Để bắt đầu một ngày mới tốt nhất, bạn nên có những thói quen tốt. Các hoạt động thường được khuyến khích vào buổi sáng như tập thể dục, viết nhật ký có thể hữu ích và tốt cho sức khỏe. “Nhưng nếu chúng ta quá cứng nhắc về một số “nghi thức” nhất định trong thời đại hiện nay thì những thói quen tốt đó có thể trở nên độc hại”, nhà tâm lý học Han Ren tại Austin (Mỹ) nhận định.
Khi bạn đặt ra những nguyên tắc cho ngày mới vào buổi sáng về việc bạn nên trông như thế nào?, vô hình trung bạn đã tự đặt áp lực cho mình khiến mọi thứ phải hoàn hảo, sau đó lo lắng nếu mọi thứ không diễn ra như kế hoạch. Những thói quen lành mạnh này cũng có thể khiến bạn căng thẳng nếu bạn cảm thấy mình “phải” thực hiện chúng để khởi đầu một ngày mới tốt đẹp.
Áp lực này có thể rõ ràng hơn nếu bạn là một người cầu toàn. Athina Danilo, nhà trị liệu về Hôn nhân và Gia đình tại Burbank, California (Mỹ) cho biết, nếu bạn không đạt được những kỳ vọng tự áp đặt này, bạn sẽ cảm thấy thất bại hoặc tự trách vì mình chưa làm tốt. Những suy nghĩ gây lo lắng, ảnh hưởng đến những thời gian còn lại trong ngày, vô hình trung nó trở thành một vòng luẩn quẩn.
Khó có thể xác định được những thói quen nào khiến bạn thực sự căng thẳng vào buổi sáng. Nhưng dưới đây là một số ví dụ mà các chuyên gia đưa ra:
1. Ăn sáng chậm
Ăn sáng chậm rãi mặc dù có ý nghĩa giúp bạn thư giãn và tập trung, nhưng nó có thể phản tác dụng nếu không phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống hiện tại của bạn. Giả sử bạn có con nhỏ, bạn cần ưu tiên cho con mình mặc quần áo, ăn uống và chuẩn bị đi học vào mỗi buổi sáng. Một bữa ăn dài vào buổi sáng trong lúc có rất nhiều thứ phải làm sẽ là một thử thách và làm tăng căng thẳng cho bạn.
Ngay cả khi không có con, bạn có thể ngủ thêm 30 phút vào buổi sáng trước khi đi làm và cảm thấy vui vẻ, trạng thái tinh thần tốt hơn, thay vì ngồi xuống ăn một bữa ăn kéo dài hơn 30 phút.
2. Cài nhiều báo thức
Cài báo thức nhiều lần là cách nhiều người chọn để có thêm một vài phút ngủ “bù giờ”. Thế nhưng đôi khi việc cài nhiều lần báo thức có thể khiến bạn rơi vào trạng thái căng thẳng và có một giấc ngủ không lý tưởng. Alison Nobrega, nhà trị liệu và nhân viên xã hội lâm sàng thực hành ở Oakland, California (Mỹ) cho biết: “Nghe đi nghe lại âm thanh báo thức như lời nhắc nhở về tất cả những việc chúng ta phải làm trong ngày. Về cơ bản, việc trì hoãn thức dậy là vì chúng ta không muốn làm những điều đó”.
Ông Ren nói thêm: “Sự trì hoãn này có vẻ tốt trong thời điểm đó, nhưng sau khi thức dậy sẽ là lúc bạn cảm thấy khó chịu về tinh thần, thể chất khi rơi vào trạng thái cấp bách và kéo dài thời gian về sau”.
Chưa kể thực tế là bạn cũng không có được giấc ngủ chất lượng khi chuông báo thức kêu liên tục. Tốt hơn hết, bạn nên đặt báo thức trong nửa giờ sau đó và tận hưởng giấc ngủ sâu không bị gián đoạn.
3. Viết danh sách việc cần làm
Ghi lại những suy nghĩ và công việc của bạn vào một cuốn sổ ghi chú chắc chắn là một việc làm thông minh để giải phóng không gian não bộ của bạn. Những danh sách như vậy có thể kiểm soát lo lắng và giúp bạn không bỏ sót những việc cần làm.
Thế nhưng, nếu bạn quá tham vọng và viết ra nhiều hơn những gì bạn có thể làm trên thực tế, điều này không hoàn toàn là tốt. Bạn thậm chí sẽ phải sao chép những thứ bạn không làm được từ danh sách ngày hôm qua cho hôm nay. Và… không có gì bất ngờ là danh sách đó trở thành một bằng chứng xác thực cho việc bạn không thể đạt được tiêu chuẩn cầu toàn mà bạn đặt ra cho chính mình.
Ông Ren nói, đó gần như là một cách “trừng phạt bản thân” vì những gì chúng ta không hoàn thành vào ngày hôm trước. Thế nhưng, bạn có thể thử tạo một danh sách “đã xong” để giúp bạn nhận ra những gì mình đã hoàn thành.
4. Ăn sáng cùng gia đình
Mặc dù lợi ích của việc ăn sáng cùng những người thân yêu là một việc làm hạnh phúc, nhưng điều này có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Đặc biệt nếu gia đình bạn bận rộn và mọi người có thể chưa sẵn sàng cho giao tiếp, kết nối.
Thời gian lý tưởng để tạo sự gắn kết có thể vào thời điểm khác, chẳng hạn như bữa tối, khi áp lực về thời gian ít đi.
Nguồn: HuffPost