Ngày 25/12 vừa qua, một nữ sinh sống ở thành phố Đào Viên, Đài Loan đăng trên trang Dcard rằng: "Ruột già của tôi dài ra sát tới tim". Cô chia sẻ thêm mình bị táo bón từ nhỏ, thường xuyên phải ngồi xổm đến 2 tiếng để đại tiện. Kỷ lục lâu nhất của cô là 17 ngày không đại tiện.
Mỗi lần đại tiện, phân của cô giống như phân dê, rất ít. Mặc dù uống nhiều loại thuốc làm mềm phân, bổ sung nước, ăn nhiều rau, đu đủ, uống men vi sinh suốt cả tuần vẫn vô dụng.
Sau đó, cô đến bệnh viện Taipei City Hospital Renai để khám và chụp X-quang, bác sĩ phát hiện ruột gia bị ép lên gần tim, thậm chí đoạn cuối của ruột già gần như không có nếp nhăn, có thể là phân đã tích tụ ở đoạn đó nhiều năm. Cách điều trị duy nhất lúc này là cắt bỏ toàn bộ ruột già.
Chia sẻ về trường hợp này, bác sĩ Đàm Vinh Thành, trưởng khoa Phẫu thuật Đại trực tràng của Bệnh viện Cơ Đốc Phục Lâm Đài Loan cho biết: "Chiều dài ruột già của một người bình thường là khoảng 90cm. Tuy nhiên, nếu phân bị tích tụ do các vấn đề về đường ruột như táo bón hoặc các bệnh khác, chiều dài của ruột già sẽ dài ra. Trong một số trường hợp như bệnh nhân bị có vấn đề về ruột già, nó có thể dài ra tới 180cm".
Nếu chiều dài của ruột già tăng bất thường đến mức khoang bụng không thể chứa được, nó sẽ chèn ép lên cơ hoành và rút ngắn khoảng cách giữa tim và phổi. Bác sĩ Đàm cho biết, trên thực tế, một số bệnh nhân bị táo bón nặng sẽ khó thở. Nguyên nhân là do ruột già quá dài chèn ép cơ hoành.
Bác sĩ Đàm nói thêm: "Ruột già có các cơ co giãn nên dù chiều dài của nó rất dài, miễn là có thể tống phân tích tụ ra ngoài, nó sẽ dần co lại bình thường. Tuy nhiên nếu những ai 3 ngày không đại tiện, tốt nhất nên đi khám".