Có rất nhiều cách được các mẹ rỉ tai nhau là "tuyệt chiêu" gọi sữa về nhiều nhưng thực tế kết quả lại không như mong đợi. Cùng điểm mặt 4 lầm tưởng mà hầu như sản phụ nào cũng từng mắc phải.
1. Ăn nhiều móng giò
Ăn móng giò để giúp nhiều sữa là quan niệm từ xa xưa được các bà truyền tai. Vì thế, sau khi sinh, sản phụ thường ăn nhiều các món được chế biến từ móng giò như cháo móng giò, móng giò hầm đu đủ xanh, móng giò luộc… Thậm chí, có nhiều người còn ăn móng giò từ tháng cuối thai kỳ để sau sinh có nhiều sữa.
Theo quan niệm dân gian, móng giò hầm là món ăn giúp mẹ nhiều sữa sau sinh
Thực tế, đây chỉ là quan niệm dân gian, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh. Ngược lại, ăn nhiều móng giò còn khiến mẹ bị béo phì, tăng mỡ máu. Đặc biệt, trong móng giò có nhiều chất keo mỡ động vật, nếu ăn nhiều có thể gây tắc sữa.
2. Uống ngũ cốc lợi sữa
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại ngũ cốc lợi sữa. Những lời quảng cáo hoa mỹ như uống ngũ cốc sữa về ướt áo, con ti không hết, sữa đặc hơn giúp con lên cân nhanh… khiến nhiều mẹ tin sái cổ và mua về sử dụng.
Nhiều mẹ tin rằng uống ngũ cốc sẽ giúp nhiều sữa
Thế nhưng, sau một thời gian sử dụng ngũ cốc, nhiều sản phụ vẫn thấy lượng sữa không hề cải thiện. Một số người lượng sữa có tăng lên nhưng không đáng kể. Thực tế, uống ngũ cốc có thể giúp tăng sữa là do uống nhiều nước (pha ngũ cốc với nước) chứ không phải các thành phần của ngũ cốc kích thích sản xuất nhiều sữa.
Uống ngũ cốc có thể giúp sữa đặc hơn, chất lượng hơn do thành phần ngũ cốc gồm nhiều loại hạt tốt cho sức khỏe. Còn vấn đề uống ngũ cốc giúp nhiều sữa thì không đúng hoàn toàn.
3. Ăn chân chó, chân dê
Cũng giống như quan niệm ăn móng giò giúp nhiều sữa, nhiều người tin rằng ăn móng các loại động vật 4 chân sẽ giúp gọi sữa về nhiều hơn.
Chân dê hầm được nhiều mẹ tin rằng có thể giúp gọi sữa về nhiều
Thực tế không phải vậy. Không phải ai ăn chân chó, chân dê cũng đều nhiều sữa. Có nhiều mẹ ăn những loại móng này vẫn ít sữa, không đủ sữa cho con ti nhưng lại có nhiều mẹ không ăn móng, chỉ ăn uống bình thường lại rất nhiều sữa, con ti thoải mái.
4. Uống các loại nước lá
Một trong những quan niệm dân gian giúp "gọi sữa" về nhiều được các mẹ sau sinh tin tưởng đó là uống các loại nước lá như: lá bồ công anh, lá đinh lăng, chè vằng, lá mít, lá vối… Thực tế, uống nước lá không giúp nhiều sữa mà sữa chỉ về nhiều do mẹ uống nhiều nước.
Uống nước chè vằng, nước lá bồ công anh giúp nhiều sữa là lầm tưởng của nhiều sản phụ
Uống nước lá bồ công anh, lá đinh lăng không giúp nhiều sữa nhưng có thể giúp mẹ loại bỏ tình trạng cương sữa, tắc sữa do có khả năng thông tắc tia sữa. Nếu gặp phải tình trạng này, mẹ có thể uống các loại nước lá kể trên. Nhưng để có nhiều sữa thì mẹ cũng không nên áp dụng cách này vì nó không đem lại hiệu quả như suy nghĩ của nhiều người.
Sản phụ cần làm gì để có nhiều sữa cho bé bú?
Việc sữa mẹ có nhiều hay ít phụ thuộc vào hormone tạo sữa bên trong cơ thể. Càng nhiều hormone tạo sữa thì mẹ càng có nhiều sữa và ngược lại.
Bên cạnh đó, sữa mẹ được sản xuất theo nhu cầu của bé. Bé cần nhiều thì mẹ sẽ sản xuất nhiều sữa và ngược lại. Nếu bé thường xuyên bú mẹ, mỗi cữ bú kéo dài sẽ tạo phản xạ để cơ thể hiểu rằng trẻ đang cần nhiều sữa, khi đó não bộ sẽ điều khiển các hormone tạo ra sữa nhiều hơn.
Với trường hợp em bé rất ít bú mẹ, mỗi cữ bú chỉ kéo dài vài phút thì lượng sữa trong cơ thể mẹ tiết ra sẽ ít đi. Cơ thể mẹ có thể hiểu và cảm nhận được nhu cầu sữa của bé, từ đó sản xuất lượng sữa phù hợp chứ không phụ thuộc vào việc mẹ ăn các món được cho là lợi sữa như móng giò, chân chó, ngũ cốc…
Khi bé lớn hơn, nhất là thời điểm ăn dặm thì nhu cầu sữa sẽ ít đi. Lúc này trẻ bú mẹ ít lần hơn trong ngày và cơ thể mẹ cũng hiểu, con không cần nhiều sữa nữa.
Cho bé bú mẹ nhiều là cách hiệu quả nhất để gọi sữa về dồi dào
Chính vì vậy, để có nhiều sữa, việc đầu tiên mẹ cần làm đó là cho bé bú nhiều nhất có thể, sau 2-3 tiếng bú một lần, mỗi cữ bú kéo dài trên 15 phút.
Tuy nhiên, sữa mẹ sẽ giảm dần theo thời gian vì nhu cầu sữa của bé cũng giảm do được cung cấp thêm dinh dưỡng qua ăn dặm. Đến một độ tuổi nào đó, thường là khi 2 tuổi, bé sẽ cần rất ít sữa và mẹ có thể nghĩ tới việc cai sữa cho con.