Vũ Thu Hoài (21 tuổi, quê Hưng Yên) và chồng tìm tới bác sĩ khám vì chậm có con. Hoài cho biết hai vợ chồng kết hôn từ tháng 7 năm ngoái, dù không thực hiện biện pháp tránh thai gì nhưng đến nay vẫn không có con.
Khi khám cho Hoài, bác sĩ không thấy bất thường ở tử cung. Tuy nhiên, chu kỳ kinh nguyệt của Hoài lại bị rối loạn.
Cô cho biết khoảng 2 năm nay chu kỳ thay đổi. Có lúc 1 tháng xuất hiện 2 lần nhưng có lần 3,4 tháng mới đến. Đặc biệt từ khi kết hôn, Hoài phải thử thai liên tục vì chu kỳ 3, 4 tháng mới ghé thăm.
Vì bản thân thấy mình khoẻ, cơ thể không cảm thấy đau hay dấu hiệu của bệnh tật nên cô không đi khám bệnh. Chỉ đến khi thấy lâu mang thai Hoài và chồng mới đi kiểm tra.
Bác sĩ khám cho Hoài chẩn đoán cô bị rối loạn rụng trứng khiến cho việc có con chậm hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành – Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ như tấm gương phản chiếu sức khoẻ của chị em. Khi chu kỳ kinh nguyệt thất thương cũng là dấu hiệu cảnh báo vô sinh.
Bình thường, chu kỳ của chị em trung bình dài 28 ngày. Nhưng bất cứ thay đổi trong vòng vài ngày sau đó đều có thể được coi là bình thường, miễn là các chu kỳ đó nhất quán. Ví dụ, một phụ nữ có chu kỳ 33 ngày một tháng, chu kỳ 31 ngày vào tháng tiếp theo và chu kỳ 35 ngày sau đó, có thể là coi là bình thường.
Nhưng một phụ nữ có chu kỳ thay đổi nhiều đến mức không thể ước tính thời điểm kinh nguyệt của mình. Điều này có thể liên quan đến các vấn đề về hormone hoặc hội chứng buồng trứng đa nang. Cả hai điều này đều có thể góp phần gây vô sinh.
TS. BS Lê Minh Châu – chuyên khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa An Việt, cho biết rối loạn kinh nguyệt có một số biểu hiện như chị em bị ra máu giữa kỳ. Kinh nguyệt không đều, quá ngắn hoặc quá dài, quá nhiều hoặc quá ít. Có sự thay đổi về màu sắc, xuất hiện mùi hôi.
Nếu không sớm điều trị hoặc điều trị không đúng cách thì có thể ảnh hưởng tới khả năng thụ thai, tăng nguy cơ vô sinh...
Nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt, BS Châu cho biết, có thể do buồng trứng hoạt động không ổn định, rối loạn nội tiết, suy sớm buồng trứng, quá sản nội mạc tử cung... Buồng trứng đa nang, viêm nhiễm phụ khoa, u xơ tử cung...
Một số trường hợp do bệnh lý tuyến yên, tuyến giáp hoặc do dùng một số loại thuốc như thuốc điều trị về hướng thần, thuốc tiểu đường, cao huyết áp cũng làm rối loạn kinh nguyệt. Thậm chí do tâm lý căng thẳng, chế độ ăn uống…
BS Châu cho biết điều trị rối loạn kinh nguyệt cần điều trị theo nguyên nhân, tùy vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ có những cách điều trị phù hợp. Khi bị rối loạn kinh nguyệt cần thăm khám, điều trị với bác sĩ chuyên môn, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hay điều trị mẹo, các cách chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.
BS Châu khuyến cáo thêm nếu có dấu hiệu vô sinh và đã cố gắng thụ thai hơn một năm (hoặc 6 tháng nếu trên 35 tuổi) cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán. Ngay cả khi được chẩn đoán là vô sinh, chị em vẫn có cơ hội thụ thai qua các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Trước thực trang gia tăng các cặp vợ chồng trẻ vô sinh, bác sĩ khuyến cáo các cặp vợ chồng nên thực hiện lối sống chung thủy một vợ một chồng để tránh lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh xã hội, bệnh phụ khoa ảnh hưởng đến sinh sản. Không nạo hút thai nhiều lần. Tránh căng thẳng thường xuyên, vì stress là nguyên nhân dẫn đến rối loạn nội tiết tố, gây khó thụ thai.
Phụ nữ cần có thói quen kiểm tra phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh dễ gây vô sinh như tắc vòi trứng, nhiễm khuẩn sinh dục, viêm tử cung. Tránh các thói quen có hại như uống rượu, hút thuốc, thụt rửa âm đạo liên tục…