Suy thận là tình trạng thận bị mất chức năng, không còn khả năng lọc các chất thải từ máu. Đây là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn tính. Suy thận giai đoạn cuối, thường được gọi là "urê huyết", là giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh thận. Lúc này, thận đã mất 85% đến 90% chức năng, ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan trên toàn cơ thể.
Bệnh không chỉ khiến người mắc đau đớn, mệt mỏi, giảm chất lượng cuộc sống, mà còn có thể tử vong bất cứ lúc nào. Bởi nó gây ra các biến chứng như tình trạng tăng năng tuyến cận giáp, tổn thương thần kinh gây co giật, rối loạn chức năng não, mất trí nhớ, tổn thương hệ tiêu hóa gây chảy máu dạ dày và/hoặc ruột, các vấn đề về tim và mạch máu, thiếu máu, suy tim…
Vì vậy, đừng xem nhẹ suy thận và không bỏ lỡ 5 dấu hiệu sớm nhất khi bị suy thận “tấn công” sau đây:
1. Ngứa da, phù nề
Phù nề bất thường được xem là một trong số triệu chứng phổ biến nhất ở người suy thận. Thận là cơ quan quan trọng nhất để điều tiết nước. Khi thận bị suy, khả năng thoát nước giảm đi đáng kể, nước uống vào không thể thải ra ngoài và sẽ tích tụ ở nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể. Đồng thời, thận bị suy giảm chức năng dẫn tới chất thải không thể loại bỏ ra được khỏi cơ thể, khiến cho người bệnh gặp phải tình trạng tích trữ nước, phù nề. Thường gặp nhất và nặng nề nhất là ở những vùng như chân, tay và mặt.
Suy thận thường gây ngứa và/hoặc phù nề ở chân (Ảnh minh họa)
Tương tự, khi thận gặp vấn đề sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình lọc chất thải ở trong máu. Điều này khiến cho da bị phát ban và ngứa ngáy. Thường đi kèm với phát ban hoặc mọc các nốt mụn nhỏ. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng rất dễ bị hiểu lầm là bệnh da liễu thông thường.
2. Suy nhược cơ thể
Hầu như bệnh nhân nào bị suy thận mạn tính cũng đều gặp phải tình trạng thiếu máu. Điều này dẫn đến chức năng hoạt động của thận bị suy giảm chỉ còn từ 20% đến 50% hiệu suất so với người bình thường. Nếu như, bạn vẫn nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc nhưng cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải thì đây có thể là dấu hiệu của suy thận.
Ngoài mệt mỏi về thể chất, suy thận còn gây suy nhược tinh thần. Khi thận bị hỏng, chúng tạo ra ít erythropoietin hơn, cơ thể có ít các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy hơn, nên các cơ và đầu óc của bạn mệt đi nhanh chóng, hay buồn ngủ. Tình trạng này cũng liên quan tới thiếu máu và dễ bị hiểu lầm rằng ăn uống thiếu chất, ngủ chưa đủ, stress…
3. Tiểu tiện bất thường
Đương nhiên, chức năng của thận sẽ ảnh rất lớn đến tình trạng tiểu tiện nên triệu chứng suy thận ở giai đoạn nào cũng không thể thiếu tiểu tiện bất thường.
Ở giai đoạn đầu của bệnh suy thận, có 2 dấu hiệu tiểu tiện bất thường cần lưu ý đó là lượng nước tiểu giảm và hay tiểu về đêm. Còn ở những giai đoạn sau, sẽ xuất hiện thêm tình trạng đau buốt khi tiểu, tiểu rắt, nước tiểu đổi màu, mùi rất khó chịu, tiểu có nhiều bọt, tiểu ra máu.
Lượng nước tiểu 24 giờ của một người trưởng thành bình thường là 1000 - 2000ml. Nếu lượng nước tiểu giảm đột ngột hoặc giảm trong nhiều ngày trong khi thói quen ăn uống không thay đổi nhiều hoặc đã điều chỉnh ăn uống nhưng không có tác dụng thì hãy nhanh đi khám. Nếu lượng nước tiểu giảm đến mốc 400ml trở xuống thì rất có thể là suy thận.
