào thùng rác hay những nơi ô uế.
Khi rút tỉa chân nhang cần để lại 3,5,7,9 chân nhang cũ. (Ảnh minh họa)
5. Những điều cấm kỵ
- Không nên tuỳ tiện xê dịch bát hương, bài vị và các bức tượng.
- Tránh làm đổ vỡ đồ thờ cúng trong quá trình lau dọn.
- Cần giữ tâm thanh tịnh, tránh vướng bận tham sân si khi lau dọn bàn thờ.
Hiểu đúng quy trình và tránh những điều kiêng kị giúp hoàn thành tốt việc lau dọn bàn thờ, từ đó xua đi tà khí và việc thờ cúng trở nên linh ứng hơn. Yếu tố này phần nào giúp gia chủ duy trì may mắn trong tháng 7 âm lịch gần kề.
* Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.