Gối là “người bạn đồng hành” không thể thiếu trong mỗi gia đình, giúp chúng ta có giấc ngủ ngon sau những giờ làm việc mệt mỏi. Thế nhưng, việc vệ sinh gối lại ít được chú ý, nhất là ruột gối.
Gối rất dễ bị bẩn vì khi chúng ta ngủ hàng ngày, sẽ có một ít dầu trên mặt và da đầu, gàu và thậm chí là nước bọt chảy ra lên gối. Lâu ngày không vệ sinh thì một số vi khuẩn, mạt bụi,... sẽ sinh sôi bên trong, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta, nhất là dễ dẫn đến những bệnh về da như mẩn ngứa, nổi mụn,...
Mạt bụi là những vi sinh vật rất nhỏ, thích sống trong môi trường ẩm ướt, chẳng hạn như ga giường, gối, mền của chúng ta. Những thứ này rất dễ sinh ra nhiều mạt bụi, nên chúng ta cần phải thường xuyên giặt sạch và phơi khô, vì mạt bụi sẽ được loại bỏ khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Chính vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng nên giặt vỏ gối 1 tuần một lần, hoặc nửa tháng một lần. Với phần ruột gối, nên giặt ít nhất 2 lần/năm và nên thay 2 năm một lần. Song, việc thường xuyên giặt ruột gối có thể ảnh hưởng đến độ êm ái của gói, thậm chí khiến ruột gối bị xẹp, mất hình dáng ban đầu.
Nếu lo lắng về vấn đề này, bạn có thể cho lõi gối vào túi nilong đen, bịt kín miệng túi rồi đem phơi nắng trong 2 giờ. Nếu túi quá nhỏ, hãy dùng 2 túi nilong để bọc kín ruột gối lại.
Túi nilong đen có đặc tính hấp thụ nhiệt, nên khi đem túi nhựa đã được hàn kín đi phơi dưới ánh nắng mặt trời, nhiệt độ bên trong túi có thể tăng lên, thậm chí vượt quá 55°C trong điều kiện bình thường. Nhờ đó, vi khuẩn và mạt bụi bên trong ruột gối sẽ bị tiêu diệt và loại bỏ hoàn toàn.
Thực ra, bạn cũng có thể phơi trực tiếp ruột gối dưới ánh nắng mặt trời, nhưng nếu nhét ruột gối vào túi nilong đen thì hiệu quả loại bỏ mạt bụi sẽ tăng lên gấp bội. Còn nếu vẫn muốn giặt ruột gối, bạn hãy tham khảo 2 cách dưới đây.
Hướng dẫn cách giặt ruột gối bằng tay
Với cách giặt bằng tay, trước hết bạn hãy hòa tan bột giặt/nước giặt với nước nóng rồi ngâm ngập ruột gối khoảng 15-20 phút, để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn dễ dàng hơn. Sau đó, vò nhẹ nhàng cho đến khi loại bỏ sạch vết bẩn.
Xả nước nhiều lần cho đến khi loại bỏ hết xà phòng trong gối. Tiếp theo, hãy dùng khăn bông thấm hút nước trên gối, tuyệt đối không nên vắt, xoắn ruột gối vì dễ khiến ruột gối bị hư hỏng, mất dáng. Cuối cùng, mang ruột gối đi phơi khô dưới ánh mặt trời là được.
Hướng dẫn cách giặt ruột gối bằng máy giặt
Hãy xếp ruột gối vào lồng giặt theo đúng chiều trục quay thuận của máy giặt. Lưu ý, nên xếp vừa phải, không nên nhồi nhét chật chội không gian bên trong.
Đổ bột giặt/nước giặt vào ngăn chuyên dụng. Chọn chế độ giặt nhẹ, thời gian giặt dài, vắt nhẹ để tránh máy hoạt động quá mạnh, làm hỏng chất liệu của ruột gối.
Trong bước xả cuối cùng, hãy cho thêm nước xả vào ngăn chuyên dụng để làm mềm vải, khử mùi hôi và tạo mùi thơm cho ruột gối. Sau khi giặt xong, mang ruột gối đi phơi ở nơi thoáng mát, có nắng và gió để ruột gối được khô ráo hoàn toàn.
Tuy giặt ruột gối bằng máy giặt khá tiện, nhưng bạn cần chú ý một số điểm sau:
- Với những sản phẩm ghi rõ là tuyệt đối không giặt bằng máy giặt, bạn nên chọn cách giặt hấp hoặc giặt khô.
- Các loại gối làm từ lông vũ, xốp hoặc mủ cao su hoặc gối đã quá cũ, không nên giặt bằng máy giặt để tránh trường hợp gối bị rách, vụn gối rơi ra.
- Đối với ruột gối bị ố vàng, có vết bẩn cứng đầu, bạn có thể cho thêm một chút nước tẩy, hoặc dùng baking soda, giấm trắng để đánh bay vết bẩn, giúp ruột gối trắng sạch như mới.