Các chuyên gia cho biết, các bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh răng miệng cao hơn rất nhiều so với người bình thường. Nguyên nhân là vì hàm lượng đường trong nước bọt cao khiến vi khuẩn có hại sinh sôi nhanh hơn và mạnh hơn.
Đồng thời, tiểu đường cũng tác động tới mạch máu, đặc biệt là gây tổn thương, co hẹp các mạch máu. Từ đó dẫn tới giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng nướu răng, làm giảm sức đề kháng với bệnh răng miệng.
Vì vậy, nếu có 1 trong 5 bất thường về răng miệng sau đây, tốt nhất là hãy đến bệnh viện để kiểm tra đường huyết trước khi quá muộn:
1. Thường xuyên khô miệng
Đây là hiện tượng thường hay gặp ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Khi bị tiểu đường, quá trình bài tiết nước bọt bị suy giảm, dẫn đến thiếu nước bọt và gây nên tình trạng khô miệng thường xuyên.
2. Đau, sưng hoặc viêm nướu
Tiểu đường khiến vi khuẩn có hại sinh sôi nhanh và cũng khiến răng nhanh có mảng bám hơn. Lâu ngày, mảng bám trở thành vôi răng khó làm sạch, chúng kích thích nướu răng, làm cho nướu bị sưng đỏ, chảy máu và dẫn đến nướu răng bị viêm.
Ngoài ra, đường huyết tăng cao cũng tạo điều kiện cho nấm Candida trong khoang miệng phát triển nhanh chóng, dẫn đến bệnh tưa miệng. Cụ thể, bệnh gây những đốm trắng hoặc đỏ trên lưỡi, má hoặc vòm miệng, nướu răng bị sưng, đau và hình thành các vết thương hở, dễ viêm nhiễm.
3. Dễ sâu răng
Các mảng bám trên răng được hình thành do sự kết hợp giữa thức ăn dư thừa bám trên kẽ răng và vi khuẩn nếu không được vệ sinh thường xuyên và đúng cách.
Trong khi đó, tiểu đường khiến đường trong nước bọt tăng, dễ sinh sôi vi khuẩn và nhanh tạo mảng bám. Lâu ngày, chúng kết hợp với nhau sản sinh ra acid, tấn công lên bề mặt răng của bệnh nhân gây nên hiện tượng sâu răng.
4. Hay bị tụt lợi, lung lay răng
Bệnh tiểu đường khiến các mạch máu dần đặc lại, lưu thông kém đi nên vùng xương quanh răng và nướu răng yếu dần. Từ đó gây ra tình trạng tụt lợi, lung lay răng.
5. Viêm nha chu thường xuyên
Đây là tình trạng nặng của bệnh viêm nướu răng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Viêm nha chu làm phá hủy các mô mềm, xương và dây chằng nâng đỡ răng, khiến răng của bệnh nhân trở nên lỏng lẻo, có thể dẫn đến mất răng hay y khoa thường gọi là đái tháo đường rụng răng.
Viêm nha chu gây ảnh hưởng rất lớn đến những bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường. Bởi vì bệnh này làm tăng mức đường huyết và làm giảm khả năng kiểm soát đường huyết của bệnh nhân.
Ngược lại, nếu không kiểm soát tốt lượng đường trong máu, bệnh nha chu sẽ khó đối phó hơn và bệnh sẽ diễn biến nhanh hơn. Ngay cả với những bệnh nhân được kiểm soát đường huyết ổn định, các bác sĩ nha khoa cũng khuyến cáo cần tái khám định kỳ từ 2 đến 3 tháng để kiểm tra tình trạng răng miệng và lấy vôi răng.
Nguồn và ảnh: HK01, Healthline, Goody25