Những ngày đầu năm quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, những chuyến tàu, chuyến xe và các địa điểm tâm linh chùa chiền là nơi rất đông người. Cùng với đó thời tiết những ngày này lạnh là điều điện thuận lợi để cho virus phát triển, lây lan. Chúng ta biết, ở nhiệt độ càng thấp thì virus càng dễ phát triển, nhất là virus cúm, trong đó có cả virus corona.
Hầu hết virus sống kí sinh thường phải có vật chủ, đó có thể là các loại động vật như chim, chó, mèo… Virus corona cũng như vậy nhưng chưa biết chính xác được vật chủ là con nào. Tuy nhiên người ta đã ghi nhận nó lây sang người và lây từ người này sang người khác là rất đáng báo động, chúng biến con người thành vật chủ mới để gây bệnh.
Ảnh minh họa
Hiện nay virus corona chưa tìm ra được vacxin để ngăn ngừa cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Trong thời gian tới, chúng ta chưa biết diễn biến dịch bệnh do virus corona ra sao nên mọi người cần chủ động có những giải pháp dự phòng. Dự phòng tốt, nâng cao sức đề kháng, khả năng lây nhiễm virus là rất thấp.
Dưới đây là 15 giải pháp giúp dự phòng và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus corona:
1. Rửa tay thường xuyên. Hoạt động thường ngày thường phải dùng đến tay như mở cửa, lái ô tô thanh toán tiền… Sau mỗi hoạt động này cần rửa tay bằng các loại xà bông sát khuẩn hoặc các loại nước sát khuẩn tay nhanh
2. Hạn chế tối đa đưa tay tiếp xúc lên vùng mặt.
3. Súc họng bằng các dung dịch chuyên dụng hoặc nước muối ít nhất là 3 thời điểm gồm: sau khi đi làm về hoặc từ những chỗ đông người về; trước khi đi ngủ; sau khi ngủ dậy. Đặc biệt là với trẻ nhỏ cha mẹ cần lưu tâm cho trẻ vệ sinh răng miệng thường xuyên, trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy hoặc đi chơi về dùng dung dịch sát khuẩn rửa mũi, tai… cẩn thận.
4. Lưu ý khi ho, hắt hơi khi đi ngoài đường. Nên dùng khăn giấy hoặc khăn ướt khi ho, hắt hơi thay vì việc dùng tay che miệng.
5. Nâng cao thể trạng
Virus thường gây bệnh cho những người có sức đề kháng kém như người già,trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, hen suyễn… Những người này trong thời gian này càng cần lưu tâm đến ăn uống nâng cao thể trạng, hạn chế ra ngoài. Tập thể dục, uống vitamin C mỗi ngày, uống nhiều nước, giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng.
6. Sử dụng khẩu trang bảo vệ khi ra ngoài, tiếp xúc chỗ đông người, tốt nhất là dùng loại khẩu trang 3 lớp. Loại khẩu trang dùng 1 lần tuyệt đối không dùng lại.
7. Cần tránh đến những chỗ đông người; tránh đến các vùng dịch. Ở những bến xe, bến tầu đông đúc hạn chế, nếu không cần đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện. Cùng với đó hạn chế tiếp xúc với các loại động vật như chó, mèo, gà...nhất là đến vườn thú; tránh dùng chung các vật dụng, tránh gắp thức ăn cho nhau …
8. Sát khuẩn bề mặt vật dụng thường ngày. Chẳng hạn điện thoại đi làm về là cho một ít dung dịch sát khuẩn..., trước khi ăn cơm có những người rửa tay sạch sẽ nhưng sau đó lại cầm điện thoại chưa được sát khuẩn cũng là bằng không.
9. Ra ngoài trời lạnh cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, mũi và bàn tay, chân và ngủ nên để nhiệt độ điều hòa trên 25 – 27 độ C.
10. Nấu chín các loại thực phẩm gia cầm trước khi sử dụng, tuyệt đối không nên giết mổ các loại động vật trong giai đoạn này.
11. Tiêm phòng cúm hàng năm.
12. Khi có các triệu chứng như đau nhức xương khớp, sốt, ho, tức ngực, rối loạn tiêu hóa thì đầu tiên nên cách ly, nếu được nên ở phòng riêng để hạn chế lây nhiễm cho người khác vì không biết được có phải là virus cúm hay không. Đồng thời báo cho trung tâm y tế gần nhất hoặc gọi vào đường dây nóng của Bộ Y tế để tư vấn dịch cúm này. Nếu bắt buộc phải tới bệnh viện, sức khỏe cho phép nên đi xe riêng hoặc là taxi, hạn chế đi xe công cộng hạn chế lây chéo mọi người. Khi đi đeo khẩu trang, mặc quần áo dài, ngồi 1 góc hạn chế đi lại, nói chuyện, tiếp xúc mọi người.
13. Nên điều trị tốt các bệnh lý nền, các bệnh mãn tính như tiểu đường, viêm phổi, viêm họng, nhiễm trùng sau phẫu thuật để tránh suy giảm miễn dịch.
14. Thường xuyên mở cửa nhà cho thông thoáng nếu thời tiết nắng ấm và dọn vệ sinh nhà cửa hằng ngày, dùng vệ sinh sát khuẩn những vật dụng như nắm cửa, bàn ăn…
15. Nếu có người nhà bị sốt không rõ nguyên nhân thì nên liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế, đồng thời nên cách ly và ăn uống để nâng cao thể trạng cho người bệnh.
Ngoài ra, khi ra ngoài mỗi người nên chuẩn bị cho mình các vật dụng như sát khuẩn tay nhanh, khẩu trang y tế, một hộp khăn giấy. Đặc biệt, đối với trẻ mẫu giáo nếu có điều kiện nên cho ở nhà trong giai đoạn này.