Làm vườn không chỉ là để có rau sạch cung cấp cho những bữa ăn gia đình, không chỉ là nơi bước ra để tìm đồ ăn. Với anh Đức (quê Đắk Lắk), vườn còn là nơi để anh thư giãn và trải nghiệm.
Anh Đức chia sẻ, trước đây anh cũng ra thành phố học, sau này ra trường thì may mắn xin được một công việc gần nhà và làm công nhân. Sau những giờ tan ca, anh về nhà phụ giúp gia đình và làm vườn để thư giãn. “Tôi cảm thấy may mắn khi được sinh ra và lớn lên ở vùng đất đỏ Bazan. Đây là một loại đất rất là phù hợp để trồng trọt, mà tôi lại thích trồng rau sạch nên tôi chẳng khác gì như cá gặp nước, được vùng vẫy cho thỏa đam mê”, anh Đức chia sẻ.
Sau giờ tan ca, anh Đức lại về với mảnh vườn quen thuộc để cuốc đất trồng rau.
Từ rau ăn lá như xà lách, rau cải ngọt, cải cầu vồng, cải bẹ mào gà, cải thìa, rau dền, rau mồng tơi, rau đay... cho đến những loại rau ăn quả như dưa leo, mướp hương, mướp đắng, cà tím dài, cà ngọt, cà dĩa, su su…
“Tôi trồng xoay vòng, cuốn chiếu, chọn rau ngắn ngày nên nhiều người cứ nghĩ là vườn nhà tôi rất rộng. Thậm chí có người còn bảo vườn nhà tôi gần như có tất cả các loại rau”, anh chàng cười.
Mặc dù ban đầu anh cũng gặp một vài khó khăn, nhưng trồng rau sạch là đam mê nên anh luôn cố gắng để thực hiện.
Chia sẻ về quá trình làm vườn, anh Đức cho biết anh dùng những viên ngói cũ để phân thành các luống. Chiều dài mỗi luống rau dài bằng 8 viên ngói, chiều rộng là 3 viên ngói.
Theo anh, để có một vườn rau tươi tốt thì khâu quan trọng nhất chính là làm đất. Nếu như tập trung vào khâu này kỹ một chút, đầu tư một chút thì sau này rau sẽ xanh mơn mởn, tươi tốt, đỡ công chăm bón.
Vì vậy trước khi trồng rau, anh Đức đều xử lý, cải tạo đất rồi mới trồng. Cụ thể, anh xới đất, đảo đều, phơi oải, trộn thêm các thành phần hữu cơ rồi lên luống gieo trồng.
Anh Đức tận dụng những viên ngói cũ để tạo luống rau, như vậy vừa tiết kiệm vừa khiến vườn rau ngay hàng thẳng lối và đẹp mắt hơn. Không những vậy, dùng ngói cũ làm luống rau còn ngăn trôi đất mỗi khi trời mưa.
Vì trồng rau chủ yếu là để cung cấp cho những bữa ăn gia đình nên anh Đức trồng theo phương pháp hữu cơ, dùng trấu hun, phân hữu cơ hoai mục để bón cho rau.
Do trồng rau sạch chủ yếu để cung cấp cho gia đình nên anh trồng theo phương pháp hữu cơ, tận dụng nguồn phế phẩm của vật nuôi, ủ hoai mục và trộn, bón cho rau. Với anh Đức, anh chủ yếu dùng phần chuồng như phân bò, phân dê và phân gà. “Phân chuồng nên dùng loại đã qua xử lý và đã hoai mục. Nếu không bón cho rau sẽ phản tác dụng, khiến cây còi cọc, kém phát triển”, chàng công nhân nói.
Ngoài ra, anh Đức còn sử dụng vỏ lúa (hay còn gọi là trấu) hun lên rồi trộn thêm vào đất, giúp đất tơi xốp, thoát nước tốt hơn. Công thức trộn đất trồng rau của anh Đức là 5 phần đất + 3 phần phân chuồng ủ hoai mục + 2 phần trấu hun.
Anh Đức trồng rau theo kiểu xoay vòng, cuốn chiếu, chọn rau ngắn ngày nên nhiều người tưởng rằng vườn rau của anh rất rộng.
Trong quá trình chăm bón, anh còn sử dụng phân nước hữu cơ do anh tự ủ, cụ thể là dịch chuối, để tưới cho rau. Anh pha loãng 1 lít dịch chuối với 20 lít nước, tưới khoảng 5-7 ngày/lần trong giai đoạn cây cần nhiều chất dinh dưỡng như giai đoạn cây ra hoa, tạo quả hoặc cải bắp đang trong giai đoạn cuốn lá.
Không chỉ trồng rau xanh, chàng công nhân còn trồng cà tím, ngô tím, đậu bắp đỏ,... khiến khu vườn ngập tràn nhiều màu sắc.
Một số loại rau khác được thu hoạch trong vườn nhà anh Đức.
“Khu vườn là nơi để tôi thư giãn sau những giờ tan ca và cung cấp một phần nào đó những sản phẩm sạch cho chính gia đình nhỏ của mình. Nếu như mọi người thích, hãy thử trồng 1 ít cho gia đình của mình đi.
Nếu không có vườn rộng, mọi người có thể tận dụng những thùng xốp cũ, chậu hoa cũ cũng được. Đặt chậu 1 góc sân nào đó, trộn đất bỏ vào, gieo hạt và chờ thành quả là được thôi. Nhìn ngắm hạt nảy mầm, lớn thành cây xanh rồi thu hái sẽ mang tới cảm giác thành tựu, rất hạnh phúc”, anh Đức chia sẻ.