10 giải pháp tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao chống dịch COVID-19

Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành công văn khẩn đề nghị các cơ sở y tế nghiêm túc triển khai 10 giải pháp tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao chống dịch COVID-19.

  

Theo đó, nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu tới mức thấp nhất lây nhiễm bệnh cho người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các cơ sở y tế nghiêm túc triển khai 10 giải pháp tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao cụ thể như sau:

1. Thực hiện nghiêm 37 tiêu chí về bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp và các quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong bệnh viện do Bộ Y tế ban hành, 14 khuyến cáo để bệnh viện không trở thành nơi lây nhiễm COVID-19 do Sở Y tế ban hành (phiên bản 3.0).

10 giải pháp tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao chống dịch COVID-19 - 1

2. Tổ chức khai báo y tế, kiêm tra thân nhiệt mỗi ngày tại các khoa có người cao tuổi, khoa điều trị các bệnh mãn tính đối với nhân thân người bệnh và bất cứ ai khi đến những khoa này để cung ứng các dịch vụ phục vụ người bệnh. Không tổ chức thăm bệnh trong toàn bệnh viện, nhất là các khoa có người cao tuổi, khoa điều trị các bệnh mãn tính.

3. Bố trí ít nhất một buồng cách ly dành cho người bệnh hoặc thân nhân người bệnh khi có triệu chứng sốt, triệu chứng hô hấp hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19 tại các khoa nội trú trong bệnh viện, nhất là khoa có người cao tuổi, khoa điều trị các bệnh mãn tính.

4. Đảm bảo không có nằm ghép, duy trì khoảng cách tối thiểu giữa các giường bệnh theo quy định tại các khoa có người cao tuổi, khoa điều trị các bệnh mãn tính, tạo lối đi riêng dành cho người bệnh và thân nhân người bệnh tại nhưng khoa này (nếu được).

5. Hạn chế để người bệnh là người cao tuổi, người bệnh mắc các bệnh mãn tính đi đến những khu vực thường tập trung đông người trong bệnh viện, ưu tiên thực hiện lấy máu xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang tại giường đối với người bệnh là người cao tuổi, người bệnh mắc các bệnh mạn tính.

6. Đảm bảo người bệnh suy thận mạn có chỉ định chạy thận nhân tạo được chạy thận theo đúng lịch. Có buồng cách ly để chạy thận tại khu vực chạy thận nhân tạo hoặc khu vực cách ly của bệnh viện dành riêng cho người bệnh thuộc diện cách ly kiểm dịch chạy thận.

7. Chọn các khoa có người cao tuổi, khoa điều trị các bệnh mạn tính làm những khoa trọng điểm trong công tác giám sát sự tuân thủ của nhân viên y tế, của người bệnh và thân nhân người bệnh về kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, về sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân theo đúng quy định.

8. Cho xuất viện ngay khi tình trạng bệnh đã ổn định, kéo dài thời gian hẹn tái khám theo quy định của Bộ Y tế (không quá 90 ngày) đối với người bệnh mắc các bệnh mạn tính nhiễm. Cung cấp tóm tắt bệnh án và hướng điều trị tiếp theo để người bệnh tái khám tại các trạm y tế hoặc bệnh viện quận, huyện nếu diễn tiến bệnh đã ổn định.

9. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin triển khai kết nối hai chiều từ xa giữa cơ sở khám, chữa bệnh với người bệnh khi đã xuất viện để tư vấn, hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc sức khỏe tại nhà.

10. Tổ chức khám chữa bệnh tại nhà đối với người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính theo hướng dẫn của Sở Y tế TP, tăng cường kết nối giữa các bác sĩ khám chữa bệnh tại nhà với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện tuyến cuối để hội chẩn từ xa, tư vấn chuyên môn từ xa.