10 thói quen buổi sáng phổ biến tàn phá sức khỏe

Xem điện thoại, uống cà phê ngay, bỏ ăn sáng, ít vận động, không uống nước, tiêu thụ nhiều đường, xem tin tức tiêu cực là các thói quen buổi sáng gây hại.

Thói quen buổi sáng có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và năng suất cả ngày của chúng ta. Một số thói quen tưởng chừng vô hại nhưng lại gây ra tác động tiêu cực nếu không được ngừng lại kịp thời.

Dưới đây là 10 thói quen buổi sáng cần thay đổi để có kết quả sức khỏe tốt hơn và tăng cường năng suất.

Nhấn nút báo lại đồng hồ

Nhiều người có thói quen nhấn nút báo lại nhiều lần sau khi đồng hồ báo thức kêu. Thói quen này khiến bạn cảm thấy lơ mơ và thiếu minh mẫn trong suốt cả ngày.

Thức dậy ngay từ lần báo thức đầu tiên giúp thiết lập một thói quen hiệu quả hơn và giảm căng thẳng do phải vội vàng chuẩn bị vào buổi sáng.

Kiểm tra điện thoại

Nhiều người thường kiểm tra điện thoại ngay khi thức dậy, lướt qua mạng xã hội hoặc email. Thói quen này tạo ra căng thẳng và lo âu không cần thiết từ sớm.

Thay vì lập tức sử dụng điện thoại, hãy dành vài phút thực hành chánh niệm, trò chuyện với gia đình hoặc lên kế hoạch cho ngày mới để có tư duy tích cực hơn.

Uống cà phê ngay khi thức dậy

Nhiều người uống cà phê ngay khi thức dậy vì nghĩ rằng thói quen này sẽ giúp tăng cường năng lượng. Tuy nhiên, tiêu thụ caffeine ngay lập tức có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất cortisol tự nhiên của cơ thể, dẫn đến tăng lo âu, thay đổi tâm trạng và rối loạn giấc ngủ nếu uống quá mức.

Bạn nên đợi đến sáng muộn mới thưởng thức cà phê để có kết quả tốt hơn cho sức khỏe.

Bỏ bữa sáng

Bỏ bữa sáng giúp giảm cân là quan niệm sai lầm. Thực tế, những người bỏ bữa sáng thường ăn quá nhiều vào cuối ngày, dẫn đến béo phì và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch.

Nghiên cứu cho thấy những người ăn sáng thường tiêu thụ nhiều dưỡng chất thiết yếu hơn và duy trì cân nặng hợp lý hơn. Do đó, ưu tiên ăn sáng là rất quan trọng cho sức khỏe toàn diện.

Bỏ bữa sáng giúp giảm cân là quan niệm sai lầm. Ảnh: Pexels

Bỏ bữa sáng giúp giảm cân là quan niệm sai lầm. Ảnh: Pexels

Lối sống ít vận động

Bắt đầu ngày mới mà không có bất kỳ hoạt động thể chất nào có thể gây hại cho sức khỏe. Lối sống ít vận động liên quan đến nhiều rủi ro sức khỏe như béo phì, bệnh tim mạch và các vấn đề về tinh thần như lo âu và trầm cảm.

Kết hợp ít nhất 30 phút tập thể dục vừa phải vào buổi sáng có thể giảm đáng kể những rủi ro này và thúc đẩy sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.

Không uống nước

Không uống nước ngay sau khi thức dậy có thể dẫn đến mất nước, gây đau đầu, mệt mỏi và giảm chức năng nhận thức. Đủ nước rất quan trọng để duy trì sức khỏe da, cải thiện tiêu hóa và tăng cường năng lượng.

Khuyến nghị nên uống ít nhất một hoặc hai ly nước khi thức dậy để kích hoạt trao đổi chất và giữ nước suốt cả ngày.

Không tiếp xúc đủ ánh sáng mặt trời

Bỏ qua việc tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên vào buổi sáng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng và năng lượng của bạn. Ánh sáng mặt trời giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể và hỗ trợ sản xuất vitamin D, rất quan trọng cho sức khỏe toàn diện.

Chỉ cần dành một chút thời gian ngoài trời hoặc mở rèm cửa sổ để đón ánh sáng cũng có thể cải thiện tâm trạng.

Tiêu thụ thực phẩm nhiều đường

Bắt đầu ngày mới với các loại ngũ cốc nhiều đường hoặc thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng đường huyết nhanh chóng, dẫn đến sụt giảm năng lượng sau đó.

Thay vào đó, chọn bữa sáng cân bằng gồm ngũ cốc nguyên hạt, protein và chất béo lành mạnh để ổn định đường huyết và duy trì năng lượng suốt cả ngày.

Không lập danh sách việc cần làm

Nếu không có kế hoạch rõ ràng cho ngày phía trước, bạn sẽ dễ dàng quên các công việc quan trọng hoặc cảm thấy quá tải với trách nhiệm.

Việc ghi chú những công việc thiết yếu mỗi buổi sáng giúp ưu tiên công việc của bạn và rõ ràng về những gì cần hoàn thành. Thói quen đơn giản này giảm căng thẳng bằng cách giữ bạn có tổ chức tốt và tập trung suốt cả ngày.

Tiêu thụ tin tức tiêu cực

Bắt đầu ngày mới với việc tiêu thụ tin tức tiêu cực qua tivi hoặc báo chí khiến tâm trạng trong ngày trở nên bi quan. Những "tin xấu" có thể khiến cơ thể phát ra hormone căng thẳng cortisol, ảnh hưởng không tốt đến tâm trạng của bạn.

Tốt hơn nên tập trung vào điều tích cực như đọc sách hoặc thiền thay vì tiêu thụ tin tức ngay từ đầu ngày.