11 triệu người chết vì "vui miệng"
Năm 2019, tạp chí The Lancet (Mỹ) công bố Phân tích tỷ lệ tử vong và gánh nặng bệnh tật do cơ cấu chế độ ăn uống ở 195 quốc gia và khu vực, thu hút sự chú ý trên toàn thế giới.
Là nghiên cứu lớn đầu tiên trong lĩnh vực chế độ ăn uống toàn cầu, nghiên cứu đã phân tích sự hấp thụ của 15 yếu tố trong chế độ ăn uống ở 195 quốc gia, cũng như mối quan hệ với tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2017. Người ta thấy rằng chế độ ăn uống không lành mạnh đã gây ra 22% số ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương với 11 triệu người mất mạng chỉ vì "vui miệng, ăn nhầm''.
Trong số đó, chế độ ăn uống của Trung Quốc đã thu hút nhiều sự chú ý. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những ca tử vong do các vấn đề về chế độ ăn uống gây ra ở Trung Quốc là nổi bật nhất, thậm chí cao hơn cả Mỹ, quốc gia vốn được coi là nơi "thống trị về đồ chiên rán''.
Đánh giá từ kết quả nghiên cứu, các vấn đề về chế độ ăn uống gây ra tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao như vậy chủ yếu là: ăn quá nhiều muối, ăn không đủ trái cây và ăn không đủ ngũ cốc thô. Cụ thể như sau:
- Ăn quá nhiều muối: Ăn quá nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, đột quỵ, ung thư dạ dày. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người lớn nên tiêu thụ ít hơn 6g muối mỗi ngày, nhưng từ thực tế khảo sát, lượng muối tiêu thụ trung bình của người dân trên toàn thế giới đang là khoảng 8-10g mỗi ngày.
- Ăn không đủ trái cây: Dữ liệu cho thấy lượng trái cây bình quân đầu người hàng ngày của nhiều quốc gia là dưới 50g, còn một khoảng cách khá xa so với lượng được khuyến nghị là 200-350g.
- Ăn không đủ ngũ cốc thô: Ngũ cốc thô là loại ngũ cốc chưa được chế biến mịn. Nó rất giàu chất xơ, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác, nhưng hầu hết mọi người vẫn quen ăn ngũ cốc tinh chế (gạo), dẫn đến ăn không đủ lượng hạt thô tiêu thụ.
Bớt "vui miệng" để sống lâu hơn
Rõ ràng không thể coi thường những tác hại của việc ăn theo khẩu vị của bản thân một cách mù quáng đối với sức khỏe. Ăn như vậy có thể dẫn đến ba bệnh chính: bệnh tim mạch, ung thư và bệnh tiểu đường tuýp 2.
1. Bệnh tim mạch
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Washington (Mỹ) phát hiện ra rằng thói quen ăn uống không lành mạnh có liên quan trực tiếp đến sự xuất hiện của hơn 400.000 bệnh tim và mạch máu, chủ yếu là do hấp thụ quá nhiều muối và axit béo chuyển hóa.
2. Ung thư
Sự không lành mạnh trong thói quen ăn chủ yếu có liên quan đến ung thư dạ dày và ung thư ruột. Ung thư dạ dày là do ăn quá mặn, lượng muối tiêu thụ quá nhiều, điều này không ngừng kích thích niêm mạc dạ dày, gây viêm dạ dày và loét dạ dày, và làm tăng thêm nguy cơ ung thư dạ dày.
Bệnh ung thư đường ruột là do ăn quá nhiều thịt, ăn quá ít rau, ăn quá nhiều chất đạm dẫn đến chế độ ăn không cân đối, dễ bị táo bón, ruột bị kích thích nhiều lần sẽ dẫn đến ung thư.
3. Bệnh tiểu đường tuýp 2
Thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn quá tinh (ăn nhiều thực phẩm được chế biến nhiều lần), ăn quá no, không cân đối dinh dưỡng… sẽ làm tăng áp lực chuyển hóa glucose, dẫn đến tăng đường huyết và gây ra bệnh tiểu đường.
Vì vậy, ăn như thế nào là tốt cho sức khỏe? Tác giả của nghiên cứu đăng trên tờ The Lancet đã đưa ra giá trị hấp thụ được khuyến nghị của 15 nguyên tố dinh dưỡng:
- Lượng natri (có trong muối) hàng ngày 3g, hoa quả mỗi ngày 250g, ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày ăn 125g;
- Mỗi ngày uống 435g sữa, 60g đậu, 23g thịt đỏ;
- Mỗi ngày ăn 21g các loại hạt, 360g rau, 24g chất xơ;
- Mỗi ngày bổ sung 250mg axit béo omega-3, 1,25g canxi và 3g đồ uống có đường;
- Lượng axit béo chuyển hóa hàng ngày 0-1g, ăn 2g thịt chế biến hàng ngày, lượng axit béo không bão hòa đa hấp thụ hàng ngày 9-13% tổng năng lượng cung cấp năng lượng.
Nếu bạn cảm thấy những số liệu trên quá khó nhớ thì bác sĩ Zhang Pianhong, Trưởng khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện trực thuộc thứ 2 Đại học Y khoa Chiết Giang (Trung Quốc) sẽ ngắn gọn đưa ra 4 điểm chính như sau:
- Natri: Kiểm soát lượng muối ăn hàng ngày của bạn xuống dưới 6g mỗi người và hạn chế ăn các thực phẩm chứa natri đã qua chế biến. Nếu việc hạn chế muối dẫn đến lượng i-ốt không đủ, bạn có thể tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu i-ốt như tảo bẹ và rong biển.
- Hoa quả: Tăng cường ăn hoa quả tươi nhưng không dùng hoa quả làm thực phẩm chính để tránh gây béo, chỉ nên ăn khoảng nửa phần hoa quả mỗi ngày, không nên ăn quá nhiều.
- Đậu: Tăng cường ăn đậu. Đậu là nguồn cung cấp protein thực vật chính, những ai không thích ăn các loại hạt có thể dùng đậu hoặc các sản phẩm từ đậu nành để thay thế.
- Các yếu tố dinh dưỡng khác: Tăng hoặc giảm ăn một chất dinh dưỡng tùy theo tình hình thực tế của cá nhân, ví dụ người có đường huyết và lipid máu cao có thể tăng ăn ngũ cốc nguyên hạt một cách thích hợp. Nếu bạn có một vóc dáng đặc biệt, bạn có thể hỏi bác sĩ để có kế hoạch dinh dưỡng cụ thể hơn.
Nhìn chung, để giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh tật, chúng ta phải xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh hơn. Nhưng đồng thời cũng không được bỏ qua các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc, uống rượu, thức khuya… Bạn cũng phải điều chỉnh lối sống, hình thành thói quen tốt để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Nguồn và ảnh: The Lancet, 39 Health Network