Anh N.V.H (43 tuổi, ở TPHCM) có một nốt ruồi ở trên ngón chân cái bên trái không biết mọc từ bao giờ. Trong suốt, một thời gian dài anh H không hề để ý tới chiếc nốt ruồi ở chân khi nó có dấu hiệu ngứa, khó chịu. Anh H nghĩ do đi giày nhiều khiến chân đổ mồ hôi, vi khuẩn có điều kiện phát triển khiến chân bị ngứa.
Anh H chuyển sang đi dép nhưng các triệu chứng ngứa tại nốt ruồi không hề khỏi mà còn có thêm dấu hiệu chảy dịch. Anh H đã mua thuốc ngoài da bôi nhưng các triệu chứng chỉ thuyên giảm sau đó lại tái phát trở lại.
Sau khi, tìm hiểu anh H mới biết rất có thể nốt ruồi của anh có nguy cơ ung thư hóa. Anh H đã đi khám, kết quả anh được chẩn đoán ung thư tế bào hắc tố tại vị trí nốt ruồi.
Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Thanh Yến, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, nốt ruồi là các nốt nhỏ sậm màu xuất hiện trên da và cơ thể chúng ta. Nốt ruồi hình thành là do sự phân bố không đều của tế bào biểu bì tạo sắc tố (melanocytes) ở lớp đáy của biểu bì. Nốt ruồi có nhiều màu sắc khác nhau như nâu, đen hoặc đậm hơn.
Đa phần nốt ruồi là lành tính không có sự thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, có một số nốt ruồi có nguy cơ ung thư hoá (ung thư tế bào hắc tố), cần phải nhận biết rõ để ngăn ngừa.
"Một nốt ruồi lành tính sẽ có màu nhất định không có biến đổi màu sắc, đường viền của nốt ruồi khá rõ", bác sĩ Thanh Yến nói.
Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Thanh Yến
Một số nốt ruồi có nguy cơ ung thư chẳng hạn như xuất hiện nốt ruồi bẩm sinh từ lúc mới sinh ra. Nếu bé sinh ra đã có nốt ruồi, bố mẹ cần đưa trẻ đi kiểm tra sớm để phòng ngừa ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Bên cạnh đó, ở một số vị trí như lòng bàn tay, bàn chân, vùng bán niêm mạc, trên đầu… xuất hiện nốt ruồi cũng được xem là có nguy cơ tiến triển thành ung thư.
Đối với người trưởng thành để phát hiện nguy cơ ung thư từ nốt ruồi mọi người nên để ý tới một số đặc điểm sau:
- Nốt ruồi lớn lên theo thời gian, kích thước thay đổi bất thường;
- Nốt ruồi đậm màu, đỏ hoặc xanh ở khu vực trung tâm và nhạt màu xung quanh;
- Viền nốt ruồi không rõ ràng;
- Nốt ruồi xuất hiện sau 25 tuổi, xuất hiện ở vùng tiếp xúc với nhiều ánh sáng mắt trời;
- Đau hoặc ngứa, gây loét ở vị trí có nốt ruồi.
Theo bác sĩ Thanh Yến khi nốt ruồi xuất hiện các dấu hiệu kể trên, mọi người cần đi khám để loại trừ nguy cơ ung thư. Khi đi khám, trước tiên các bác sĩ sẽ khám lâm sàng và chỉ định những xét nghiệm cần thiết để đánh giá nguy cơ, nếu kết quả chẩn đoán là ung thư, bác sĩ sẽ đánh giá giai đoạn tiến triển của khối u hoặc xem khối u có di căn hay không.
Ung thư hắc tố là loại ung thư da nguy hiểm có thể gây tử vong cho người bệnh. Việc phát hiện ung thư hắc tố xuất phát từ nốt ruồi sớm sẽ ngăn ngừa bệnh tiến triển, giảm nguy cơ di căn và tử vong, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh.
Bác sĩ Thanh Yến lưu ý, khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường trên nốt ruồi người dân cần đi khám sớm để phát hiện bệnh kịp thời (nếu có).