3 vấn đề ở "vòng 1" sau sinh chị em cần phát hiện sớm để xử lý ngay trước khi quá muộn

Có rất nhiều vấn đề ở “vòng 1” sau sinh mà chị em cần lưu ý như viêm vú, cương tức tuyến sữa, tắc sữa… Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ.

Dưới đây là 3 vấn đề ở "vòng 1" sau sinh chị em cần phát hiện sớm để xử lý ngay trước khi quá muộn.

1. Nứt nẻ và loét núm vú sau sinh

Nứt nẻ và loét núm vú biểu hiện khi xuất hiện các vết trợt da do mất niêm mạc trên núm vú. Biểu hiện nặng hơn là tổn thương rộng trên toàn núm vú nhất là ở khu vực giao giữa núm và bầu ngực mà dân gian hay gọi là nứt cổ gà gây đỏ, bong tróc và đau rát cho mẹ đặc biệt là khi trẻ bú.

Nguyên nhân của tình trạng này là do trẻ ngậm bắt vú kém, sai cách hoặc trẻ dùng lợi cắn, nhay núm vú. Một nguyên nhân khác ít xảy ra hơn là nhiễm nấm.

Hãy quan sát miệng trẻ, mông hay quanh hậu môn nếu thấy có vết trắng như nấm thì có thể nghi ngờ nhiễm nấm để đưa trẻ và mẹ đi khám, xử lý triệt để.

3 vấn đề ở vòng 1 sau sinh chị em cần phát hiện sớm để xử lý ngay trước khi quá muộn - Ảnh 1.

Hiện tượng nứt nẻ núm vú ở bà mẹ đang cho con bú

Nếu nguyên nhân là do trẻ ngậm bắt vú kém thì mẹ điều chỉnh lại cách ngậm bắt vú của trẻ vừa giải quyết được tình trạng nứt loét vừa thông sữa.

Ngoài ra, mẹ có thể chăm sóc tại chỗ bằng cách làm sạch núm vú trước và ngay sau mỗi lần bé ti.

Bên cạnh đó, mặc dù chưa có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy thuốc mỡ chữa lành tổn thương núm vú xong nhiều mẹ cũng sử dụng biện pháp bôi thuốc mỡ làm giảm cảm giác đau rát tại chỗ.

2. Cương tức tuyến vú sau sinh

Cương tức tuyến vú là tình trạng các ống dẫn sữa đầy sữa, không được thoát ra ngoài gây phù nề, sưng đau, đầu vú bóng đỏ, mẹ có thể bị sốt trong 24 giờ và không có sữa chảy ra.

Nguyên nhân của cương tức tuyến vú có thể do: Mẹ quá nhiều sữa; bắt đầu cho bé bú muộn (do mẹ sinh mổ hay các nguyên nhân khác mà bé không bú mẹ); trẻ bú không thường xuyên; trẻ bú lắt nhắt, mỗi lần bú không hết sữa; trẻ ngậm bắt núm vú sai cách không hút được sữa ra…

Cách tốt nhất để điều trị cương tức tuyến vú là cho trẻ bú làm trống bầu bú bằng cách: Cố gắng cho trẻ bú đúng cách, đúng cữ, bú hết sữa trong mỗi cữ; nếu bé không bú được sữa hoặc không bú hết hoặc không được bú, mẹ nên dùng máy hút sữa hút hết sữa ra.

Một số thao tác hữu ích: mẹ nghỉ ngơi và thư giãn để tinh thần thoải mái; mẹ kích thích núm vú và da vùng núm vú; massage vú nhẹ nhàng; đặt gạc lạnh lên núm vú có thể làm giảm bớt cảm giác khó chịu; mặc áo cotton thông thoáng để bầu ngực được thoải mái hơn.

3 vấn đề ở vòng 1 sau sinh chị em cần phát hiện sớm để xử lý ngay trước khi quá muộn - Ảnh 2.

Ngực căng phồng do cương tức tuyến vú sau sinh.

