Trường hợp đầu tiên là người đàn ông 64 tuổi, sống ở Nam Định, có tiền sử đái tháo đường, vào viện vì sưng mặt, mắt phải gần mất thị lực, đau răng hàm trái. Hơn ba tuần trước khi nhập viện, ông mắc Covid-19 và tự theo dõi tại nhà.
Các bác sĩ chẩn đoán viêm xoang cấp, nghi ngờ áp xe, phẫu thuật ghi nhận hoại tử đen niêm mạc xoang hàm, cánh mũi, phần che phủ trước gò má. Giải phẫu bệnh cho thấy bệnh nhân bị nhiễm nấm đen Mucormycosis, phải sử dụng thuốc kháng nấm.
Trải qua hơn một tháng điều trị, mức độ hoại tử tăng nặng, phải phẫu thuật tạo hình hàm mặt. Bệnh nhân rơi vào suy kiệt, sốc nhiễm khuẩn và tử vong sau đó.
Trường hợp thứ hai, người đàn ông 59 tuổi, quê Hà Tĩnh, chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cuối tháng 3. Bệnh nhân mắc tăng huyết áp, đái tháo đường trước đó nhưng không điều trị.
15 ngày trước nhập viện, ông bị sưng đau vùng hàm mặt bên trái, phải nhổ răng. Một ngày sau, ông mắc Covid-19, tự theo dõi tại nhà. Bệnh nhân tiếp tục sưng đau mặt, xuất hiện sốt, đau đầu, khó thở. Vào bệnh viện địa phương, bệnh nhân lơ mơ, CT-Scan sọ có tụ khí nội sọ, tổn thương thùy thái dương.
Khi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh sưng nề toàn bộ mặt lan đến vùng cổ, mắt trái sưng lồi, chảy mủ, đồng tử giãn, gần như mù. MRI sọ não ghi nhận bệnh nhân nhồi máu não, tắc động mạch não giữa, viêm đa xoang biến chứng, viêm màng não.
Bác sĩ điều trị theo hướng nhiễm trùng huyết, dùng kháng sinh phổ rộng, sau đó mổ cấp cứu cắt lọc hoại tử, lấy bỏ áp xe răng, mở sọ giảm áp. Bệnh viện xác định bệnh nhân nhiễm nấm Mucormycosis, điều trị tích cực nhưng vẫn hôn mê sâu, tổn thương não. Gia đình xin về và bệnh nhân tử vong sau đó.
Ca bệnh thứ ba là người phụ nữ 72 tuổi, sống tại Hà Nội, nhập viện giữa tháng 6 do đau răng hàm mặt, đau hốc mắt, tiền sử viêm xoang, đái tháo đường không kiểm soát tốt. Bệnh nhân chưa ghi nhận nhiễm Covid-19. Các bác sĩ mổ cấp cứu, lấy phần hoại tử, áp xe và cấy ra nấm sợi, cho kết quả tổn thương do nhiễm nấm Mucormycosis. Bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh, kháng nấm, đang có cải thiện.
Theo phó giáo sư Cường, cả ba ca bệnh đều có nấm Mucormycosis gây tổn thương hàm mặt, trên người có bệnh lý đái tháo đường, có thể sau khi mắc Covid-19. Trong đó, bệnh nấm đen Mucormycosis là một bệnh nhiễm trùng nấm nghiêm trọng, hiếm gặp. Thống kê trên thế giới, tỷ lệ nhiễm nấm này dao động từ 0,005 đến 17 trên một triệu dân. Bệnh nhân nhiễm nấm sau mắc Covid-19 chiếm 76%, sau mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát là 80%; nam giới chiếm nhiều ca mắc hơn, tỷ lệ tử vong khoảng 31%.
Ấn Độ là nước có tỷ lệ nhiễm bệnh cao gấp hơn 80 lần các quốc gia khác, liên quan chặt đến yếu tố nguy cơ là đái tháo đường và dùng corticoid. Sau dịch Covid-19, nước này từng báo cáo hàng loạt ca nhiễm nấm đen ở bệnh nhân từng nhiễm nCoV, thường xảy ra 12-18 ngày sau khỏi Covid-19. Tỷ lệ tử vong lên hơn 90% nếu tổn thương xâm lấn vào não.
Nấm sống ở môi trường như đất, nước, nhất là chất hữu cơ như rau quả đang thối rữa, con người có thể hít vào hoặc bị xâm nhập qua vết xước trên da. Nấm dễ xâm nhập người suy giảm miễn dịch, đặc biệt là người bệnh đái tháo đường trong giai đoạn biến chứng, người sử dụng nhiều corticoid, người bệnh ung thư...
Hồi giữa tháng 7, hơn 20 ca bệnh hoại tử xương sọ - mặt xuất hiện tại một số bệnh viện tại TP HCM như Răng Hàm Mặt Trung ương, Tai Mũi Họng, Chợ Rẫy. Điểm chung ở họ là từng mắc Covid-19, song không rõ bệnh có liên quan Covid-19 hay không. Trong đó, hai người đã tử vong. Một số trường hợp trong số này nhiễm nấm Candida, Aspergilus. Đại diện các bệnh viện nhận định số ca bệnh tăng bất thường, tăng số lượng người bị hoại tử xương hàm trên, xương sọ, vùng hàm mặt.
Bộ Y tế sau đó đã họp hội đồng chuyên môn để đánh giá các ca bệnh, xác định bệnh hoại tử xương sọ - mặt không phải bệnh lạ , khuyến cáo người dân không hoang mang. Hội đồng chưa kết luận Covid-19 có liên quan bệnh hoại tử xương sọ mặt hay không.