Còn với tiểu đêm, y học giải thích đây là tình trạng tỉnh dậy nhiều hơn 1 lần vào ban đêm để đi tiểu và xảy ra trong khoảng thời gian dài. Cần phải hiểu rằng, nước tiểu không ra ngoài liên tục mà được trữ lại rồi thải ra ngoài lúc thuận tiện nhờ vào bàng quang. Khi chức năng thận suy yếu, khả năng tái hấp thu nước giảm, làm cho lượng nước tiểu bài tiết nhiều hơn. Khi cơ bàng quang suy yếu, khả năng giữ nước tiểu giảm, sẽ dẫn đến tình trạng tiểu đêm, tiểu nhiều lần.
4. Hô hấp có vấn đề
Đừng nghĩ rằng chỉ bệnh lý về phổi mới có những triệu chứng hô hấp rõ ràng ở giai đoạn đầu. Bệnh nhân suy thận cũng sẽ gặp những bất thường về hô hấp mà rất dễ nhầm lẫn thành bệnh nhẹ hơn như cảm lạnh, nghẹt mũi, bệnh răng miệng…
Ban đêm là thời điểm nhiều triệu chứng suy thận trở nên rõ ràng hơn (Ảnh minh họa)
Bệnh suy thận khiến cho người bệnh không thể lọc được chất thải trong máu ra ngoài và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hồng cầu. Điều này là nguyên nhân làm cơ thể bị ứ dịch và gây suy giảm chức năng của phổi. Thêm vào đó, lượng hồng cầu giảm dẫn đến quá tình vận chuyển oxy sẽ gặp khó khăn. Do đó, sẽ thấy hay khó thở, có thể tức ngực nhẹ, nhất là khi nằm xuống.
Một dấu hiệu khác liên quan tới hô hấp mà suy thận giai đoạn đầu mang tới là ngáy to và kéo dài, y học gọi là chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là một dạng rối loạn giấc ngủ gây ra hiện tượng tạm ngưng thở một hoặc nhiều lần trong một đêm. Tuy thời gian hơi thở bị dừng chỉ kéo dài trong khoảng vài giây cho đến 1 phút, nhưng sau đó, người bệnh sẽ ngáy rất to và kéo dài. Nên nếu gặp tình trạng này, hãy sớm đi thăm khám chứ đừng chủ quan!
5. Đau lưng và hôi miệng
Suy thận cũng gây ra hôi miệng nhưng nó lại thường bị hiểu lầm là bệnh răng miệng hoặc do thực phẩm. Theo giải thích của các chuyên gia, khi chất thải không thể lọc ra khỏi cơ thể và tích trữ lại quá nhiều ở trong máu sẽ gây ra hôi miệng. Bên cạnh đó, người bệnh còn cảm thấy trong miệng như có vị của kim loại. Dù đánh răng, súc miệng kỹ vẫn sẽ không biến mất và thường nặng mùi nhất khi ngủ dậy buổi sáng, trước khi đi tiểu.
Suy thận cũng có thể gây ra hôi miệng, có mùi vị lạ trong miệng (Ảnh minh họa)
Đau lưng cũng thường xuất hiện khi bạn bị suy thận tấn công. Ở giai đoạn đầu, cơn đau lưng sẽ không quá nặng, âm ỉ và rõ ràng hơn khi buồn tiểu, nhịn tiểu hay đang tiểu. Đau lưng do suy thận giai đoạn đầu cũng dễ bị nhầm lẫn với vấn đề xương khớp, ngồi sai tư thế. Nhưng có thêm 1 đặc điểm phân biệt nữa là vị trí thường ở thắt lưng, sau đó lan dần ra phía trước vùng hông hoặc chậu.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Sunday More, Healthline