Nắng nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều, dễ bị mất nước. Vì vậy chúng ta cần bù lại lượng nước bị mất đi nhằm giữ cho cơ thể cân bằng, phòng ngừa các rối loạn điện giải trong cơ thể do mất nước.
1. Nước chanh - loại nước uống giải nhiệt tốt trong mùa nóng
Nước chanh có tác dụng sinh tân dịch, cải thiện tình trạng khô khát, trừ nhiệt, dùng chữa các bệnh khô nóng do nhiệt.
Chanh có tác dụng thanh nhiệt, thanh phế, trừ đàm, có vị chua, tính mát, giải độc, tăng sức đề kháng, chống oxy hóa; quy kinh phế, vị và can. Nước chanh có tác dụng thanh nhiệt trị chứng sốt, viêm nhiễm.
Nước chanh là một thứ nước giải khát rẻ tiền, dễ mua, dễ làm. Tuy là thức uống giải khát rất tốt nhưng chớ lạm dụng vì dùng nhiều nước chanh cũng gây tác hại cho sức khỏe như làm hỏng men răng, hại dạ dày…
Nước chanh giải nhiệt, tăng sức đề kháng.
2. Nước cam
Là một loại quả rất giàu các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể: Vitamin, khoáng chất, flavonoid, chất chống oxy hóa, đặc tính chống viêm và chống vi khuẩn… có tác dụng thanh nhiệt, thanh phế, trừ đàm, có vị ngọt, tính mát, giải độc, tăng sức đề kháng, chống oxy hóa; quy kinh phế, vị và can.
Cam chứa nhiều vitamin C, là một thức uống giải khát rất thơm ngon và bổ dưỡng vào mùa hè.
Nước cam chứa nhiều vitamin C giải khát mùa nóng.
3. Trà xanh
Trà có tác dụng thanh nhiệt, giáng hỏa, tiêu thực, làm hưng phấn thần kinh, chống khát nước, mệt mỏi. Khi đi nắng về hoặc đang làm việc ngoài trời nắng, uống trà xanh vào thấy dễ chịu, giảm khát nước, thấy khoan khoái trong người.
Thanh trà (chè xanh) có tác dụng thanh nhiệt giải độc nhiều hơn. Hồng trà (chè khô) thiên về tiêu tích trệ. Uống trà đúng mức giúp cho tiêu hóa tốt, nếu uống quá nhiều làm tổn thương tân dịch của tỳ vị dẫn đến ăn kém.
Người tỳ vị mắc chứng hư hàn thì không nên uống nhiều trà. Trà thường uống vào buổi sáng, buổi trưa, không nên uống vào buổi tối kích thích thần kinh gây mất ngủ.
Trà xanh chống khát nước, mệt mỏi.
4. Nước dừa
Nước dừa vị ngọt mát, tính bình; vào kinh tỳ, thận và vị; tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu, giải độc, cầm máu.
Nước dừa chứa nhiều nước; có protein, lipid, chất vô cơ, cacbonhydrat, Ca, P, Fe và nhiều acid amin, vitamin nhóm B. Hàm lượng magiê và kali rất phong phú và hỗn hợp các chất trong nước dừa tương tự như dịch trong tế bào nên được dùng làm nước bổ dưỡng, chữa chứng mất nước và phục hồi cân bằng chất điện giải.
Nước dừa vị ngọt mát, tính bình; vào kinh tỳ, thận và vị; tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu, giải độc, cầm máu.
Cùi dừa vị ngọt, tính bình; vào kinh tỳ, thận và vị; tác dụng ích khí bổ dưỡng, nhuận tràng và lợi niệu; trị say nắng, say nóng, sốt khát nước, nôn mất nước, phù nề, tiểu ít, mụn nhọt lở ngứa, viêm da, chàm chốc...
Nước dừa giải nhiệt, tiêu khát.
5. Nước dưa hấu
Trong dưa hấu, nước chiếm 90%. Tất cả các phần của dưa hấu đều ăn được, ngay cả hạt và vỏ. Phần cùi trắng có thể hầm hoặc xào với các thành phần khác hoặc làm salad. Ngoài tác dụng giải nhiệt, nước dưa hấu còn hỗ trợ phòng ngừa hen, hạ huyết áp…
Nước dưa hấu giải nhiệt.
6. Nước sắn dây
Sắn dây (cát căn) vị ngọt, tính mát, có công dụng giải cơ, thoái nhiệt, phát biểu thấu chẩn, sinh tân chỉ khát, thăng dương chỉ tả... hỗ trợ cải thiện các chứng cảm nắng, sốt cao, nhức đầu, sởi, mỏi vai gáy... Một cốc nước bột sắn dây sẽ giúp bạn đánh bay cơn khát ngày hè.
Lưu ý: Bản chất cát căn có tính hàn lương, ăn nhiều dễ gây tiêu chảy, tổn thương vị, vì vậy cần dùng lượng vừa phải. Người hàn thấp khí nặng không nên dùng, vì dễ khiến hàn khí kết tập trong người nặng thêm.
Nước sắn dây giải nhiệt ngày hè.
7. Nước mía
Mía vừa để ăn, vừa làm thuốc trị bệnh rất tốt. Mía vị ngọt, tính lạnh, lợi vào kinh phế và vị, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, sinh tân nhuận táo, lợi niệu, tiêu trừ mệt mỏi, trợ giúp tiêu hóa. Dùng mía tốt cho người mắc đường hô hấp, sốt cao, giải độc, tiểu tiện bất lợi, đại tiện táo kết, bụng đầy trướng, tiêu hóa phiền nhiệt...
Mía và nước mía là đồ ăn thức uống rất tốt nhưng nếu để quá lâu hoặc bảo quản không tốt thì rất dễ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh.
Mía tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên những người tỳ vị hư yếu, đầy bụng đi lỏng và những người mắc bệnh tiêu khát (đái tháo đường) không nên dùng nhiều.
Nước mía thanh nhiệt, lợi thấp.