TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận 2-3 ca ngộ độc rượu, trong đó có cả ngộ độc ethanol (rượu thường) và methanol (rượu cồn công nghiệp). Cận Tết và Tết, số bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện tăng cao gấp nhiều lần.
"Không phải chỉ có người uống phải rượu giả pha cồn công nghiệp (methanol) mới ngộ độc, mà rượu thông thường cũng gây ngộ độc nặng do uống quá nhiều, khi uống không ăn, dẫn đến hạ đường huyết, tổn thương não nặng", bác sĩ Nguyên nói.
Bác sĩ Nguyên cho biết, nhiều người uống rượu nhiều đến mức khi đến viện xét nghiệm nồng độ ethanol lên đến 500 mg/dl. Uống quá nhiều rượu khiến thần kinh ức chế, dễ rơi vào hôn mê sâu, ngừng thở, thiếu oxy, tổn thương não, ngừng tim.
TS Nguyên cho biết, có 2 nguyên nhân khiến người khoẻ mạnh tử vong sau khi uống rượu.
Thứ nhất, do hạ đường huyết. Ethanol trong rượu gây hạ đường huyết, nếu cơ thể gầy yếu, đường huyết có thể xuống 0 sau khi uống rượu. Thêm vào đó uống rượu gây hiện tượng no giả khiến bệnh nhân không muốn ăn, là nguyên nhân khiến đường huyết tiếp tục tụt.
“Các thanh niên cậy khoẻ, khi nhậu mải vui thường chỉ uống rượu không chịu ăn uống gì. Về nhà mệt quá lại tiếp tục ngủ qua bữa, sáng hôm sau cũng không muốn ăn. Qua bữa nhiều lần khiến cơ thể tụt đường huyết, tổn thương não rồi tử vong”, TS Nguyên cảnh báo.
Thứ hai, uống quá nhiều rượu khiến bệnh nhân rơi vào hôn mê, ngừng thở, não thiếu oxy, gây tổn thương não, thậm chí ngừng tim.
Để tránh tử vong đáng tiếc, TS khuyến cáo người dân nên hạn chế bia rượu. Nếu buộc phải nhậu, ngay sau khi về nhà còn tỉnh táo, cố gắng ăn tinh bột như cơm, cháo loãng, sữa có đường, nước hoa quả…
Người nhà khi phát hiện người thân sau uống rượu gọi hỏi ú ớ, nói hạn chế, không đi lại được, thở khò khè, ngồi một chỗ, nôn oẹ nhiều lần, co giật, đau đầu nhiều… cần đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Theo bác sĩ Nguyên, không uống rượu là cách tốt nhất để dự phòng nguy cơ ngộ độc rượu, nhưng trong trường hợp gia đình có người thân hoặc bạn bè uống rượu, cách tốt nhất là bắt họ ăn thêm tinh bột hoặc uống thêm nước trái cây, uống sữa, nữa canh, nước cháo loãng.... để bù năng lượng cho cơ thể.
"Với các loại thuốc giải rượu được hầu như không có tác dụng trong việc chống say, giải rượu như quảng cáo. Do đó cách tốt nhất là không lạm dụng rượu bia, nhất là trong thời điểm cận Tết nguyên đán"- bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
Với những người uống rượu, dấu hiệu ngộ độc thường là gọi hỏi, nói rất hạn chế, chỉ nói một số từ, không thể đi lại được, không thể tự đi, lơ mơ, thở khò khè, chậm chạp, lờ đờ, ngồi một chỗ, co giật, nôn ọe nhiều lần, đau đầu... Những trường hợp uống nhiều rượu nếu không thể tự ăn hoặc có dấu hiệu trên sau khi uống rượu cần đưa đến cơ sở y tế để được cấp cứu, điều trị kịp thời.