“Chuỗi lây truyền dịch tại TP. HCM không xuất phát từ Hải Dương”

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế - Tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP. HCM khẳng định.

Theo Bộ Y tế, chiều 13/2 (tức mùng 2 Tết), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Từ đầu cầu TP. HCM, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế - Tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP. HCM báo cáo: Đến thời điểm này, từ chùm ca bệnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, ngành y tế đã phát hiện 36 ca nhiễm (35 ca ở TP. HCM và 1 ca ở Bình Dương).

TP.HCM đã xét nghiệm trên 5.000 trường hợp tiếp người nhà xúc gần với các bệnh nhân, cơ bản là âm tính. Đồng thời, thành phố cũng tiến hành xét nghiệm tầm soát ở những khu vực trọng điểm, đông người qua lại, tổng số hơn 4.800 mẫu đã được lấy, trên 2.000 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.

“Chuỗi lây truyền dịch tại TP. HCM không xuất phát từ Hải Dương” - 1

Xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người dân. 

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định: “Chuỗi lây truyền dịch tại TP. HCM không xuất phát từ Hải Dương”.

Làm rõ vấn đề này, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, Phan Trọng Lân cho biết, sau quá trình rà soát, giải trình tự gen toàn bộ các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 của Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam, các bệnh nhân đều thuộc chủng A.23.1, đã xuất hiện ở 14 quốc gia (theo cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu cúm GISAID).

“Về mặt lý thuyết, chủng A.23.1 có khả năng lây lan nhanh; tuy nhiên qua đánh giá thực tiễn, chưa có báo cáo hoặc bằng chứng chủng virus này lây lan nhanh hơn”, PGS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Liên quan đến việc truy tìm nguồn lây nhiễm ca mắc COVID-19 tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, biện pháp quan trọng nhất là khoanh vùng, cách ly, phòng chống một cách triệt để, không cố "theo đuổi" nguồn gốc lây nhiễm; đặc biệt, huy động tất cả các biện pháp cần thiết trước tất cả các giả thuyết được đưa ra.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Chuỗi lây truyền ở TP. HCM không ở mức độ cao bởi thời gian xuất phát điểm của các ca bệnh đầu tiên ở đây từ 15-17 ngày. Về mặt lý thuyết, có thể lây nhiễm nhanh, nhưng trong trường hợp cụ thể tại đây, lây nhiễm từ chủng A.23.1 tương tự các chủng cũ, thậm chí thấp hơn chủng ở Đà Nẵng, Hải Dương”.

Đánh giá cao các biện pháp kịp thời, khẩn trương phòng, chống dịch bệnh, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, đến nay đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh ở TP. HCM

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, TP. HCM vẫn phải triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “quét hết tất cả những nơi nghi ngờ, càng mở rộng lấy mẫu càng yên tâm”, đặc biệt cần mở rộng diện xét nghiệm ở các khu vực trọng điểm, lưu ý đến công nhân, người lao động khu công nghiệp.

"Đây cũng là khuyến cáo chung với các địa phương. Chúng ta vẫn phải tiếp tục rà soát diện rộng, quét hết tất cả những nơi nghi ngờ, càng mở rộng lấy mẫu bao nhiêu, càng yên tâm bấy nhiêu, chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống xấu hơn”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Qua nghe phân tích sâu các nguyên nhân, dự báo các khả năng để tìm ra nguồn ổ bệnh ở TP.HCM Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta đã có thêm thông tin nghi ngờ biến thể virus này thâm nhập qua tiếp xúc của một số nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất với thợ máy, nhân viên của chuyến bay chở hàng từ một số nước có biến thể này đến Việt Nam (các nhân viên, thợ máy của các hãng hàng không đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất chỉ ở trên máy bay, không nhập cảnh). Tuy nhiên, chúng ta cũng không loại trừ khả năng mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào sân bay.

“Vì vậy, chúng ta phải tiếp trục phải truy vết thật nhanh, khoanh vùng cách ly; phân tích virus, để dự báo, tìm nguồn lây; điều trị”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý TP. HCM là địa phương lớn vì vậy phải “dệt thêm” để tấm lưới tầm soát diện rộng dày hơn nữa.

Theo đó, Phó Thủ tướng lưu ý, bên cạnh, việc xét nghiệm tất cả những người có biểu hiện nghi ngờ, khi đến khám tại các cơ sở y tế, hay những bệnh nhân nội trú có nguy cơ, các đồng chí cần định kỳ xét nghiệm các trường hợp ở những điểm có nguy cơ cao. Đây là điều rất quan trọng đối với những đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, đòi hỏi sự linh hoạt, nhạy bén của anh em trên thực địa.