Bộ Y tế vừa cho biết, thể lực của người Việt đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2020, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi dưới 5 tuổi của Việt Nam là 19,6%, được coi là mức thấp nếu tính theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới.
Bên cạnh đó, tầm vóc của người Việt cũng có sự cải thiện. Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế thì chiều cao người Việt trong giai đoạn 1990-2020 bằng chiều cao người Nhật giai đoạn 1955-1995.
Cụ thể, chiều cao trung bình của nam thanh niên đạt 168,1 cm, tăng 3,7 cm so với năm 2010; nữ đạt 156,2 cm, tăng 2,6 cm so với năm 2010.
Mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995. Nếu tiếp tục triển khai tất cả các giải pháp can thiệp, chắc chắn chiều cao của người Việt sẽ còn tiếp tục tăng lên.
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nhận định: Tăng từ 2cm trong 1 thập kỷ đã là mức tăng nhanh, chỉ xảy ra ở các nước có nền kinh tế tăng tốc sau giai đoạn bị kìm hãm do khủng khoảng kinh tế hoặc do chiến tranh. Hiện tại, secular trend (hay hiện tượng tăng theo thời gian) về tăng trưởng chiều cao vẫn xảy ra ở các nước Hà Lan, Na-Uy, Anh... nhưng chỉ mức tăng 0,5cm/10 năm vì họ đã trải qua giai đoạn tăng hơn 2 cm/10 năm trong một thời kỳ dài.
Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia lý giải, mức tăng chiều cao nhanh như vậy là nhờ chăm sóc 1.000 ngày vàng đầu đời để giảm suy dinh dưỡng thấp còi (thấp về chiều cao). Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi tại nước ta đã giảm xuống từ 59% vào năm 1985 xuống còn 19,6% vào năm 2020.
Theo các chuyên gia, chiều cao của trẻ phụ thuộc vào 3 nguyên tắc đó là dinh dưỡng, sinh hoạt điều độ và tập luyện hợp lý.