Ấm siêu tốc có chế độ ngắt tự động khi nước trong ấm sôi nên giúp bạn yên tâm khi nấu nước nóng mà không mất công sức kiểm soát như dùng bếp gas hay bếp điện thông thường. Chính vì vậy, thiết bị điện gia dụng này được rất nhiều gia đình sử dụng để đun sôi nước khi pha trà, cà phê, pha sữa,...
Dẫu vậy, nếu không sử dụng ấm siêu tốc đúng cách có thể gây hại tới sức khỏe cũng như gây ra những thiệt hại nặng nề. Mới đây trên mạng xã hội, một người phụ nữ tên Q.N đã chia sẻ về tai nạn mình vừa gặp phải do bất cẩn khi sử dụng ấm siêu tốc. Đáng nói, lỗi cô mắc phải rất phổ biến, cứ 10 người thì có tới 9 người làm sai.
Người phụ nữ chia sẻ, sau khi đun nước xong, cô có thói quen để ấm siêu tốc trên đế đun (chân đế) và phích cắm luôn cắm trong ổ điện. Nào ngờ hôm qua khi cô đang đứng rửa tay, khói bỗng bốc lên nghi ngút từ ấm siêu tốc rồi chập điện và lửa bùng lên.
Nguyên văn bài chia sẻ của nữ cư dân mạng.
“Em nghĩ đây là vật dụng mà nhà nào cũng có và gần như đều có một thói quen sau khi đun nước xong vẫn để ấm trên cái đế đun. Nhà em cũng không ngoại lệ vì tiện hoặc quen tay. Nhưng cho đến ngày hôm qua xảy ra việc này thì em không bao giờ quen tay như vậy nữa.
Chuyện là em đang đứng rửa tay thì có mùi khét, quay ra thấy khói bốc nghi ngút từ cái đế ấm rồi chập điện, rồi có một ngọn lửa to bùng lên. Xung quanh rất nhiều đồ và bên cạnh có cái tủ lạnh. Lúc đó em hoảng quá bảo mẹ dập công tắc aptomat, dội gáo nước để dập lửa. May mắn là lửa chưa cháy lan sang các cái khác”, người phụ nữ kể lại.
Ấm siêu tốc của người phụ nữ sau khi bị cháy.
Người phụ nữ cho biết thêm, lúc đó không ai sử dụng ấm siêu tốc. Cô cho rằng nguyên nhân có thể là do điện quá tải dẫn đến chập điện và cháy nổ, cũng có thể là do cô để ấm không có nước vào đế và vô tình bấm công tắc mà không biết.
Song, cô cảm thấy bản thân vẫn rất may mắn khi lúc phát hiện kịp thời, nếu không chắc hậu quả khó lường. Cuối bài, cô cũng không quên cảnh bảo mọi người nên cẩn thận hơn với đồ điện, dùng xong nhớ rút dây điện hoặc bỏ ấm siêu tốc ra khỏi đế ấm.
Thực ra trong đế ấm có cảm biến, khi hết nước hoặc nước sôi, ấm sẽ tự tắt. Tuy nhiên các chuyên gia khuyên rằng, nên rút dây điện ra sau khi đun nước xong, vì có thể công tắc hoạt động lâu ngày sẽ gặp vấn đề nên tự động chạy ngoài ý muốn của người dùng. Hoặc có vật gì đó đè lên công tắc, đặc biệt là các dòng có phần gạt ở dưới quai cầm khiến ấm hoạt động liên tục, gây ra hậu quả khó lường.
(Ảnh minh họa)
Một số lưu ý khi sử dụng ấm siêu tốc để an toàn, tránh hao tốn điện năng:
- Không đun nước liên tục vì việc này có thể khiến mâm nhiệt (đế ấm) vượt quá công suất cho phép nên dễ gây cháy, nổ và hỏng ấm.
- Không đun ấm trong phòng có máy lạnh, điều hòa, vì có thể làm tổn thất lượng nhiệt của cả ấm đun siêu tốc và máy lạnh, gây tốn điện năng.
- Đổ nước đúng lượng nước quy định, nếu đổ nước vượt qua ngưỡng tối đa thì khi nước sôi, nước có thể bị trào ra ngoài. Ngược lại, nếu không đạt ngưỡng tối thiểu, ấm sẽ dễ bị cháy.
- Nên vệ sinh ấm siêu tốc thường xuyên, vì sau khi sử dụng một thời gian trong ấm siêu tốc sẽ xuất hiện cặn bẩn, không chỉ khiến nước bị bẩn mà còn làm giảm tuổi thọ của ấm.
- Khi nước sôi, nên để khoảng 20ml nước trong ấm, không rót hết nước ra. Bởi sau khi nước sôi, mâm nhiệt vẫn tiếp tục sinh nhiệt dù công tắc điện đã tắt, nếu không chừa nước trong ấm thì mâm nhiệt rất nhanh hỏng.
- Nên đậy kín nắp khi đun nước để tránh mất nhiều thời gian đun nước hơn, gây tốn điện năng.
- Cắm nguồn điện của ấm siêu tốc vào một ổ riêng, không cắm chung với thiết bị điện khác, để tránh gây quá tải mà ấm tự ngắt hoặc gây cháy nổ, vì loại ấm này có công suất khá cao.
- Không sử dụng ấm siêu tốc như một chiếc nồi đa năng để nấu lẩu hay nấu ăn.