Cá vẫn là một món ăn không thể thiếu trên bàn ăn của chúng ta hàng ngày, nó thường mang đến những lợi ích sức khỏe rất lớn bởi giá trị dinh dưỡng cao. Với nhiều cách chế biến khác nhau và mùi vị lạ hơn so với các loại thịt đỏ, bạn có thể ăn cá thường xuyên mà không cảm thấy ngấy ngán hay khiến bạn tăng cân.
Mặc dù cá rất ngon nhưng không phải bộ phận nào của nó chúng ta ăn vào cũng bổ dưỡng, ở một số bộ phận của cá nếu tiêu thụ thậm chí bạn có thể bị ngộ độc hoặc bệnh tim mạch âm thầm phát triển trong cơ thể.
Dưới đây là 5 bộ phận như thế được bác sĩ dinh dưỡng Lin Chen, Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Đồng Nhân Bắc Kinh, Đại học Y Thủ đô (Trung Quốc) chỉ ra.
1. Mắt cá
"Ăn gì bổ nấy" là câu nói mà chúng ta thường nghe thấy, và cũng xuất phát từ đó mắt cá được cho rằng giúp cải thiện thị lực. Điều này liệu có chính xác? Nếu phải kể đến lợi ích cho mắt, mắt cá chứa các chất dinh dưỡng như vitamin A và DHA.
Thiếu vitamin A có thể dẫn đến quáng gà và khô mắt, nhưng hàm lượng vitamin A trong mắt cá rất thấp, nên ăn gan, thịt, lòng đỏ động vật sẽ tốt hơn và tiết kiệm chi phí hơn!
Đối với DHA, nó có thể có lợi cho sự phát triển thần kinh thị giác của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ nữ có thai/cho con bú và trẻ 0-3 tuổi nên bổ sung DHA thông qua thực phẩm để bảo vệ sự phát triển thị giác của trẻ. Tuy nhiên, DHA trong mắt cá cũng rất ít. Do đó, thay vì ăn cá để cải thiện thị lực, tốt hơn hết bạn nên bớt nghịch điện thoại di động!
2. Óc cá
Nhiều người cho rằng não cá (óc cá) chứa nhiều DHA và EPA, có thể thúc đẩy sự phát triển tế bào não, cải thiện giấc ngủ, thậm chí thúc đẩy khả năng học tập và trí nhớ.
Nhưng trên thực tế, vai trò của DHA và EPA trong việc giúp phát triển trí não mới chỉ được khẳng định ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.
Đối với các lợi ích sức khỏe khác, một số nghiên cứu có đối chứng đã chỉ ra rằng việc bổ sung DHA hoặc EPA qua đường ăn uống không giúp cải thiện đáng kể chức năng nhận thức của não. Ngoài ra, óc cá còn chứa nhiều cholesterol, tiêu thụ quá nhiều dễ gây ra các bệnh liên quan đến tim mạch.
Do đó, đầu cá thực sự không phải là một món ăn bổ não. Và ăn nhiều đầu cá thì lợi bất cập hại.
3. Da cá
Da cá chứa rất nhiều collagen, có thể chiếm hơn 80% tổng lượng protein của nó. Nhưng ăn da cá chưa chắc đã giúp bạn làm đẹp.
Đầu tiên, mặc dù một số nghiên cứu lâm sàng đã phát hiện ra rằng bổ sung collagen peptide bằng đường ăn uống có thể tăng độ đàn hồi của da, giảm nếp nhăn và cải thiện độ ẩm của da. Nhưng những nghiên cứu này chỉ quan sát một số mẫu người nhỏ.
Nói cách khác, ngay cả khi bạn uống bổ sung collagen bằng cách chiết xuất và chế biến thì vẫn chưa chắc có tác dụng thẩm mỹ. Hơn nữa, một khi collagen trong da cá bị đun nóng, nó sẽ bị phá vỡ và phân hủy thành các axit amin qua đường tiêu hóa, từ đó không thể đạt được những hiệu quả thẩm mỹ.
4. Xương cá
Khi nấu xương cá, chúng ta sẽ thu được một loại súp có màu trắng sữa, dạng sệt. Khi đó, các protein và chất khác trong xương cá đã được hòa tan ra nước bằng cách nung nóng. Dưới sự nhũ tương hóa của một số protein, chúng (các chất dinh dưỡng) "quấn lấy nhau" để tạo thành các hạt mỡ nhỏ.
Và theo thói quen, chúng ta sẽ hớt bỏ những hạt mỡ này. Do đó, việc ăn xương cá hay súp từ xương cá về cơ bản dinh dưỡng mang lại không quá cao, thay vào đó bạn có thể ăn canh thịt sẽ tốt hơn.
5. Mật cá
Mật cá chứa axit cholic, xyanua và nhiều độc tố khác, việc ăn vào không có lợi cho sức khỏe. Nhiều người thường dùng nó để ngâm rượu hoặc đun thật lâu, tuy nhiên, chúng (các chất độc trên) không những không tan trong rượu mà còn chịu được nhiệt độ cao, dù nấu hay ngâm rượu cũng không thể tiêu diệt được độc tính của chúng.
Vì vậy, không thể ăn mật cá dù chế biến theo cách nào đi chăng nữa!
Nguồn và ảnh: Tencent, QQ, Eat This