Bộ Y tế vừa cho biết, để có được thông tin dịch tễ của từng bệnh nhân cung cấp cho tổ truy vết tại địa phương, Bộ Y tế đã chỉ đạo thành lập một “sở chỉ huy” đặc biệt, hoạt động dưới sự phối hợp của các cơ quan ban ngành và đội ngũ chủ lực là các sinh viên từ trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Đây là bước đầu quan trọng giúp tổ truy vết tại địa phương có được “bằng chứng” dịch tễ và thông tin của các F1, F2 chính xác đi từng ngõ, gõ từng nhà. Việc khoanh vùng nguồn lây nhanh và chuẩn hoàn toàn phụ thuộc vào đội truy vết đặt biệt này.
Các thành viên trong “sở chỉ huy” đặc biệt đặt tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương.
TS.BS Ngũ Duy Nghĩa – Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), thành viên đoàn công tác chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương cho biết: “Công tác truy vết là một trong những biện pháp vô cùng quan trọng nhằm nhanh chóng khoanh vùng nguồn lây, dập dịch thành công. Bộ Y tế luôn nhấn mạnh và chú trọng về vấn đề này, đồng thời soạn sổ tay về thực hành kỹ năng truy vết để triển khai truy vết bài bản, hiệu quả”.
Chia sẻ về việc thành tập tổ truy vết đặc biệt, ông Nghĩa cho biết, việc truy vết yêu cầu phải nhanh chóng, thần tốc và triệt để vì vậy cần huy động rất nhiều lực lượng bao gồm các sinh viên.
Đến ngày 30/1, tổ truy vết huy động được 600 sinh viên của trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, trong đó 300 sinh viên tham gia lấy mẫu xét nghiệm; 300 sinh viên còn lại chia làm 2 lực lượng, một cánh tỏa xuống các địa phương truy vết và một nhóm tập trung tại CDC Hải Dương truy vết các ca bệnh F0 điều tra dịch tễ liên quan, danh sách tiếp xúc gần chuyển xuống địa phương thực hiện cách ly.
Sau khi các đối tượng lấy mẫu cộng đồng có thông tin về ca bệnh, ngay lập tức tổ truy vết sẽ thực hiện gọi điện truy vết dịch tễ, các đối tượng tiếp xúc gần và thống kê báo cáo, lập danh sách chuyển đi cho địa phương.
Thông tin thêm về tổ truy vết đặc biệt này, ông Nghĩa nhấn mạnh: “Nhanh chóng và không bỏ sót bất kỳ trường hợp nào là mục tiêu quan trọng nhất. Bởi đây chính là nguồn lây tiềm tàng và trực tiếp, cần phải nhanh chóng truy vết tối đa có thể, khoanh gọn nguồn lây tránh lây lan trong cộng đồng. Hơn nữa phải thần tốc, có ca bệnh là triển khai ngay, rồi chuyển xuống thực địa để cách ly”.
Lực lượng làm việc tại sở chỉ huy đặt ở CDC Hải Dương bao gồm 25 sinh viên và các cán bộ CDC, giáo viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Trung bình một ngày có 40-50 ca F0 cần truy vết, nhóm truy vết chia làm 5 tiểu đội, mỗi tiểu đội sẽ phụ trách 10-15 trường hợp, đảm bảo truy vết hết các bệnh nhân trong ngày.
Tổ truy vết qua điện thoại đã được thành lập từ ngày 28/1. Sau 2 ngày hoạt động, tổ truy vết qua điện thoại đã đi vào hoạt động trơn tru bài bản, ông Nghĩa chia sẻ thêm.
Các thành viên trong Tổ truy vết cũng cho biết, trong quá trình điều tra, nhiều bệnh nhân không nhớ được tên hay số điện thoại của những người tiếp xúc gần, khiến tổ truy vết gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra dịch tễ.