3. Tắc tia sữa và viêm vú sau sinh

Ngay sau khi sinh, tuyến sữa bắt đầu sản xuất sữa, tiết sữa thông qua ống dẫn sữa. Nếu sữa không được thoát ra ngoài mà ứ đọng lại trong mô vú khiến cho các nang tuyến phình to, chèn ép hệ thống ống dẫn sữa và gây tắc nghẽn cục bộ các ống dẫn sữa.

Thông thường, sau khi sinh, nếu bé được ti mẹ ngay, ti no khiến tuyến sữa được thông liên tục sẽ không gây tắc. Nhưng nếu bé ngậm bắt núm vú sai, bé ti không no hay vì một lý do khác bé chưa được ti mẹ thì rất dễ gây tắc tia sữa.

Bên cạnh đó, có một số bà mẹ có sữa quá đặc, sữa tiết nhiều hơn so với nhu cầu của bé khiến sữa ứ đọng cũng gây tắc tia sữa.

Khi ống dẫn sữa bị tắc xảy ra hiện tượng ứ đọng sữa. Ứ đọng sữa nhiều gây nên phản ứng viêm cục bộ không nhiễm trùng của mô vú kèm theo các dấu hiệu như bầu ngực phình to như sưng, hơi đỏ và đau tức.

Nếu tình trạng bội nhiễm xảy ra, phần mô vú bị tắc sẽ có phản ứng viêm vú nhiễm trùng hay thường gọi là “áp xe vú”. Các triệu chứng như; ngứa bầu ngực, đau rát; bầu ngực sưng tấy, đỏ; ấn tay nhẹ vào bầu ngực cảm giác căng cứng và đau; mẹ bị sốt cao, cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi; sữa không tiết, tiết ít hoặc có mủ.

Tuy nhiên, rất khó để phân biệt đâu là dấu hiệu quả viêm vú không nhiễm trùng và viêm vú nhiễm trùng. Ngay khi mẹ nhận thấy các dấu hiệu bất thường, mẹ cần kiểm tra để xử lý kịp thời.

3 vấn đề ở vòng 1 sau sinh chị em cần phát hiện sớm để xử lý ngay trước khi quá muộn - Ảnh 3.

Tắc tia sữa có thể gây áp xe vú

Áp xe vú cần được chỉ định kháng sinh, nghỉ ngơi và giảm đau có thể gián đoạn quá trình mẹ cho con bú. Sử dụng kháng sinh phải đủ liều, đủ thời gian, tránh tình trạng mẹ sợ bé không được ti mà gián đoạn điều trị làm tình trạng trở nên nặng hơn. Vì vậy, mẹ cần chữa trị tắc tia sữa từ sớm để tránh tình trạng nặng lên.

Khi mẹ bị tắc tia sữa cần được thông tắc ngay: Phương pháp thông tắc tự nhiên nhất là cho bé bú đều hai bên, bú đủ và bú hết sữa trong mỗi cữ; trước khi cho bé bú, mẹ massage ngực theo chiều kim đồng hồ, đặc biệt là những vị trí sờ thấy cục nổi lên do tắc sữa khiến tuyến vú bị phình ra.

Khi vú mềm mới cho bé ti. Bé vừa ti mẹ vừa massage thật đều và nhớ để bé bú hết một bên mới đổi bên khác; nếu bé bú không hết, mẹ nên dùng máy hút sữa để hút hết sữa thừa ra. Nếu bé chưa tự bú được, mẹ có thể hút ra cho bé bú bình hoặc bón thìa…; mẹ bị tắc nặng và thường xuyên có thể thông tắc bằng chiếu đèn hồng ngoại/đèn diện chẩn/bấm huyệt/châm cứu tại các bệnh viện uy tín.

https://ahadep.com/3-van-de-o-vong-1-sau-sinh-chi-em-can-phat-hien-som-de-xu-ly-ngay-truoc-khi-qua-muon-20220620055429969.chn