PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, tủ lạnh đem lại rất nhiều sự tiện lợi trong cuộc sống hàng ngày. Đồ ăn thức uống muốn bảo quản được lâu hơn, lại thơm ngon tươi mới thì không thể thiếu tủ lạnh. Suy nghĩ như vậy nên nhiều người hiện nay rất lạm dụng tủ lạnh. Có bất cứ đồ ăn thức uống nào chưa dùng đến hoặc còn thừa đều được bỏ vào tủ lạnh.
Chuyên gia nhận định, điều này thực sự sai lầm. Có rất nhiều thực phẩm muốn tốt cho sức khỏe thì không nên bỏ vào tủ lạnh. Tương tự như vậy, không phải đồ ăn thừa nào cũng nên cất vào tủ lạnh để giữ nguyên giá trị dinh dưỡng. Nhiều loại thức ăn thừa còn sản sinh chất gây ung thư ngay cả khi bảo quản trong tủ lạnh chứ không hề an toàn như chúng ta đang nghĩ.
3 loại thức ăn thừa sản sinh chất gây ung thư ngay cả khi cất tủ lạnh
1. Rau xào, canh rau, rau luộc
Rau củ là một phần không thể thiếu trong thực đơn ăn uống hàng ngày. Nhiều bà nội trợ thường có xu hướng làm nhiều hơn bình thường vì sợ cả nhà ăn thiếu. Kết quả là khi kết thúc bữa cơm, những món rau xào, canh rau hay rau luộc... còn thừa nhiều. Nhiều người đem bảo quản tủ lạnh để ăn vào bữa sau như nhiều loại thức ăn thừa khác.
Tuy nhiên, ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198) khẳng định, các loại rau đã nấu chín cất trong tủ lạnh càng lâu thì càng nguy hiểm. Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tác hại của những món rau ăn thừa được bảo quản trong tủ lạnh qua đêm.
Ngay cả khi không bị ôi thiu, vẫn có hương vị ngon miệng thì rau ăn thừa để qua đêm và dùng cho bữa sau đều có khả năng sản sinh chất gây ung thư.
"Các loại rau xanh thường có hàm lượng nitrat cao. Khi đem nấu chín, ăn còn thừa rồi đem cất vào tủ lạnh, nhất là để qua đêm, sẽ biến thành nitrit. Đây là một chất gây ung thư cực độc", chuyên gia khẳng định.
Khi đi vào dạ dày, nitrit sẽ hình thành N-nitroso. Ăn nhiều những loại rau xào, rau luộc hay canh để qua đêm trong tủ lạnh về lâu dài là nguyên nhân gây ung thư thực quản, ung thư dạ dày. Nhẹ hơn thì bạn sẽ thường xuyên mắc các bệnh ở đường tiêu hóa như đi ngoài, đau bụng, nhiễm trùng đường tiêu hóa...
2. Nước canh xương
Nước canh xương vốn rất dễ ăn. Dù là vào mùa hè hay mùa đông, loại nước này cũng đều có thể chế biến thành những món ăn bổ dưỡng cho cả gia đình. Nhiều bà nội trợ thường nấu thật nhiều nước canh xương, dùng không hết thì đem trữ đông đá để dùng dần. Thậm chí có thể dùng kéo dài từ tháng này qua tháng khác.
Tuy nhiên, bảo quản thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh theo cách này thực sự không tốt cho sức khỏe. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, bảo quản thực phẩm dạng nước như nước xương trong tủ lạnh càng lâu thì nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao, dù bạn đã cẩn thận cấp đông.
Chưa kể, thời gian lưu trữ trong tủ lạnh càng lâu, hàm lượng nitrit trong nước canh cũng càng cao, nguy cơ bị ung thư càng lớn. Nguyên nhân bởi hàm lượng muối, gia vị được bổ sung vào nước canh xương trong quá trình đun nấu để món canh ngon ngọt hơn.
Riêng những loại nước canh ăn thừa để lại qua đêm trong nồi kim loại như nhôm, inox còn dễ bị thôi nhiễm chất độc hại từ các sản phẩm kim loại ra món ăn. Sử dụng nước canh xương bảo quản trong tủ lạnh bằng cách này dễ khiến bạn có nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
3. Hải sản
Vào những ngày hè nóng nực như hiện nay, nhiều gia đình thích mua hải sản về ăn quây quần vào buổi tối cuối tuần. Hải sản rất giàu canxi, bổ dưỡng nhưng chỉ đúng khi được chế biến và ăn luôn. Ăn hải sản để qua đêm cực kỳ hại sức khỏe.
Nguyên nhân bởi, hải sản ăn thừa để qua đêm sẽ sản sinh chất thoái biến của protein, cực kỳ hại gan, thận. Chưa kể nguy cơ sản sinh ra vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, dù bạn bảo quản trong tủ lạnh.
4 cách tránh mắc bệnh từ thức ăn thừa bảo quản trong tủ lạnh
Ngoài việc không nên để thức ăn thừa qua đêm, nhất là 3 món ăn trên, chị em cần ghi nhớ một số cách bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh, tránh gây bệnh:
1. Thức ăn thừa cần cất vào tủ lạnh kịp thời
Dù là mùa đông hay mùa hè, chị em không nên để thức ăn thừa bên ngoài trong thời gian dài. Càng để lâu, vi khuẩn sinh sản càng nhiều khi được tiếp xúc với môi trường không khí bên ngoài.
2. Đựng thức ăn thừa ra những đồ dùng có chất liệu bằng sành, sứ
Thức ăn còn thừa trong xoong, nồi nên được đổ ra bát, đĩa sành, sứ cho nguội hẳn rồi đem cất vào tủ lạnh để dùng cho bữa sau. Những đồ dùng bằng sành, sứ sẽ bảo quản thực phẩm nấu chín an toàn hơn.
Bạn cũng nên sử dụng màng bọc thực phẩm chất lượng để tránh vi khuẩn xâm nhập tối đa. Có thể sử dụng hộp nhựa, túi zip nhưng cần chú ý sản phẩm chất lượng, uy tín, tránh nguy cơ thôi nhiễm nhựa ra thức ăn thừa.
3. Hâm nóng thức ăn thừa trước khi ăn
Ăn nóng bao giờ cũng tốt hơn là ăn ở dạng nguội lạnh. Lời khuyên cho bạn là thức ăn thừa sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh đem hâm nóng lại. Bạn có thể sử dụng lò vi sóng, đun trên bếp. Khi làm nóng món ăn chú ý lột bỏ màng bọc thực phẩm , đậy bằng những chất liệu sành sứ sẽ an toàn hơn.
4. Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên
Thức ăn thừa hay bất cứ dạng đồ ăn sống chín nào đem bảo quản trong một chiếc tủ lạnh bẩn đều sẽ gây hại sức khỏe. Tủ lạnh không được vệ sinh thường xuyên, đúng cách sẽ trở thành ổ chứa của các loại vi khuẩn như E.Coli. Đây là vi khuẩn sinh sôi ngay ngay cả trong môi trường lạnh.
Do đó, cách tốt nhất là bạn nên cọ rửa, lau chùi tủ lạnh thường xuyên để ngăn chặn tình trạng nhiễm khuẩn chéo này.